Bàn thêm về sự tiến bộ của phụ nữ

.

Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vừa trải qua một chặng đường 10 năm và đã thực sự tạo nên những chuyển biến tích cực về bình đẳng giới/tiến bộ của phụ nữ ở nước ta cũng như ở từng địa phương.

Đây không phải là nghị quyết về công tác phụ nữ nói chung mà là về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - nghĩa là nhấn mạnh những đòi hỏi của thời kỳ mới, xem đó là thước đo để đánh giá thực trạng công tác phụ nữ hiện nay.

Đây cũng là nghị quyết có tầm bao quát lớn, quan tâm chung đến mọi tầng lớp phụ nữ chứ không chỉ riêng cán bộ nữ, không đánh giá kết quả bình đẳng giới/tiến bộ của phụ nữ chủ yếu thông qua các tỷ lệ phụ nữ tham chính - mặc dầu ngay cả lĩnh vực này thì tình hình cũng chưa thể nói là đã thật khả quan.

Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tìm về di tích lịch sử. (Ảnh do Hội LHPN thành phố Đà Nẵng cung cấp)
Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tìm về di tích lịch sử. (Ảnh do Hội LHPN thành phố Đà Nẵng cung cấp)

Thành ủy Đà Nẵng vừa tổng kết chặng đường 10 năm thực hiện nghị quyết thấm đẫm tính chất thời sự và tầm nhìn mang tính nhân văn sâu sắc này, khẳng định những kết quả bước đầu và quan trọng hơn là nêu rõ những hạn chế đang tồn tại, phân tích kỹ các nguyên nhân và đề ra nhiều giải pháp khắc phục nhằm đưa Nghị quyết số 11-NQ/TW tiếp tục đi vào cuộc sống trong thời gian tới.

Trong bài báo này, tôi xin bàn thêm một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW nhằm thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới/tiến bộ của phụ nữ trong phát triển địa phương nói riêng và đất nước nói chung. 

Đối với công tác phụ nữ thì hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy Đảng, trong đó nội dung quan trọng nhất là lãnh đạo công tác phụ nữ với tư cách một thành tố quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Khi bước vào nền kinh tế tri thức - nền kinh tế lấy chất xám chứ không phải cơ bắp làm đầu, phụ nữ càng có điều kiện để đóng góp xã hội ngang bằng cùng nam giới, vì thế nếu không biết coi trọng nguồn nhân lực nữ, không vận động được bộ phận quần chúng đông đảo và giàu tiềm năng này là lãng phí một tài nguyên lớn của đất nước khi đang sải tay bơi ra biển lớn hội nhập kinh tế quốc tế.

Tỷ lệ phụ nữ tham chính cao là mục tiêu dễ được chú ý nhất trong chương trình quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, bởi theo lý thuyết càng nhiều phụ nữ tham chính, khoảng cách về giới sẽ càng được thu hẹp. Tuy nhiên cũng cần phải nói ngay để tránh ngộ nhận là giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị không chỉ được thể hiện qua việc tham gia của một thiểu số phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo quản lý.

Giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị trước hết phải được hiểu là sự bình đẳng giới trong lĩnh vực này đối với đông đảo phụ nữ, chẳng hạn như đông đảo phụ nữ có quyền được tham gia các cuộc phổ thông đầu phiếu hay không, đông đảo phụ nữ có bình đẳng về cơ hội vào Đảng hay tìm kiếm việc làm phù hợp với sở trường/sở thích hoặc được học tập nâng cao trình độ mọi mặt hay không...

Đấy mới là những cái đích thực sự của bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo quản lý dẫu mạnh mẽ và hiệu quả đến mấy cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không đạt được những cái đích thực sự ấy.

Cần thấy một nữ trí thức hoạt động trong lĩnh vực y học nghiên cứu và đề xuất được một phác đồ điều trị nội khoa hoặc một kỹ thuật giải phẫu mới, từ đó tạo được thương hiệu cho bệnh viện địa phương, hay một nữ trí thức hoạt động trong lĩnh vực kinh tế học nghiên cứu và tổng kết được thực tiễn phát triển một ngành dịch vụ mũi nhọn trên địa bàn, từ đó giúp lãnh đạo địa phương hoạch định đúng bước đi của ngành dịch vụ ấy... là đã tham chính một cách có hiệu quả, chứ không phải chờ đến khi trở thành lãnh đạo ngành y tế hoặc ngành kinh tế của địa phương mới gọi là tham chính.

