Các nước trên thế giới từng nỗ lực sản xuất nhiên liệu sinh học với mục tiêu thay thế nhiên liệu hóa thạch vì môi trường, nhưng giờ đây mặt trái của nỗ lực ấy xuất hiện: giá lương thực sẽ tăng cao.
Thu hoạch cây cọ dầu để phục vụ nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học. |
Châu Âu và Mỹ trong những năm đầu thế kỷ 21 rất hăng hái trong việc sản xuất nhiên liệu sinh học nhờ những chính sách hỗ trợ nhằm hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm tăng thêm mức độ biến đổi khí hậu, chẳng hạn như chỉ thị đầu tiên của EU vào năm 2003.
Dầu thực vật hiện là nguyên liệu chính để sản xuất nhiên liệu sinh học ở EU, trong đó dầu cọ chiếm 12%. Sau hơn một thập niên hồ hởi thì mặt trái đã xuất hiện khi giá lương thực tăng cao và nạn phá rừng ngày càng nghiêm trọng. EU đã phải đồng ý cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu sinh học dựa trên cây lương thực ở mức 7% vào năm 2015. EU đang thảo luận nên giữ mức 7% vào năm 2021 hay giảm thấp nữa như lời kêu gọi của các tổ chức phi chính phủ.
Tuần trước, Anh đồng ý giảm tỷ lệ sử dụng nhiên liệu sinh học dựa trên cây lương thực xuống còn 4% vào năm tới và giảm còn 2% vào năm 2032.
Phân tích mới nhất của hai tổ chức phi chính phủ là BirdLife, Giao thông và Môi trường ủng hộ những lời kêu gọi chấm dứt sử dụng nhiên liệu sinh học dựa trên cây lương thực.
Nếu như EU ngừng sử dụng thì ngay sau đó giá dầu thực vật trên thế giới, trong đó có dầu cọ, sẽ rẻ hơn 8% và giá ngũ cốc giảm 0,6% vào năm 2030. Tiến sĩ Chris Malins, một trong những người viết phân tích này cho rằng lượng lương thực sử dụng vào sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ tới người nghèo trên toàn thế giới một khi loại nhiên liệu này chấm dứt sản xuất, giá lương thực sẽ giảm đi, phúc lợi xã hội cũng sẽ tăng lên.
Nhiều mùa vụ bắp đã phải dùng tới 40% cho sản xuất nhiên liệu sinh học. Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền thụ hưởng lương thực, Hilal Elver cho biết “Nhiên liệu sinh học đang ảnh hưởng rất lớn tới khả năng tiếp cận thực phẩm của người dân do giá cả tăng cao, nhất là ở những nước đang phát triển. Ngoài ra, sản xuất nhiên liệu còn dẫn tới việc chiếm dụng đất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều”.
Không chỉ hút quá mạnh nguồn lương thực vào sản xuất mà nhiên liệu sinh học còn bị đặt dấu hỏi về ý nghĩa chủ lực của nó là giảm khí thải ra môi trường. Nghiên cứu mới nhất của Royal Academy of Engineering (Anh) cho biết nhiều loại nhiên liệu sinh học như diesel chẳng hạn đã tạo ra lượng khí thải nhiều hơn cả nhiên liệu hóa thạch! Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) cho biết chỉ ủng hộ nhiên liệu sinh học từ rác thải chứ không phải cây trồng. WWF cũng ủng hộ sử dụng nhiên liệu vào những nơi khó khăn như hàng không chứ không phải vận tải đường bộ. Đã tới lúc, nhiên liệu sinh học được đánh giá lại một cách nghiêm túc: Có nên tiếp tục duy trì sản lượng một khi sử dụng cây lương thực hay chấp nhận sản lượng thấp hơn nhưng tận dụng chất thải?
H.M (Theo Guardian)