.

Tiếp sức học sinh khó khăn đến trường

.

Bây giờ là thời điểm các trường THCS ở Ngũ Hành Sơn lên danh sách để 2 tuần nữa tổ chức các lớp học “Tiếp sức đến trường”, giúp những học sinh yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được vững bước tới trường. Gần 10 năm thực hiện một chương trình “tiếp sức” đầy tính nhân văn, ngăn dòng bỏ học, chương trình cũng nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội, tạo một cú hích cho con đường đến trường của học sinh.

Ngoài giờ học ở lớp, các trường THCS ở Ngũ Hành Sơn còn tổ chức các lớp học thêm cho học sinh yếu kém hay xây dựng tủ sách ở giữa sân trường giúp các em có điều kiện tiếp cận thêm nhiều tri thức. (Ảnh chụp tại sân Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, phường Hòa Hải).  Ảnh: S.L
Ngoài giờ học ở lớp, các trường THCS ở Ngũ Hành Sơn còn tổ chức các lớp học thêm cho học sinh yếu kém hay xây dựng tủ sách ở giữa sân trường giúp các em có điều kiện tiếp cận thêm nhiều tri thức. (Ảnh chụp tại sân Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, phường Hòa Hải). Ảnh: S.L

“Không cho các em được gì nhiều ngoài con chữ và phải truyền cho các em sự mê say để đến lớp, nhưng khi các em học yếu, mất căn bản thì phải giúp các em nắm vững kiến thức, đặc biệt là vượt qua mặc cảm, hòa nhập cùng bạn bè. Trong khi những em học lực yếu đó hầu hết rơi vào gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến các lớp học thêm”. Thầy Đặng Phước Trường, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ như vậy, khi nhớ về những ngày đầu chương trình “Tiếp sức đến trường” cho học sinh của mình ra đời.

Đó là giai đoạn năm học 2008-2009, đã khai giảng một vài tuần, những lớp học ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyết đi một vài chỗ ngồi. Chỗ khuyết ấy là con số 10-15 em bỏ học mỗi năm, trên tổng số 20% học sinh yếu kém hằng năm. Trường nằm trên địa bàn phường Hòa Quý, dân nghèo chiếm đa số nên cha mẹ cũng không có điều kiện quan tâm, hỗ trợ chuyện học của con. Trước năm 2005 có khi mỗi năm nhà trường mất hẳn một lớp học bởi các em bị lưu ban, thế là chán học và nghỉ luôn ở nhà. Một cứu cánh duy nhất lúc đó là phải dạy để các em có kiến thức theo kịp bạn bè và truyền cho các em niềm vui khi đến lớp.

Thế là thầy Trường bàn với giáo viên toàn trường, quyết định tổ chức 7 lớp học thêm ở các khu dân cư, bởi sợ tâm lý các em ngại, xấu hổ với bạn bè không dám đến lớp học thêm. Thầy cô mượn xe bò của dân chở bàn ghế đến nhà văn hóa các khu dân cư để tổ chức lớp học. Cũng phải lựa chọn những thầy cô giỏi, tâm huyết với học trò đứng lớp.

Các em đều là học sinh yếu nên buổi học phải có giáo trình riêng, nhẹ nhàng, động viên là chủ yếu để các em có động lực theo học. Phương châm mà Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đề ra là “Học chậm mà chắc”. Theo đó, 3 buổi mỗi tuần, mỗi buổi các học sinh chỉ học 3 tiết. Nhưng trong 3 tiết đó chỉ có 2 tiết để học một trong 3 môn văn, toán, tiếng Anh, tiết còn lại thầy cô giúp các bạn dò bài đã học trên lớp, nắm thêm kiến thức của bài học tiếp theo để học sinh cảm thấy hào hứng, có thể theo kịp các bạn.

Để duy trì số lượng học sinh đi học ổn định và kịp thời ngăn chặn việc bỏ học của học sinh, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và UBND phường Hòa Quý thiết lập “đường dây nóng”. Nếu lớp học tiếp sức mà thiếu một học sinh thôi thì giáo viên phải lập tức báo cáo để trường thông báo cho phường, tìm hiểu lý do nghỉ học. Bên cạnh đó, giáo viên chủ động nắm số điện thoại của phụ huynh các học sinh cá biệt để bảo đảm thông tin hai chiều, khắc phục tình trạng học sinh trốn học đi chơi.

Qua một năm, chất lượng học sinh yếu kém nâng lên 60%, chất lượng dạy và học của trường cũng nâng lên theo, tỷ lệ học sinh lên lớp tăng lên trên 90%. Đó thực sự là những con số biết nói cho sự nỗ lực của thầy và trò. Và trong 2 năm tổ chức các lớp học thêm ở khu dân cư, học trò Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm giảm hẳn chuyện nghỉ học giữa chừng, mỗi năm chỉ còn 1-2 em nghỉ học. Dần dần các em học sinh ý thức hơn việc học của mình, các năm sau này lớp học thêm này được tổ chức ngay tại trường. Công sức của thầy cô Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm còn thể hiện ở con số trước đây chỉ có chừng 60% học sinh vào được lớp 10 công lập, những năm gần đây học sinh của trường đứng top 5 thành phố.  

Từ chương trình “Tiếp sức đến trường” của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, bắt đầu từ năm học 2009-2010, phong trào nhân rộng ra thêm 2 trường của quận là Trường THCS Huỳnh Bá Chánh (phường Hòa Hải), Trường THCS Lê Lợi (phường Mỹ An). Và cũng từ chương trình này, Chỉ thị 24-CT/TU ngày 10-8-2009 của Thành ủy ra đời, với sự giúp sức của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh việc thực hiện ngăn chặn, giúp đỡ học sinh bỏ học trên toàn thành phố.

Vào năm học 2010-2011, thầy Đặng Phước Trường chuyển về làm Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, thầy bảo rằng chất lượng học của hai trường tương đương nhau, nhưng tính tỷ lệ vào lớp 10 thì Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn nhỉnh hơn. Ở đây còn có một đặc trưng là đưa các lớp học tiếp sức này về khu dân cư thì không có học sinh theo, nên phải tổ chức ngay tại trường. “Hiện nay rất nhiều học sinh đăng ký học chương trình này, vì các em hoàn toàn được miễn phí, nhiều em học lực trung bình rất muốn tham gia, nhưng chúng tôi chỉ có thể duy trì dưới 30 học sinh/lớp. Hiện chúng tôi chỉ tập trung cho 3 khối lớp 6, 7, 8, lớp 9 thì các em đã có kiến thức căn bản nên đỡ lo”, thầy Trường cho biết.

Và hơn hết, tất cả những giáo viên tham gia chương trình dạy học đặc biệt này là đảng viên, đoàn viên, trình độ vững, có nhiệt huyết. Dù mức hỗ trợ cho mỗi thầy cô chỉ là 20.000-25.000 đồng/tiết trước đây và hiện nay là 40.000 đồng/tiết. Tất cả số tiền chi trả ấy cộng với tiền sách vở cho học sinh hoàn toàn từ đóng góp của các doanh nghiệp, cá nhân, từ nguồn quỹ khuyến học của quận. Phần thưởng cho sự tiến bộ của học sinh ngoài giấy khen là cuốn vở, cây viết. Tấm giấy khen cũng là phần thưởng đặc biệt mà riêng chương trình tiếp sức này có, dành tặng các em đã tiến bộ từ yếu, kém lên trung bình. Những món quà nhỏ đó giúp các em thấy được sự quan tâm, cổ vũ của thầy cô để cố gắng học tốt hơn, có thể nhờ việc học để thay đổi cuộc đời.

Song Linh




 

;
.
.
.
.
.