Thuốc bỏng, người miền Nam gọi là Sống đời, là một cây đặc biệt bởi lá già rụng xuống đất mọc thành hàng chục cây con và luân hồi nối mãi, nên ở nước ta thiền sư Tuệ Tĩnh gọi là cây Bồ tát, tên chữ là Cảnh thiên thảo. Tên “Thuốc bỏng” đã xuất hiện từ thế kỷ 18 với công dụng chữa vết bỏng và lở loét trong sách Bách gia trân tàng của Hải Thượng Lãn Ông.
Thuốc bỏng còn gọi là Sống đời . Ảnh: P.C.T |
Thuốc bỏng còn có tên Lạc địa sinh căn(落地生根), tên khoa học là Kalanchoe pinnata (Lam.) Pers., (đồng danh: Cotylelon pinnata Lam.), thuộc họ Thuốc bỏng - Crassulaceae.
Thuốc bỏng là cây thảo cao cỡ 40-60cm. Thân tròn, nhẵn, mọng nước, có đốm tía. Lá mọc đối chéo chữ thập, đơn hoặc gồm 3-4 lá chét dày, mép lá khía răng cưa tròn. Hoa màu đỏ hay vàng cam mọc thành xim rủ xuống trên một cán dài ở ngọn thân hay ở nách lá. Cây ra hoa tháng 2-5.
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Thuốc bỏng có phân bố ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang ở vách đá, ven suối, nơi có nhiều ánh sáng, cũng thường được trồng làm thuốc và làm cảnh. Trồng bằng lá, vì nó có khả năng tạo thành cây ra từ nách các vết khía của mép lá. Thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi. Ngọn và lá non nấu canh ăn được.
Phân tích thành phần hóa học cho thấy lá chứa acid malic, isocitric, citric, succinic, fumaric, pyruvic, oxalacetic, lactic, oxalic và một số acid hữu cơ khác. Còn có các glucosid flavonoic như quercetin 3-diarabinosid, kaempferol 3-glucosid, các hợp chất phenolic bao gồm acid p-cumaric, syringic, cafeic, p-hydroxeybenzoic.
Theo Đông y, Thuốc bỏng có vị nhạt, hơi chua, chát, tính mát; có tác dụng giải độc tiêu thũng, lương huyết chỉ huyết, bạt độc sinh cơ.
Người ta thường dùng làm thuốc giải độc, chữa bỏng, đắp vết thương, đắp mắt đỏ sưng đau, đắp mụn nhọt và cầm máu. Cũng dùng chữa viêm hầu họng, viêm loét dạ dày, viêm ruột, trĩ nội, đi ngoài ra máu. Do có tác dụng kháng khuẩn nên nó được dùng trị một số bệnh đường ruột và bệnh nhiễm trùng khác.
Cách dùng thông thường lấy lá tươi giã nát đắp hoặc vắt lấy nước bôi hằng ngày. Để uống trong, dùng lá tươi (40g), rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước hoặc hòa nước chín, lọc lấy nước cốt để uống. Lá tươi giã nát, vắt lấy nước, nhỏ vào tai chữa viêm tai giữa cấp tính. Cũng nước lá tươi, thêm rượu và đường uống chữa bị đòn ngã, bị thương thổ huyết.
Ở Ấn Độ, người ta dùng lá đắp trị bỏng, vết thương, mụn nhọt và các vết cắn đốt của côn trùng.
Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng chứa ung sang thũng độc, viêm tuyến vú, đơn độc, ngoại thương xuất huyết, đòn ngã tổn thương, gãy xương, bỏng, viêm tai giữa.
Đơn thuốc:
1. Chữa dao cứa chảy máu: Thuốc bỏng lá tươi giã nát đắp, băng lại.
2. Trị ung nhọt, đinh sang, vô danh thũng độc: Thuốc bỏng 30-60g lá tươi, giã nát vắt nước pha mật ong uống, bã đắp lên mụt nhọt.
3. Sưng đau cổ họng: Thuốc bỏng 5-10 lá tươi, vắt nước, ngậm nuốt dần.
4. Viêm tuyến vú: Thuốc bỏng 30-60g lá tươi, giã nhuyễn đắp lên vú đau.
5. Vết thương lở loét lâu lành: Thuốc bỏng tươi 500g, sấy khô, tán bột, thêm 2g Mai hoa băng phiến trộn đều, rắc vào vết thương.
6. Chấn thương đánh ngã thổ huyết: Thuốc bỏng 7 lá tươi, giã nhuyễn vắt nước thêm rượu và đường đỏ, chưng nóng uống.
7. Đau dạ dày do nhiệt: Thuốc bỏng 5-7 lá tươi, giã vắt nước thêm chút muối ăn uống.
8. Đau khớp xương khuỷu tay: Thuốc bỏng toàn cây 40g, sắc uống.
9. Viêm tai giữa cấp tính: Thuốc bỏng lấy lá tươi giã vắt nước nhỏ vào tai.
10. Chữa phong khí bỗng dưng phát ngứa: Thuốc bỏng, Nghể răm, Ké đầu ngựa, Bồ hòn nấu nước xông và tắm. Trong dùng quả Ké đầu ngựa sắc uống.
11. Chữa đi lỵ và bệnh trĩ lòi dom, lở loét: Thuốc bỏng 5-7 lá tươi nhai sống, hoặc thêm 20g Rau sam sắc uống. Nếu lòi dom và lở loét, nấu nước Bồ kết ngâm rửa và giã lá Thuốc bỏng đắp ngoài.
PHAN CÔNG TUẤN