.

Như không hề biết luật

.

Trong những năm gần đây, an toàn giao thông đang là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Câu khẩu hiệu: “An toàn là bạn, tai nạn là thù” luôn được vang lên từ các loa công cộng như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người tham gia giao thông để đem lại an toàn cho chính mình, cho mọi gia đình và cho xã hội.

Tuy nhiên, ý thức tham gia giao thông của nhiều người dân vẫn còn hạn chế, sự hiểu biết về pháp luật vẫn còn mơ hồ.

Tình trạng xe, người điều khiển phương tiện giao thông dàn hàng ngang dù có biển báo cho phép rẽ phải khi đèn đỏ thường thấy trên các tuyến đường Đà Nẵng. Ảnh: Q.T
Tình trạng xe, người điều khiển phương tiện giao thông dàn hàng ngang dù có biển báo cho phép rẽ phải khi đèn đỏ thường thấy trên các tuyến đường Đà Nẵng. Ảnh: Q.T

Mơ hồ luật giao thông

Bắt đầu từ ngày 1-3-2016, Đà Nẵng triển khai cấm đậu ô-tô theo ngày chẵn, lẻ. Công tác tuyên truyền được thực hiện trong 1 tháng và xử phạt từ ngày 1-4-2016. Dù đã hơn 1 năm triển khai nhưng nhiều người có ô-tô thuộc các quận, huyện ngoại thành thừa nhận, họ vẫn “mơ màng” về quy định này.

Anh Trần Văn Thành (trú đường Bùi Tá Hán, quận Ngũ Hành Sơn), ngại ngùng: “Tôi cũng hay theo dõi các luật và quy định mới dành cho ô-tô. Tuy nhiên, chỉ là theo dõi bằng hình thức truyền miệng với nhau. Ban đầu, tôi cũng nghe là số nhà chẵn sẽ cấm đỗ ô-tô vào ngày chẵn, số nhà lẻ sẽ cấm đỗ ô-tô vào ngày lẻ. Vậy mà có lần tôi đi mua sắm trên đường Yên Bái, lúc tôi vừa tấp xe vào lề thì có người dân chạy ra nói:

“Đừng đậu xe, bị phạt liền đó”. Hôm đó rõ ràng là ngày chẵn, và tôi đậu bên lẻ. Tôi thắc mắc thì anh ấy nói: Anh nắm sai luật rồi. Cấm chẵn, lẻ nghĩa là ngày chẵn cấm đậu xe, ngày lẻ cấm đậu xe”. Tôi càng thêm  rối. Sau lần đó, tôi về đọc kỹ lại trong quy định về biển cấm đậu xe ngày chẵn, lẻ thì mới biết, khi bên hướng đường nào có biển cấm đỗ xe ngày chẵn thì tất cả các xe cơ giới không được đỗ. Tương tự như vậy với biển cấm đỗ xe ngày lẻ. Quy định ngày chẵn và lẻ chứ không nói gì đến số nhà.

Anh Nguyễn Hữu Bảo (42 tuổi, lái xe container, người gốc Quảng Ngãi) nói: Tâm lý “ra đường sợ nhất xe lớn, xe lớn ức hiếp xe nhỏ…” là có thật, nhưng cũng phải nói lại, nhiều trường hợp tai nạn xảy ra là do người đi xe máy “cúp cua” trước đầu xe lớn. “Sợ nhất là những gã say rượu chực đâm vào xe hay những phụ nữ đi chợ sớm, xe không còi, không đèn xuất hiện lờ mờ, đột ngột trong đêm tối. Vì vậy, trong một số trường hợp, chính người đi đường làm chúng tôi rất sợ”, anh Bảo tâm sự.

Theo Thiếu tá Thái Anh Tuấn, Đội trưởng Đội tuyên truyền-điều tra giải quyết tai nạn giao thông và xử lý tai nạn, Công an thành phố Đà Nẵng,  tài xế ô-tô thường vi phạm các lỗi như: vượt quá tốc độ, đậu xe sai quy định, nồng độ cồn quá mức cho phép… nhưng về luật giao thông thì họ cơ bản nắm chắc hơn người đi mô-tô, xe máy. Điều này có thể lý giải, xe máy thì không cần đến trung tâm dạy lái xe để học mà có thể tự học ở nhà nên người ta chủ quan, không học luật đến nơi đến chốn; còn muốn lái được ô-tô thì phải đến trung tâm học 3 tháng, cả lý thuyết lẫn thực hành.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều chủ phương tiện cả ô-tô lẫn xe máy đều quên hoặc vờ như không để ý đến luật giao thông. Ví như biển cấm đậu xe ngày chẵn, lẻ đều đã học trong luật, nhưng những năm gần đây, khi đưa vào thực hiện ở Đà Nẵng, nhiều người lái ô-tô… lúng túng trong cách hiểu.

Ví như vẫn còn rất nhiều chủ phương tiện lái ô-tô khi rẽ trái/phải bật đèn tín hiệu quá muộn, trong khi  theo quy định phải có tín hiệu báo hướng rẽ trước nơi định rẽ với khoảng cách là 30m. Ví như mỗi sáng sớm trên đường đi làm và mỗi chiều tan tầm về, đi ngang những chốt có CSGT, thể nào cũng gặp vài ba anh công nhân sử dụng mũ bảo hộ lao động thay cho mũ bảo hiểm khi lưu thông trên đường buộc dừng lại kiểm tra. Họ đội mũ để đối phó với CSGT là chính chứ không nghĩ đến việc bảo vệ tính mạng cho bản thân.

Thiết nghĩ, học luật và các quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông là để lái xe một cách an toàn, có thái độ văn minh và ứng xử đẹp khi chẳng may xảy ra va chạm, chứ không phải chỉ để thi lấy bằng.

