.

Khuyến khích trẻ cần đúng cách

.

Mới đây, tôi tình cờ biết đến chương trình truyền hình thực tế Little Big Shots (một chương trình lần đầu tiên được phát sóng trên kênh NBC của Mỹ vào 2016). Theo dõi chương trình, khán giả vô cùng thích thú với giọng hát ngọt ngào của cô tiên nhỏ 3 tuổi Claire; tiếng đàn du dương của cậu bé 4 tuổi Evan Le.

Hay trầm trồ trước khả năng giao tiếp với ốc sên của cô bé Rhys; tài nhái tiếng động vật của Lilly Vilker. Hoặc kinh ngạc với cậu bé 4 tuổi Nathan Bogot ghi nhớ chính xác tên, vị trí của các quốc gia; cậu bé 4 tuổi Tommy kể làu làu tên và tiểu sử các Tổng thống Mỹ…

Bên cạnh những bạn nhỏ tài năng, Little Big Shots còn giới thiệu với khán giả những cô bé, cậu bé “nổi tiếng” trên mạng xã hội và gửi gắm qua đó những thông điệp, bài học thú vị. Đó có thể là cậu bé 7 tuổi vô cùng đáng yêu Henry Marr. Henry trở nên nổi tiếng khi đoạn video cậu bé khóc thảm thiết vì môi trường được đăng tải trên mạng.

Tại Little Big Shots, cậu bé đã thể hiện tình yêu của mình với Trái đất vô cùng mạnh mẽ cũng như chia sẻ những câu chuyện thú vị về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. MC Steve Harvey đã tặng cậu món quà đặc biệt là lời hứa sẽ trồng 1.000 cây xanh và khu rừng này sẽ mang tên là Henry Marr.

Đó cũng có thể là cậu bé 11 tuổi King Nahh nổi tiếng với tài ăn nói. Từng bị bạn bè trong lớp trêu chọc vì mang một đôi giày rẻ tiền, King Nahh đã quay một video với nội dung khuyên nhủ người lớn hãy dạy con trẻ bớt sống thực dụng. Từ đó, cậu trở thành “nhà động viên quốc tế”, cùng với cha mình đi đến nhiều đất nước để truyền tải, khuyến khích các bạn nhỏ sự tự tin thể hiện mặt tốt của bản thân.

King Nahh gây ấn tượng mạnh với câu nói: “Bạn không thể hét lên với một con sâu bướm và bắt nó phải biết bay. Sự trưởng thành cần có thời gian. Và hãy đừng là một viên kim cương trong bùn đen. Hãy tự tin thể hiện bản thân mình vì bạn chẳng biết được nơi nào ước mơ của bạn sẽ trở thành hiện thực”.

Đó cũng có thể là cô bé Hadley kiên quyết từ chối nói chúc mừng Ngày của Cha đến ông ngoại với lập luận: “Đấy là bố của mẹ chứ không phải bố của con. Mà con với mẹ có phải hai chị em ruột đâu mà con lại nói “Happy Father’s Day” với ông ngoại”. Xuất hiện ở sân khấu, cô bé lém lỉnh vẫn giữ nguyên lập trường vững chắc của mình. Thế nhưng, khi ông ngoại của cô bé xuất hiện, cùng với sự dẫn dắt thông minh của MC Steve Harvey, cô bé đã cùng toàn bộ khán giả trường quay hô vang chúc mừng Ngày của Cha.

Đó cũng có thể là cậu nhóc Blaze với khao khát cháy bỏng là được trở thành cao bồi. Để thực hiện ước mơ của mình, Balze đã đi dọn phân ngựa để có tiền mua ngựa. Hiện tại, Balze đang sở hữu 3 chú ngựa và thuần thục các kỹ năng của một cao bồi. Đó còn là cô bé đáng yêu Kelly với người bạn thân của mình-một chú vịt. Hoặc đó là cậu bé James Tufts trở thành thị trưởng thị trấn Dorset (Minnesota, Mỹ) khi chỉ mới 3 tuổi từ nghi thức rút tên trong lễ hội ẩm thực tại địa phương.

Mỗi bạn nhỏ xuất hiện trên sân khấu Little Big Shots mang đến một câu chuyện khác nhau nhưng đều là những nhân tố “truyền cảm hứng” cho người khác, từ những điều bình dị cho đến những khao khát lớn lao. Phải thừa nhận rằng, Little Big Shots đã làm rất tốt việc khuyến khích trẻ tự tin thể hiện tài năng, chủ động bày tỏ quan điểm và theo đuổi ước mơ, niềm yêu thích của bản thân.

Ở Việt Nam hiện nay, các chương trình truyền hình thực tế (game show) có nhân vật chính là trẻ em đang phủ sóng dày đặc. Không thể phủ nhận những giá trị tích cực mà những chương trình truyền hình thực tế trẻ em mang lại, như: giúp các em tự tin, trau dồi bản lĩnh sân khấu, trao cơ hội để các em thỏa thích thể hiện đam mê, nhiều thí sinh có được cuộc sống tốt hơn sau cuộc thi…

Thế nhưng, cái “hại” của những chương trình này vẫn là một điều đáng bàn. Các “game show nhí” dễ khiến các em rơi vào vòng xoáy của làng giải trí, hoặc bị cuốn vào ảo tưởng của người lớn, đôi khi phải gánh chịu cả áp lực dư luận quá lớn.

Bên cạnh đó, với chương trình có yếu tố cạnh tranh, thắng hay thua cũng đều ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Có không ít ông bố, bà mẹ sau khi cho con tham gia các gameshow đã bày tỏ sự hối hận khi chứng kiến con lâm vào tình trạng sốc tinh thần một thời gian dài. Cha của bé M.K, một thí sinh trong chương trình “Biệt tài tí hon” chua xót cho biết con mình tham gia game show mất nhiều hơn được.

Việc khuyến khích trẻ phát triển tài năng là một điều đúng đắn. Tuy nhiên, cách động viên trẻ như một con dao hai lưỡi, đúng cách thì giúp trẻ tốt hơn, sai cách đôi khi có thể hủy hoại niềm tin của một đứa trẻ.

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.