LTS: Ngày 15-9, Báo Đà Nẵng tổ chức hội thảo 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Báo Đà Nẵng, Báo Hànộimới, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Hải Phòng và Báo Cần Thơ cùng với sự góp mặt của gần 20 cơ quan báo Đảng các địa phương trên toàn quốc. Với chủ đề “Vai trò báo chí trong quy hoạch, phát triển đô thị”, hội thảo tập trung làm rõ vai trò của báo Đảng địa phương trong việc tuyên truyền, định hướng, phản biện… nhằm góp phần cùng hệ thống chính trị, cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn nữa việc quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.
Ảnh: HOÀN VŨ |
Trong số báo này, Báo Đà Nẵng trân trọng giới thiệu những ý kiến của lãnh đạo các cơ quan báo Đảng về chủ đề hội thảo này.
Quy hoạch, phát triển đô thị là lĩnh vực nóng, trọng tâm không chỉ với 5 thành phố trực thuộc Trung ương mà còn diễn ra ở tất cả đô thị trong nước, bao trùm lên mọi hoạt động của đời sống kinh tế-xã hội; tác động trực tiếp đến nhiều ngành, nhiều cấp, đến mỗi người dân đô thị và cả người dân nông thôn. Vì vậy, thông tin kịp thời, chính xác về quy hoạch, phát triển đô thị luôn được người đọc quan tâm, chờ đợi.
Để báo chí đáp ứng nhu cầu cấp thiết của bạn đọc, cung cấp những thông tin nhanh, chính xác về quy hoạch, về phát triển đô thị cho nhân dân là nỗi trăn trở của những người làm báo Đảng. Chính vì lẽ đó, tại Hội thảo báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần này, chúng ta cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm hay, những cách làm có hiệu quả trong nhiệm vụ tuyên truyền tại địa phương mình. Cũng tại diễn đàn này, Ban Tổ chức mong các lãnh đạo cơ quan báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương, báo Đảng các địa phương tìm ra cách thức mới, đưa ra các kiến nghị, giải pháp khả thi để công tác tuyên truyền quy hoạch, phát triển đô thị trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn.
Cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, việc đô thị hóa mạnh mẽ tại các đô thị lớn đang tạo hiệu ứng thúc đẩy đô thị hóa lan tỏa nhanh và rộng trên phạm vi các tỉnh, các vùng và cả nước. Nhiều đô thị mới, khu đô thị mới được hình thành phát triển; nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng.
Các đô thị lớn như ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… đã có nền tảng phát triển kinh tế vững chắc, số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ, thương mại cũng tăng mạnh hơn.
Tại đây, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các lĩnh vực du lịch, giáo dục - đào tạo, dịch vụ tài chính - ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin… Các nơi có điều kiện tự nhiên đặc biệt như Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt, Sa Pa, Phú Quốc… hay các đô thị có di sản văn hóa - lịch sử tầm cỡ quốc gia và quốc tế như Huế, Hội An, Hạ Long, Phú Quốc, Côn Đảo… thì du lịch đã trở thành động lực phát triển chính.
Đà Nẵng là thành phố trẻ, chỉ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mới hơn 20 năm. Dù thời gian ngắn nhưng Đà Nẵng là “hiện tượng” của cả nước về phát triển đô thị. Sau 20 năm xây dựng, quy hoạch đô thị, Đà Nẵng đạt nhiều thành quả đáng khích lệ, hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Quá trình triển khai các đồ án quy hoạch đã mang lại cho thành phố một diện mạo đô thị hiện đại và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Đà Nẵng là địa phương thực hiện thành công phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Đây là nguồn lực quan trọng, là cách đi rất riêng để từ một “thành phố dây kẽm gai” trong chiến tranh trở thành một đô thị hiện đại, đáng sống; không gian đô thị không ngừng được mở rộng.
