Theo Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) thành phố Đà Nẵng, đến năm 2020, các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu phấn đấu thực hiện chuyển đổi 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa (XHH), thay thế việc trả lương từ ngân sách Nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Chương trình nghệ thuật “K-Culture Show - Hai ngôi sao tình yêu” do Nhà hát Trưng Vương phối hợp với Trung tâm Nghệ thuật Uijeongbu (Hàn Quốc) tổ chức vào tháng 6-2017 làm khán giả Đà Nẵng mãn nhãn về sự kết hợp giữa K-pop, nhạc kịch, vũ đạo, street dance, võ thuật, ảo thuật… Ảnh: TÚ PHƯƠNG |
“Một trong những mục tiêu đặt ra là Nhà hát Trưng Vương sáng đèn nhiều hơn thì chúng tôi đã làm được. Hàng loạt chương trình nghệ thuật quy mô, chất lượng đã diễn ra liên tục, thu hút dàn “sao” và đông đảo khán giả. Những tràng pháo tay của khán giả chính là sự tưởng thưởng lớn nhất dành cho chúng tôi và cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực tạo ra những không gian văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao ở thành phố Đà Nẵng”.
Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Hào (ca sĩ Quang Hào), Quyền Giám đốc Nhà hát Trưng Vương, sau gần một năm thực hiện phương án chuyển đổi mô hình hoạt động từ đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ hoàn toàn theo lộ trình cắt giảm kinh phí cấp từ ngân sách 20% mỗi năm theo chủ trương của UBND thành phố.
Hiện nay, thành phố vẫn chưa có cơ chế, chính sách xã hội hóa cụ thể để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đóng góp xây dựng và phát triển thiết chế văn hóa ở cơ sở. Trong ảnh: Lễ Nghinh Ông ở quận Sơn Trà. Ảnh: Đoàn Lương |
Đã “bật đèn xanh” thì phải “chạy”
Theo Sở VH-TT thành phố, hiện nay có 15 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công, các đơn vị được giao quyền tự chủ đã thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp.
Ngoài 8 đơn vị được ngân sách Nhà nước bảo đảm hoàn toàn kinh phí hoạt động thì có 6 đơn vị được giao quyền tự chủ một phần kinh phí thường xuyên, 1 đơn vị giao tự chủ hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên. Trong đó, Nhà hát Trưng Vương được xem là đơn vị hoạt động có hiệu quả nhờ tìm cho mình hướng đi đúng.
Từ ngày 1-4-2016 đến nay, thực hiện hoạt động theo lộ trình cắt giảm kinh phí cấp từ ngân sách 20% mỗi năm (cụ thể năm 2016 giảm 822 triệu đồng, năm 2017 giảm 2,6 tỷ đồng), Nhà hát Trưng Vương đã nỗ lực sắp xếp lại bộ máy tổ chức và nhân sự, củng cố lại ban giám đốc.
Song song với việc bảo đảm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của ngành và thành phố giao, nhà hát tích cực tìm kiếm hợp đồng với các đoàn nghệ thuật, tổ chức các chương trình có chất lượng để thu hút khán giả và tăng nguồn thu.
Chia sẻ khó khăn ban đầu của đơn vị, ông Trần Văn Hào cho biết phải tính đến chuyện cơm-áo-gạo-tiền cho cả đội ngũ cán bộ, công nhân viên cả Nhà hát khi ngân sách bao cấp bị giảm và cũng phải có phương án tiến đến tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Thậm chí, đơn vị phải kinh doanh sao cho có lãi nhiều để nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên thì mới kích thích họ làm việc hiệu quả. Thay vì chờ đợi người ta đến thuê địa điểm để tổ chức biểu diễn thì nhà hát một phần phải tự tổ chức các chương trình nghệ thuật; đầu tư âm thanh, ánh sáng chuẩn, vừa nâng giá trị của nhà hát, vừa dễ dàng tạo ấn tượng với các đối tác.
“Thành phố đã tạo điều kiện cho nhà hát rất nhiều, luôn “bật đèn xanh” cho chúng tôi mạnh dạn tổ chức các chương trình quy mô lớn. Đã “bật đèn xanh” rồi thì chúng tôi phải “chạy” thôi, chứ dừng mãi ở “đèn vàng” rồi ỷ lại, trông chờ cơ chế xin-cho thì có lẽ sẽ khó có sự thay đổi.
Hãy thử đến nhà hát một lần trong một chương trình nghệ thuật nào đó, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận mọi sự thay đổi, từ cách chào đón khán giả, kiểm soát vé, cách hướng dẫn khán giả ngồi đúng vị trí ghế, đến âm thanh, ánh sáng và chất lượng của chương trình. Chúng tôi muốn xây dựng mỗi chương trình đều thể hiện rõ sự văn hóa, văn minh từ cách tổ chức đến sự đón nhận của khán giả”, ông Hào khẳng định.
Chị Trần Tuyết Mai (quận Thanh Khê) cho biết, các chương trình nghệ thuật của Nhà hát Trưng Vương trong thời gian gần đây đã có sự đầu tư hơn trước và chất lượng cao; nhất là có sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ nổi tiếng trước năm 1975 ở miền Nam như Khánh Ly, Giao Linh…
“Nhà hát cũng đã tổ chức được nhiều đêm nhạc của các nhạc sĩ có tên tuổi được khán giả yêu thích như nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn Ánh 9, Trịnh Công Sơn... Với hấp lực mới của nhà hát, khán giả Đà Nẵng bắt đầu chịu bỏ một khoản tiền không nhỏ để đến thưởng thức âm nhạc”, chị Mai nói.
