.

Nỗi lo sa mạc hóa

.

Nghiên cứu mới nhất về nông nghiệp do Liên Hợp Quốc (LHQ) thực hiện cho thấy, đất đai trên hành tinh đang cằn cỗi với tốc độ rất nhanh.

Đất ở Maasai, Tanzania bị xói mòn vì biến đổi khí hậu và cách quản lý kém.
Đất ở Maasai, Tanzania bị xói mòn vì biến đổi khí hậu và cách quản lý kém.

Nghiên cứu có tên “Triển vọng Đất toàn cầu” đưa ra kết quả đủ khiến mọi người phải ngạc nhiên: Đất màu mỡ trên cả hành tinh này đang bị mất đi với tốc độ 24 tỷ tấn và mất 15 tỷ cây cối mỗi năm. Nguyên nhân do người nông dân trồng thâm canh khiến đất nhanh chóng cằn cỗi. Tính tới nay đã có 1/3 đất nông nghiệp trên toàn thế giới bị cằn cỗi. Sự suy giảm độ màu mỡ của đất còn dự báo nặng nề hơn nữa do nhu cầu lương thực của con người ngày một tăng cao. Đó sẽ là lý do dẫn tới những cuộc xung đột như ở Sudan và Chad. Monique Barbut là Thư ký điều hành của Công ước LHQ về chống sa mạc hóa (UNCCD) nói “Khi diện tích đất trồng trọt màu mỡ ngày một ít đi và dân số thế giới tăng lên thì va chạm cũng tăng theo trên khắp thế giới. Để giảm thiểu thiệt hại, chúng ta cần lùi lại rồi suy nghĩ một lần nữa về cách chúng ta vượt qua áp lực về nhu cầu lương thực và tránh xung đột”.

“Triển vọng Đất toàn cầu” được đánh giá là nghiên cứu toàn diện nhất về loại hình này khi lập bản đồ các tác động liên kết với đô thị hóa, biến đổi khí hậu, xói mòn và mất rừng nhưng yếu tố quan trọng nhất là sự mở rộng của ngành nông nghiệp. Việc thâm canh, thu hoạch nhiều lần và sử dụng hóa chất trong trồng trọt đã giúp tăng sản lượng lên gấp ba và diện tích đất được sử dụng để trồng trọt tăng gấp đôi so với 20 năm trước. “Vắt kiệt sức” làm việc của đất khiến đất nhanh chóng bị sa mạc hóa khiến năng suất giảm trên toàn thế giới: 20% diện tích đất trồng trọt, 16% đất lâm nghiệp, 19% đồng cỏ… Những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Vùng hạ Sahara ở châu Phi, Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi. Châu Âu cũng bị tới 970 triệu tấn đất sa mạc hóa do xói mòn và không hồi phục kịp sau thảm họa.
Hiện tại toàn thế giới đã có hơn 1,3 tỷ người chịu ảnh hưởng vì đất nông nghiệp ngày càng cằn cỗi. Bà Monique Barbut nhận định nếu tình hình không được cải thiện sẽ khiến tình hình thêm khó khăn không chỉ ở khía cạnh an ninh lương thực mà còn việc làm và di cư, vì mỗi ngày thế giới đón nhận thêm 200.000 nhân khẩu mới, 20 nước trong 18 tháng qua đã phải ban bố tình trạng hạn hán khẩn cấp. Hơn 110 quốc gia đã đồng ý tham gia vào nỗ lực toàn cầu nhằm giảm sự thoái hóa của đất và duy nhất đất sản xuất; cụ thể là nỗ lực hồi phục đất vào năm 2030. Trong số các quốc gia cam kết này có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nigeria, Nga và Nam Phi là những nước có dân số đông hàng đầu thế giới. Đây không phải là mục tiêu xa vời bởi Ethiopia đã khôi phục được diện tích 7 triệu ha đất màu mỡ trở lại.  

TỊNH BẢO (Theo UN)

;
.
.
.
.
.