Hiện tượng phát triển đô thị Đà Nẵng cũng gắn liền với sự đồng thuận của người dân thành phố. Các thế hệ lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng luôn khẳng định rằng, một trong những bài học mà Đà Nẵng có được là bài học về sự đồng thuận: “Đảng nói - dân tin, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể vận động - dân theo; chính quyền làm - dân ủng hộ.”
Trong dòng chảy phát triển đô thị của thành phố, Báo Đà Nẵng luôn chú trọng công tác tuyên truyền về quy hoạch và phát triển đô thị. Nội dung bám sát thực tiễn của công tác quy hoạch và phát triển đô thị của thành phố. Đó là, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, chiến lược của thành phố về quy hoạch và phát triển đô thị, đưa chính sách phát triển vào cuộc sống, làm cho các đồ án quy hoạch chi tiết thực hiện thành công.
Báo Đà Nẵng luôn coi trọng thông tin về chính sách hỗ trợ đền bù, giải tỏa và bố trí tái định cư; chủ trương, chính sách về quy hoạch, đầu tư phát triển và quản lý đô thị gắn với thực hiện chính sách nhà ở, xây dựng và phát triển thị trường bất động sản. Những góp ý, phản biện của các nhà khoa học, của bạn đọc trong vấn đề quy hoạch, phát triển đô thị được Báo Đà Nẵng đăng tải, tạo không khí dân chủ, cách tiếp cận đa chiều… góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày một hiện đại, văn minh và đáng sống.
Trong quá trình đô thị hóa, không tránh khỏi những vướng mắc, bất cập. Hơn 20 năm phát triển đô thị, Đà Nẵng phải giải tỏa, bố trí tái định cư gần 130.000 hộ dân. Đa số người dân đồng thuận với chủ trương của thành phố, nhưng một số rất ít hộ không đồng tình với mức đền bù, bố trí đất tái định cư, nên có những khiếu nại kéo dài, vượt cấp.
Báo Đà Nẵng nắm bắt thông tin kịp thời, có những tuyến bài sâu sắc, phân tích, phê phán những nhận thức, hành động chưa đúng về chính sách của thành phố, góp phần tạo đồng thuận cao trong nhân dân. Nhiều tuyến bài lĩnh vực này đoạt giải cao giải báo chí thành phố và nhiều tác phẩm được công nhận tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Với những vấn đề bất cập, trở ngại trong quá trình đô thị hóa về ô nhiễm môi trường, khí thải hay thay đổi nhanh quy mô dân số, chính sách an sinh xã hội, các vấn đề về trật tự trị an, an toàn vệ sinh thực phẩm… được Báo Đà Nẵng xử lý thông tin cẩn trọng, phản ánh kịp thời trên mặt báo, bảo đảm định hướng dư luận xã hội trong bối cảnh thông tin nhiều chiều tràn lan trên các mạng xã hội. Nhờ thông tin chính xác, độ tin cậy cao, không những trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị, mà thông tin tất cả các lĩnh vực khác, bạn đọc coi thông tin từ báo Đà Nẵng là chính thống, lấy Báo Đà Nẵng để kiểm chứng những thông tin nhạy cảm xảy ra trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Báo Đà Nẵng đã thực hiện tốt việc phản bác những thông tin sai lệch về chủ trương cũng như những đồ án quy hoạch của thành phố, được dư luận ủng hộ.
Đà Nẵng là đô thị phát triển nhanh, bền vững. Để có được kết quả đó, Báo Đà Nẵng góp phần không nhỏ trong công tác tuyên truyền việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa phát triển kinh tế, đô thị hóa và xây dựng ý thức thị dân. Cũng như nhiều đô thị khác, một tỷ lệ không nhỏ nông dân Đà Nẵng “sau một đêm ngủ tỉnh dậy trở thành thị dân”.