Nhờ chuyển đổi mô hình hoạt động, đến nay Nhà hát Trưng Vương đã ổn định nguồn thu để bù đắp phần kinh phí ngân sách Nhà nước bị cắt giảm. Đời sống cán bộ, viên chức, nghệ sĩ, diễn viên được bảo đảm và có phần tăng thêm so với trước. Chẳng hạn, trước đây mỗi chương trình bình quân mỗi người được bồi dưỡng khoảng 200.000 đồng, thì nay đã lên từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, tạo được không khí phấn khởi, thi đua của cán bộ, viên chức và diễn viên.
Nhận xét chung về tính hiệu quả của các đơn vị được giao quyền tự chủ, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT khẳng định, hầu hết các đơn vị đã ổn định tổ chức bộ máy, ổn định biên chế và nhân sự, xây dựng kế hoạch hoạt động ngay từ đầu năm để thực hiện tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ của mình.
Các đơn vị đã thực hiện chính sách tự chủ và các quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc theo quy định hiện hành và chủ động triển khai sắp xếp tổ chức, bộ máy; qua đó, bảo đảm triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và phát huy hiệu quả hoạt động, đồng thời xây dựng Đề án vị trí việc làm, ưu tiên bố trí nhân sự làm công tác chuyên môn, hạn chế lực lượng làm công tác gián tiếp. Vì vậy, chất lượng tham mưu và triển khai công việc của đội ngũ viên chức ngày càng chuyên sâu và chuyên nghiệp hơn.
Tăng cường đổi mới cơ chế quản lý
Mặc dù các đơn vị đã có nhiều cố gắng huy động XHH, tăng nguồn thu nhưng đến nay số lượng đơn vị trực thuộc sở do ngân sách bảo đảm hoàn toàn và ngân sách bảo đảm một phần rất cao (14/15 đơn vị). Nhiều đơn vị vẫn còn chậm đổi mới công tác quản lý và chưa nắm bắt kịp xu hướng phát triển hiện đại để hoạt động độc lập, hiệu quả.
Quán triệt Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận về đề án “Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập” tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), sắp tới Sở VH-TT sẽ sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm thống nhất đầu mối chức năng nhiệm vụ.
Cụ thể, từ nay đến năm 2020, sẽ sáp nhập Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội và Trung tâm Phát hành phim chiếu bóng thành phố vào Trung tâm Văn hóa thành phố; sáp nhập Trung tâm Quản lý di sản văn hóa vào Bảo tàng Đà Nẵng; sáp nhập Trung tâm Quản lý di sản văn hóa vào Bảo tàng Đà Nẵng; sáp nhập Trung tâm Thể dục-Thể thao người lớn tuổi, Cung Thể thao Tiên Sơn vào Trung tâm Thể dục thể thao và đổi tên thành Trung tâm Tổ chức thi đấu thể dục thể thao, đồng thời tiến hành giải thể Trung tâm Quản lý Quảng cáo. Bên cạnh đó, sở sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ.
Nói về việc sáp nhập này, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết trước đây, Trung tâm Quản lý di sản văn hóa được tách ra từ một phòng của Bảo tàng Đà Nẵng nên việc sáp nhập lại vào đơn vị cũ không ảnh hưởng gì nhiều.
“Sau khi sáp nhập, Trung tâm Quản lý di sản văn hóa sẽ trở thành Phòng Quản lý di sản văn hóa và vẫn thực hiện hoạt động chuyên môn như trước đây. Còn việc bố trí, sắp xếp lại con người là do lãnh đạo sở quyết định. Chúng tôi đều ủng hộ chủ trương này và sẵn sàng chấp hành thực hiện đúng theo quy trình của sở đề ra”, ông Thiện nhấn mạnh.
Theo Sở VH-TT, đến năm 2020, các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu phấn đấu thực hiện chuyển đổi 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và XHH, thay thế việc trả lương từ ngân sách Nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Sở sẽ tổ chức thi tuyển viên chức lãnh đạo, quản lý có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn nhằm khuyến khích viên chức nỗ lực công tác và tạo sự cạnh tranh công bằng trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Cùng với đó, sở đẩy nhanh lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ của 9 đơn vị, trong đó có 4 đơn vị tự chủ hoàn toàn và 5 đơn vị tự chủ một phần.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Đến nay, tất cả các đơn vị sự nghiệp trong ngành đều đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, bám sát định mức, tiêu chuẩn chi tiêu theo quy định của Nhà nước và tình hình thực tiễn của đơn vị để đưa ra các tiêu chí đánh giá, các mức chi tiêu phù hợp. Hầu hết các đơn vị đều cố gắng tiết kiệm trong khoản kinh phí ngân sách giao ở phần tự chủ, tăng nguồn thu để giải quyết tăng thêm thu nhập cho cán bộ, viên chức và người lao động. Trong năm 2016, đơn vị có thu nhập tăng thêm cao nhất bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, đơn vị có thu nhập tăng thêm thấp nhất khoảng 150.000 đồng/người tháng. |
ĐOÀN LƯƠNG