Chưa có con số thống kê xem hiện nay bao nhiêu phần trăm đàn ông trong gia đình có chia sẻ việc nhà với vợ/mẹ của họ, nhưng trên thực tế hiện khá nhiều nam giới trong các gia đình trẻ không còn nghĩ làm việc nhà là của riêng phụ nữ. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức về chia sẻ gánh nặng công việc gia đình cho nữ giới thông qua sự chung tay của nam giới, qua đó thể hiện sự bình đẳng giới được các cấp hội phụ nữ triển khai ngày càng sâu rộng.
Chăm sóc vợ con, phụ vợ việc nhà, ông Hoàng Văn Đức là thành viên tích cực của Câu lạc bộ Phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu. Ảnh: H.L |
Vợ bắt đầu bán mì Quảng buổi sáng từ hơn 3 năm nay, thì cũng chừng đó thời gian ông Hoàng Văn Đức (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) thức khuya, dậy sớm cùng vợ. Vợ bận trong bếp thì ông dọn bàn, bưng mì cho khách; hết giờ bán thì ông đảm nhận việc rửa tô, chiều thì lau nhà, nhặt rau.
Công việc chính của ông Đức là sửa xe máy, mà gần đây ông bị bệnh nên chỉ làm cho khách quen. Ông bảo công việc của ông và vợ “lai rai, đủ ăn”, được cái là gia đình hạnh phúc, 3 đứa con rất ngoan, có việc làm ổn định. “Phụ nữ chân yếu tay mềm, mình giúp được chừng nào thì giúp, tất cả đều là công việc nhà. Đàn ông cũng phải chung tay cho gia đình. Giúp vợ mình chứ có phải giúp cho ai đâu mà sợ thiệt”, ông cười tươi, chia sẻ thật lòng.
Ông Đức từng đi bộ đội ở chiến trường Campuchia, ra quân, ông mê cô bán chè nhà ở gần chùa Hòa Tiên trên đường Núi Thành, rồi nên vợ nên chồng. Sang năm hai ông bà vừa chẵn bốn chục năm ngày cưới. Ông Đức và vợ từng làm đủ thứ nghề để nuôi con. Ông luôn nghĩ “sống cho vợ, vui với con”, tình yêu là ở đó, hạnh phúc cũng ở đó, chạm vào đâu cũng thấy. Con rể ông thấy ba vợ giặt đồ, lau nhà cũng xúm vô giúp. Sắp tới ông Đức đi Sài Gòn có việc, đang lo không có ai phụ bà ấy, thì mấy đứa con nói: ba đi thì có tụi con, ba dậy 5 giờ thì tụi con dậy 5 giờ”!
Ông Võ Thăng, bạn cùng đơn vị của ông Đức thời ở chiến trường, giờ là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) “Phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái” (CLB thứ 2 của phường Hòa Cường Bắc) nói rằng, việc tuyên truyền chủ yếu trong lớp trẻ, những người ở tuổi 30-50.
“Đôi khi lý do kinh tế hay bia rượu cũng là nguyên nhân khiến nhiều ông chồng bạo lực với vợ, con; với nhiều người chuyện đánh vợ con cũng là thói quen như bản chất, mình phải nói cho họ nhuần nhuyễn ra mới thôi”, ông Thăng nói.
Việc người đàn ông chia sẻ công việc gia đình với người bạn đời sẽ giúp giảm gánh nặng việc nhà – những công việc không có tên và không phát sinh ra tài chính, nhưng có tác dụng rất tích cực, thể hiện tình yêu và trách nhiệm với vợ con, là tấm gương cho những đứa con biết chia sẻ việc nhà và yêu thương cha mẹ hơn thông qua những công việc tưởng rất nhỏ ấy.
