.

Tư tưởng trọng dân của Bác Hồ

.

Không phải ngẫu nhiên mà trong bản Di chúc viết tay của mình, Bác Hồ 17 lần nhắc đến từ “Nhân dân”, và đều gạch dưới tất cả các từ này. Bác từng nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(1). Bác khẳng định: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn ai hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”(2). Chính nhờ tư tưởng trọng dân của Bác mà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta đã hình thành được thế đứng giữa lòng dân - một thế trận chiến tranh có thể khiến các nhà nghiên cứu quân sự phương Tây phải thực sự kinh ngạc.

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Ảnh: Internet
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Ảnh: Internet

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta luôn chứng minh rằng nếu làm mất lòng dân, không được nhân dân ủng hộ thì thành cao hào sâu cũng không thể cứu được đất nước khỏi rơi vào tay ngoại bang, không thể cứu chế độ cai trị đương quyền không bị sụp đổ, chẳng hạn như vào đời nhà Hồ, thành nhà Hồ ở Tây Đô Thanh Hóa rất hoành tráng nhưng cũng không thể nào ngăn được vó ngựa quân Minh dày xéo Tổ quốc hàng chục năm trời, bởi nhà Hồ đã không xây dựng được thế trận lòng dân - một yếu tố sống còn như Hồ Nguyên Trừng con trai Hồ Quý Ly từng lo ngại: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”. Ý kiến của Hồ Nguyên Trừng được sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá cao: Mệnh trời là ở lòng dân. Câu nói của Trừng hiểu được điều cốt yếu đó. Không thể vì cớ họ Hồ mà bỏ câu nói của Trừng được(3).

Tất nhiên nói vậy không có nghĩa là tay không cũng có thể bắt được giặc, không có nghĩa là không cần nỗ lực để tạo nên sự đồng hành giữa sức mạnh của lòng yêu nước - sản phẩm của thế trận lòng dân với sức mạnh của vũ khí hiện đại. Ai cũng biết Thánh Gióng phải có con ngựa sắt, An Dương Vương phải có chiếc nỏ thần, Lê Lợi phải có thanh gươm thần…

Tư tưởng trọng dân của Bác không chỉ thể hiện qua việc nhận ra sức mạnh vô địch của nhân dân mà còn thể hiện qua việc đề cao vai trò làm chủ thật sự của dân chúng. Bác thường căn dặn: “Việc gì cũng phải hỏi ý kiến quần chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”(4). Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà Đảng ta đề ra trong những năm qua chính là xuất phát từ tư tưởng trọng dân của Hồ Chí Minh.

Là người có tư tưởng trọng dân, gần dân, vì dân, Bác luôn nhắc nhở đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(5); “Cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho nhân dân. Chớ vác mặt làm quan cách mạng để dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”(6); đồng thời nhấn mạnh: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”(7).

 Chính vì không thuộc bài học vỡ lòng này nên đã sớm phát sinh bệnh quan liêu mệnh lệnh trong hàng ngũ công bộc của nhân dân. Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1951, trong bài báo “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh”, Bác chỉ rõ nguyên nhân của căn bệnh này: “Bệnh quan liêu mệnh lệnh là do xa nhân dân, khinh nhân dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không yêu thương nhân dân, sợ nhân dân…”.

Là người có tư tưởng trọng dân, gần dân, vì dân, Bác Hồ lúc nào cũng hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, lúc nào cũng nghĩ đến việc làm sao để mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Bác khẳng định: “Cái gì tốt cho dân, có lợi cho dân, cái đó là chân lý. Phục vụ nhân dân, làm công bộc trung thành và tận tụy của dân là phục tùng chân lý cao nhất, là lựa chọn một lẽ sống cao thượng nhất”. Theo Bác, cách tốt nhất để mang lại hạnh phúc cho nhân dân là “đem hết sức dân, tài dân, của dân làm lợi cho dân”(8).

Là người có tư tưởng trọng dân, gần dân, vì dân, trong mười năm từ 1959 đến 1969, Bác đã có trên 700 lần đi xuống cơ sở thăm và tìm hiểu cuộc sống của nhân dân. Đến lúc ngồi viết bản Di chúc để đời, Bác cũng nghĩ đến nhân dân, từ đó mà dặn dò: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Lũ dâng mùa thu năm 1969, dù sức đã yếu nhiều, và Trung ương Đảng cũng đề nghị đưa Bác sơ tán đến nơi an toàn, Bác vẫn quyết trụ lại Hà Nội, với lý do nghe đơn giản mà rất nao lòng: “Bác đi thì chỉ được một mình Bác thôi, còn dân thì sao?”.

Ngày mồng 7 tháng 11 năm 2006, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ngày 14 tháng 5 năm 2011, Bộ Chính trị ban hành tiếp Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ngày 15 tháng 5 năm 2016, Bộ Chính trị khóa XII ban hành tiếp Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Như vậy sau mười năm, việc học tập và làm theo tấm gương ngời sáng của Bác Hồ đã được mở rộng từ khía cạnh đạo đức sang cả hai khía cạnh tư tưởng và phong cách.

Trọng dân, gần dân, vì dân vừa là tư tưởng của Bác, vừa là đạo đức và phong cách của Người, do vậy rất cần nghiên cứu thật kỹ di sản tinh thần này và quan trọng hơn là trên cơ sở ấy, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những công bộc hưởng lương từ tiền thuế của nhân dân đóng
góp - nói như Bác là từ mồ hôi nước mắt của nhân dân - cần ra sức sửa mình, làm theo tư tưởng trọng dân, tấm gương đạo đức suốt đời vì dân, phong cách gần dân của Bác, từ đó mà phấn đấu đem hết tài năng và tâm huyết phụng sự nhân dân, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, “đem hết sức dân, tài dân, của dân làm lợi cho dân”…   

BÙI VĂN TIẾNG


1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 8, tr. 276
2. Hồ chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 8, tr. 276
3. Theo Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, Quyển 8, tờ 49 b), tr. 212
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 5, tr. 294
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 4, tr. 47- 48
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 4, tr. 111
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H, 1995, t. 12, tr. 555
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 5, tr. 61

;
.
.
.
.
.