Điều đáng nói hơn là cần cân nhắc trên quan điểm lợi ích toàn cục rằng một chuyên gia giỏi - chẳng hạn một “bàn tay vàng” trong phẫu thuật tim mạch từng cứu sống nhiều người thập tử nhất sinh - có nên bớt đi quỹ thời gian tham chính trên địa hạt khoa học cực kỳ quý giá như vậy để tham chính trên lĩnh vực sinh hoạt chính trị, chẳng hạn trở thành một đại biểu Quốc hội hay không? Làm sao để những nữ trí thức thực sự tài năng trên địa hạt khoa học có thể tận hiến cho chuyên môn của mình mà vẫn được tôn vinh trọng vọng về mặt tinh thần, vẫn được ưu đãi chăm lo về mặt vật chất ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn những chính khách có quyền lực đang kinh bang tế thế - vẫn đương còn là một vấn đề mang tính thời sự.

Trong quá trình tăng cường bình đẳng giới/tiến bộ của phụ nữ về tham gia chính sự, tham dự chính trường, cần thấy bản thân cán bộ nữ có vai trò hầu như quyết định trong quá trình này trên cả hai bình diện: đối với đồng sự cùng giới và đối với mình. Đối với đồng sự cùng giới tức cán bộ nữ phải có sự tôn vinh lẫn nhau, hết sức tránh tình trạng níu kéo nhau giữa cán bộ nữ và xem thái độ ứng xử ấy như  một cách khẳng định phẩm chất lãnh đạo của mình.

Đối với mình tức cán bộ nữ tự khẳng định về phẩm chất và năng lực của bản thân là hoàn toàn xứng đáng được lựa chọn đưa vào quy hoạch và sắp xếp vào vị trí lãnh đạo, quản lý; đồng thời tự đào tạo bồi dưỡng những khía cạnh mà bản thân còn bất cập để giao giữ trọng trách mới. Trong những phẩm chất mà bản thân cán bộ nữ cần không ngừng rèn luyện tu dưỡng, có hai phẩm chất đáng quan tâm nhất là đức tính tự tin và lòng tự trọng.

Tự tin không phải là đặc sản của phụ nữ. Tự tin không có yếu tố giới. Nam giới hay nữ giới cũng chỉ có hai nhóm: người tự tin và người thiếu tự tin. Nhưng do bất bình đẳng giới trong xã hội còn quá sâu sắc, số phụ nữ thiếu tự tin, thậm chí tự ty mặc cảm có phần đông hơn số nam giới thiếu tự tin.

Cho nên muốn bình đẳng giới, phụ nữ cần phải rèn luyện đức tính tự tin, bởi mình thiếu niềm tin vào chính mình thì còn ai tin mình được. Than nghèo kể khổ, cho rằng phụ nữ là phải phấn đấu khó nhọc gấp đôi nam giới nhiều khi là biểu hiện của thái độ thiếu tự tin.

Tự tin hoàn toàn xa lạ với thói tự cao tự đại. Chính người rất mực tự tin vào giá trị của bản thân mới có thể khiêm tốn học hỏi, lắng nghe người khác, mới có thể hòa mà không đồng, hòa nhập mà không hòa tan vào tập thể.

Tự tin là để làm điều gì đó, tự trọng là để không làm điều gì đó. Những người phụ nữ tự tin thường giàu lòng tự trọng. Những phụ nữ tham chính tự trọng không chấp nhận mình được giao một trọng trách nào đó chỉ với một lý do duy nhất: mình là phụ nữ.

Những phụ nữ tham chính tự trọng đủ tự tin để nghĩ rằng mình được giao một trọng trách nào đó đơn giản là mình phù hợp hơn đồng sự nam giới, nghĩa là đáp ứng tốt hơn các đòi hỏi về năng lực và phẩm chất theo tiêu chuẩn của chức danh cán bộ được giao.

Những phụ nữ bình thường cũng có thể giàu lòng tự trọng. Thậm chí những phụ nữ tuy không mấy tự tin nhưng vẫn có thể tự trọng, không làm điều gì khiến lòng tự trọng của mình bị tổn thương.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.