Và những thói quen thông qua việc chia sẻ công việc trong gia đình ở nhiều người trẻ sẽ được nối tiếp khi họ có gia đình riêng. Nhận thức về bình đẳng giới, về yêu thương và trách nhiệm vì thế sẽ lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Anh Đặng Quốc Phong (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho rằng, ở những gia đình cha mẹ quá bảo bọc con cái, không cho con cái làm việc nhà, hoặc nghĩ rằng việc bếp núc, lau dọn nhà cửa là của mẹ và con gái là quan niệm sai lầm. Bởi việc nhà là bình đẳng như nhau, làm việc nhà chính là những kỹ năng đầu đời mà mọi đứa con cần học tập.
Hàng xóm của gia đình anh Phong hầu hết là chồng bộ đội hải quân, vợ là cô giáo, có người là công nhân. Anh nhận thấy những “ông chồng bộ đội” thường hay vắng nhà, nhưng nếu họ về nhà hay có được ngày nghỉ nào là đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa thay vợ. “Việc ở gần “những người chồng tốt” như thế rất hay, cánh đàn ông chúng tôi hay bảo nhau là mình phải học tập họ”, anh Phong cười vui.
Bình đẳng cả trong và ngoài tổ ấm giữa phụ nữ và nam giới mới thực sự là chiến lược tuyên truyền về bình đẳng. Nếu người phụ nữ phải dành nhiều thời gian để làm việc nhà, không được nam giới chia sẻ, sẽ kéo theo hệ lụy là những đóng góp của phụ nữ không được gia đình và cộng đồng đánh giá là có giá trị, vì đó là những công việc được coi là đương nhiên phụ nữ phải làm. Chỉ có người chồng và con cái họ mới giúp xóa sự bất bình đẳng giới ngay trong gia đình.
Trong mục tiêu 6 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020: “Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ tình trạng bạo lực giới”, người ta cho rằng, cần giải quyết các định kiến xã hội đang đặt gánh nặng chăm sóc lên người phụ nữ bằng cách giải quyết các khuôn mẫu về vai trò của nam giới và nữ giới qua việc thảo luận về trách nhiệm gia đình. Điều quan trọng nhất là hành động cần bắt đầu từ trong gia đình.
Chỉ khi đó chúng ta mới có thể thấy được một xã hội công bằng hơn, nơi mà cả nam giới và phụ nữ đều có cơ hội bình đẳng cả bên trong lẫn bên ngoài tổ ấm, với chỉ tiêu “rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 1,5 lần vào năm 2020” (thông tin về công bố báo cáo nghiên cứu “Công việc chăm sóc không lương – Yêu thương là san sẻ” do Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Tổ chức ActionAid Việt Nam tổ chức ngày 19-10-2017 tại Hà Nội).
Tại Đà Nẵng, từ tháng 8-2015 đến tháng 11-2016, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tổ chức Tình nguyện viên LHQ và Chương trình Đối tác phòng chống bạo lực (P4P) phối hợp thực hiện chương trình Vận động nam giới tham gia phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, tổ chức được 4 CLB ở quận Hải Châu và huyện Hòa Vang. Hiện nay, những CLB này tiếp tục triển khai ở nhiều phường trên khắp thành phố.
Ngoài vấn đề phòng chống bạo lực, thì gốc rễ sâu xa để giải quyết nạn bạo hành ấy chính là sự yêu thương và chia sẻ, ngay từ trong gia đình, như việc ông Đức, ông Thăng đang làm và tuyên truyền ở Hòa Cường Bắc, hay sự nhìn nhận để thay đổi nhận thức như anh Phong đang chứng kiến ở phường Thọ Quang.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng cũng tổ chức hàng chục buổi truyền thông về giáo dục đời sống gia đình cho các hộ gia đình trên địa bàn các khu dân cư, thu hút hàng trăm gia đình tham gia, về vai trò, chức năng của giáo dục đời sống gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống; bình đẳng giới và bảo đảm quyền bình đẳng giới trong gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…
HIỀN LƯƠNG