Dân làm theo “quyền” của mình

Trong khi Đà Nẵng vẫn đang “đau đầu” giải quyết bài toán xây dựng bãi đậu ô-tô ở trung tâm thành phố thì những con đường có biển báo cho phép đậu trở thành giải pháp cho những người có ô-tô lưu thông. Tuy vậy, thời gian qua những người sử dụng ô-tô không khỏi bức xúc khi dù đã cho xe vào các con đường có biển báo đậu vẫn không đậu được vì… người dân không cho!

Anh Trần Văn Danh (trú đường Lê Trọng Tấn, quận Cẩm Lệ), cho biết: Mỗi lần chở vợ con xuống trung tâm chơi là cả nhà phải đi lần quần tìm chỗ đậu xe mất hết thời gian. Rõ ràng, những tuyến đường như Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Diệu, Yên Bái… đều có khu vực đậu xe dành cho ô-tô nhưng khi chúng tôi đến đậu thì gặp bảng thông báo:

“Vui lòng không đậu xe trước cửa nhà. Xin cảm ơn”. Có lần, tôi vẫn đậu bình thường vì nghĩ mình không sai luật. Thế nhưng, lúc ra lấy xe thì chiếc xe “được” dán cả chục tờ giấy có nội dung tương tự. Bạn bè tôi ai cũng vài lần gặp chuyện như vậy. Chuyện nhỏ nhưng gây cảm giác bức xúc rất lớn mà không biết báo với cơ quan nào”.

Người tham gia giao thông ở khu vực trung tâm thành phố hẳn thấy đoạn đường ngay trước Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (đường Trần Phú) thường xuyên có lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đứng chốt. Đây là đoạn đường thường xuyên có người vi phạm với lỗi chủ yếu là vượt đèn đỏ: Tín hiệu đèn đỏ từ đường Quang Trung nhưng người dân vẫn rẽ phải lên Trần Phú. Khi bị CSGT gọi lại thì người dân “phân bua”: “Tôi không biết! Cứ tưởng đèn đỏ thì được rẽ phải!”. Ngày càng nhiều người lái xe theo cảm tính mà “quên” luật như vậy.

Có lẽ, chẳng ai nghĩ, những cây xanh tỏa bóng mát trên đường lại có ngày trở thành “đồng phạm” với tai nạn giao thông. Với cánh tay còn rõ những vết trầy xước, chị Kim Mai (trú đường Tô Ngọc Vân, quận Thanh Khê) nói:

Cách đây mấy hôm, tôi lưu thông trên đường Phan Châu Trinh, gần ngã tư, khi đèn đỏ, bất ngờ người phía trước dừng xe đột ngột, tôi phản ứng không kịp, tông vào đuôi xe, ngã lăn ra đường. Lúc hoàn hồn lại mới biết, thì ra chị ấy chọn chỗ đứng có bóng cây để tránh nắng, dừng xe chờ đèn đỏ, cách vạch đường tới mấy mét. Thực sự, hành động đó rất nguy hiểm. Tôi thấy lạ kỳ là không chỉ 1-2 người mà cả nhóm người đều đứng chờ cách xa vạch đèn đỏ như vậy. Cứ người đi sau “bắt chước” người đi trước”.

Vấn đề này đã trở thành đề tài bàn luận, tranh cãi bao lâu nay nhưng vẫn chưa có cách xử lý. Một CSGT cho biết: Đó là hành vi gây nguy hiểm nhưng rất khó để xử phạt. Chúng tôi tuần tra ngoài đường cũng thường xuyên thấy hình ảnh này nhưng vẫn chỉ nhắc nhở chứ chưa có chế tài gì.

Anh Ngô Văn Linh (trú đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn) bày tỏ: Tôi hay ngồi quán cà-phê cóc ngã tư Lê Đình Lý-Nguyễn Văn Linh. Tình trạng vi phạm luật giao thông mà tôi thấy hiện nay đó là việc dừng dàn hàng ngang khi có đèn đỏ dù có biển báo phụ “đèn đỏ được phép rẽ phải”.

Người đi trước dàn hàng khiến những người đi sau muốn rẽ cũng không được. Vì không có chỗ rẽ nên họ bóp còi inh ỏi. Đèn đỏ mười mấy giây thì không sao, nhưng lên đến 30, 40 giây thì người đi đường rất khó chịu”.

Tham gia giao thông là việc bắt buộc mỗi ngày của mỗi người. Việc nắm rõ luật giao thông, lưu thông có văn hóa vẫn là câu chuyện dài kỳ cần được các ngành chức năng phối hợp đồng bộ nhằm nâng cao ý thức chấp hành cho người dân.

 Thiếu tá Thái Anh Tuấn, Đội trưởng Đội tuyên truyền-điều tra giải quyết tai nạn giao thông và xử lý tai nạn, Công an thành phố Đà Nẵng: Hiện đại hóa hơn nữa công tác kiểm soát, xử lý vi phạm

Tôi cho rằng không phải ai vi phạm luật cũng là do không biết luật, mà trong tham gia giao thông số người biết mà vẫn vi phạm nhiều hơn. Vấn đề là chúng ta phải nhanh chóng hiện đại hóa công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm thực hiện được nguyên tắc ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh thì trật tự giao thông sẽ tốt và an toàn. Trước mắt, thiết bị hiện đại nhất ở Đà Nẵng vẫn là camera giao thông. Ngoài ra, các tổ tuần tra của lực lượng CSGT cũng sử dụng các thiết bị đặc biệt như camera cầm tay, cân xách tay, súng bắn tốc độ… để xử lý phương tiện vi phạm.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.