Giải quyết sự bất cập này, thành phố Đà Nẵng có chương trình “Thành phố 5 không”, “3 có”, trong đó có mục tiêu: “Có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”. Chuyên mục “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” trên Báo Đà Nẵng duy trì được hơn 10 năm nay. Cũng như nhiều chủ trương, kế hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, các chương trình này được tuyên truyền thường xuyên, liên tục, kéo dài nhiều năm trên Báo Đà Nẵng, góp phần giúp người dân nhanh khắc phục những thói xấu, tật hư từ thành phần xuất thân, sớm trở thành cư dân đô thị có nếp sống văn minh, lành mạnh…
Báo Đà Nẵng cũng đã chú trọng tuyên truyền chủ trương quy hoạch và phát triển đô thị gắn với xây dựng nền kinh tế đô thị, gắn với phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, có các chính sách về nhà ở, xây dựng dân cư, lao động, việc làm, nhập cư, di dân gắn với tăng trưởng kinh tế. Xây dựng chính sách quản lý phát triển hạ tầng đô thị, tăng cường tính tương thích trong đầu tư, vận hành, nâng cấp, phát triển hạ tầng ngầm; quản lý kết nối hạ tầng vùng, hạ tầng đô thị.
Trong thời gian 5 năm gần đây, thành phố Đà Nẵng có sự bứt phá trong đầu tư phát triển và từ thực tiễn đặt ra cho Đà Nẵng nhiệm vụ bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đô thị Đà Nẵng hiện có diện mạo mới - hiện đại, trẻ trung - xứng đáng với tầm vóc đô thị loại 1 cấp quốc gia. Thành phố Đà Nẵng hiện đại và văn minh đã trở thành niềm tự hào của người dân và là điều mà bất kỳ du khách nào đến Đà Nẵng đều cảm nhận được.
Với chủ đề Hội thảo: “Vai trò báo chí trong quy hoạch, phát triển đô thị”, Báo Đà Nẵng đã nhận được nhiều tham luận của các cơ quan báo Đảng trên cả nước. Điểm chung mà chúng ta cùng chia sẻ đó là sự phát triển đô thị trong cả nước thực sự là môi trường để báo chí đóng góp chung cho sự phát triển đô thị ở mỗi địa phương.
Với Báo Hànộimới, Báo Sài Gòn Giải Phóng, đó là sự trăn trở về quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, giải quyết bài toán về ùn tắc giao thông, phát triển vận tải công cộng. Báo Đồng Nai với quy hoạch phát triển khu công nghiệp sinh thái, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân lao động. Báo Thừa Thiên Huế với việc phát huy giữ gìn thiết kế kiến trúc cảnh quan, kiến trúc cổ để bảo tồn các giá trị quần thể di tích cố đô Huế cũng nhưng phát triển các khu đô thị mới.
Chúng tôi tin tưởng qua hội thảo lần này, các cơ quan báo chí cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để phát huy hơn nữa vai trò báo chí trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị. Theo đó, báo chí ngoài nhiệm vụ tuyên truyền còn là kênh thông tin phản biện có hiệu quả trong quá trình thực hiện quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị; khơi gợi và phát triển các ý tưởng, đồ án, định hướng tầm nhìn xa để chung sức xây dựng các đô thị có bản sắc, văn minh, hiện đại.
Cũng từ diễn đàn này, chúng tôi mong muốn các cơ quan hữu trách tại các địa phương quan tâm hỗ trợ nhanh nhất các thông tin về quy hoạch, về các chính sách phát triển của địa phương; có định hướng kịp thời, cụ thể những vấn đề nhạy cảm xảy ra trên địa bàn, giúp báo Đảng thông tin định hướng cho bạn đọc. Đề nghị các địa phương phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về quy hoạch, phát triển đô thị cho phóng viên chuyên trách lĩnh vực này của các báo. Đề nghị chuyên gia các ngành tham gia bài viết chuyên sâu thuộc lĩnh vực này cho báo chí.
TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH
Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng