.

Vài chuyện nhỏ từ người đi đường

.

1. Ai lái xe dọc dài quốc lộ sẽ thấy, suốt mấy ngàn cây số dọc quốc lộ, chuyện phạt quá tốc độ là thường gặp nhất. Nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam rất khổ sở vì không biết đoạn đường họ đang đi được quy định tốc độ tối đa, tối thiểu là bao nhiêu.

Vì ở họ, biển báo tốc độ là loại biển báo nhiều nhất trên mọi cung đường, cứ một vài cây số là lại thấy một biển báo tốc độ tối đa, tối thiểu phải đi. Ở ta thì tất cả nằm ở trong biển báo vào đô thị và hết đô thị. Biển báo đô thị là biển hình vuông, tức là biển thông báo, thông tin chứ không phải là biển bắt buộc, thế nhưng ở ta nó là một biển vô cùng quan trọng và phải tự hiểu, hiểu ngầm, chứ người nước ngoài thì chịu, không hiểu được bề sau của nó chính là quy định tốc độ.

Một biển báo vào hoặc hết đô thị nhiều chỗ kéo dài cả hai, ba chục cây số; tài xế xao nhãng một chút, không nhìn thấy thì một là bị phạt vì chạy quá tốc độ (phạt rất nặng, thường  là giữ bằng lái bất kể ở xa tận đâu) và hai là không dám chạy, ra khỏi đô thị rồi mà rì rì không dám lên ga. Hệ thống biển báo kỳ không giống ai, như đánh bẫy tài xế như thế không hiểu sao lại tồn tại quá lâu không sửa chữa thay đổi? Có khó gì đâu việc cứ một vài cây số lại gắn một biển báo tròn, viền đỏ thông báo số tốc độ tối đa cho phép?

Biển báo cấm đỗ xe ngày chẵn , lẻ không liên quan đến số nhà chẵn lẻ theo cách nghĩ của nhiều người. Ảnh: Internet
Biển báo cấm đỗ xe ngày chẵn , lẻ không liên quan đến số nhà chẵn lẻ theo cách nghĩ của nhiều người. Ảnh: Internet

2. Nghĩ cũng lạ, có dạo trên Facebook thấy cuộc tranh luận về biển báo cấm xe đậu ngày chẵn, ngày lẻ được khá nhiều người tham gia với nhiều lúng túng. Chuyện lẽ ra không cần phải nói nhiều đến vậy vì đó đã là quy định của quốc tế rồi.

Ai lái ô-tô cũng học rồi, thi rồi, thuộc bài rồi, đậu rồi mới lái ô-tô đi được. Cứ thấy biển đó thì hiểu là cấm đậu ngày chẵn hay ngày lẻ. Chuyện đơn giản, mà nhiều lái xe lại phải nhớ theo cách, ngày chẵn - đỗ xe ở lề đường bên dãy nhà số chẵn, ngày lẻ - đỗ xe dưới lề bên đối diện! Gắn chuyện này với số nhà lại càng buồn cười. Có nhiều đoạn đường hai bên không có số nhà thì sao đây? Vì đường nhỏ không thể đỗ xe cả hai bên nên chỉ cho đậu một bên thôi, cho công bằng người ta mới gắn biển mỗi ngày đậu xe một bên đường. Đơn giản chỉ vậy, chuyện đó thì đâu có liên quan gì đến số nhà chẵn, lẻ cho rối rắm.

3. Người nước ngoài khi thấy đèn đỏ thì hiểu là mình được băng qua đường. Thế nhưng ở ta họ chỉ an toàn ở nửa phần đường có đèn đỏ thôi, nửa phần còn lại xe các làn khác vẫn chạy vào. Đứng ở đầu cầu Sông Hàn, ta dễ dàng nhìn thấy những vẻ mặt nhăn nhó khó chịu của nhiều vị khách nước ngoài khi họ băng qua đường. Xe từ phía quận Sơn Trà qua cầu dừng khi đèn đỏ, họ có quyền đi bộ, thế nhưng luồng xe từ phía đường Trần Phú đang được rẽ trái qua cầu Sông Hàn vẫn ào ào vào nửa phần đường còn lại để lên cầu.

Nhân chuyện này xin nhắc đến nguyên tắc của chuyện cho hay không cho rẽ phải khi đèn đỏ. Việc cho phép rẽ phải khi đèn đỏ trên một số đường một chiều chưa thống nhất. Theo quy định hiện hành, khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải dừng lại. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt đến 400.000 đồng hoặc tạm giữ giấy phép lái xe.

Việc gắn biển ‘’Đèn đỏ được phép rẽ phải” nơi có, nơi không, vô tình làm người tham gia giao thông mặc  nhiên nghĩ rằng đèn đỏ được rẽ phải, và khi bị xử phạt, họ đầy ấm ức.  Mục đích của việc dừng đèn đỏ, không được rẽ phải là để nhường đường cho người đi bộ qua đường. Tuy nhiên ở  ta hiện nay, trừ khách du lịch nước ngoài ra thì người dân họ có thể qua đường bất kể chỗ nào họ muốn. Vậy, việc nhường đường cho người đi bộ không tác dụng nhiều. Vậy nên hay không nên cho phép rẽ phải khi đèn đỏ?

PHƯƠNG THẢO

;
.
.
.
.
.