Cùng với những thành tựu mà ngành y tế đạt được, Đà Nẵng không chỉ kỳ vọng trở thành trung tâm khám chữa bệnh mà tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ trở thành Trung tâm nghiên cứu y khoa hàng đầu khu vực miền Trung – Tây Nguyên thời gian tới.
Cùng với sự phát triển về cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ Đà Nẵng ngày càng vững tay nghề, được người bệnh tin tưởng. Ảnh: T.Y |
Những năm gần đây, mạng lưới y tế thành phố không ngừng hoàn thiện với 29 đơn vị y tế trực thuộc (gồm 9 bệnh viện tuyến thành phố và chuyên khoa; 7 Trung tâm Y tế quận, huyện; 13 đơn vị Y tế dự phòng). Ngoài ra, Đà Nẵng có 56 Trạm Y tế xã phường; 8 bệnh viện tư nhân, gần 1.500 cơ sở hành nghề y tế tư nhân và 5 bệnh viện thuộc bộ, ngành Trung ương, góp phần hoàn thiện mạng lưới, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Theo Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, sự phát triển đồng bộ mạng lưới cơ sở y tế, đặc biệt phát triển y tế chuyên sâu tại các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng giúp bệnh nhân có thêm cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế kỹ thuật cao, giảm chi phí đi lại, ăn ở trong quá trình khám, chữa bệnh cũng như giảm quá tải, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao.
Ở lĩnh vực điều trị ung bướu, trong trường hợp khẩn, Đà Nẵng chủ động mời các bác sĩ giỏi ở TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế về Đà Nẵng điều trị, giúp bệnh nhân không phải tốn công đi lại xa xôi, tốn kém. Về phát triển y tế chuyên sâu, Đà Nẵng đang đi đúng hướng, chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại.
Thời gian qua, Đà Nẵng thực hiện thành công 10 ca ghép thận, 5 ca ghép tủy, giúp tăng khả năng sống còn của bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Bên cạnh đó, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã điều trị, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thành công cho hàng trăm trường hợp hiếm muộn đường con cái, với chi phí bình quân khoảng 70 triệu đồng/ca.
Từ đầu năm 2016, các cơ sở y tế tuyến quận, huyện đều đã được thông tuyến, nghĩa là người bệnh có thể lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh cùng hạng theo mong muốn. Điều này đã tạo nên sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế, theo đó, mỗi đơn vị bắt đầu chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, kỹ thuật, thay đổi thái độ phục vụ để thu hút bệnh nhân tới điều trị.
Từ đó đến nay, ngành y tế Đà Nẵng tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả tuyến điều trị. Trong đó đặc biệt chú trọng phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu theo hướng đa khoa rộng, chuyên khoa sâu và hội nhập khu vực nhằm tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn thành phố được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, hiện đại.
Đồng thời tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả công việc, nâng cao chất lượng và sự hài lòng của người bệnh, tránh thời gian chờ đợi.
Ngành y tế Đà Nẵng ngày càng đầu tư mạnh mẽ về trang thiết bị và nhân lực, trở thành một điểm sáng trong ngành y cả nước. TRONG ẢNH: Các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng mổ nội soi cho bệnh nhân bướu cổ. (Ảnh do khoa Ngoại lồng ngực cung cấp) |
Từ năm 2017, trước chủ trương xây dựng “Thành phố thông minh”, ngành y tế Đà Nẵng đã nhanh chóng phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện cho 2 trung tâm y tế cấp quận là Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn cũng như xây dựng hệ thống quản lý y tế tuyến phường, xã và hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe công dân.
Bên cạnh đó, Sở Y tế đã tham mưu trình UBND thành phố phê duyệt đề án “Kiến trúc ứng dụng CNTT ngành y tế Đà Nẵng”, phối hợp với Tập đoàn FPT xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện tại Trung tâm y tế quận Sơn Trà và Cẩm Lệ.
Sơn Trà là đơn vị đầu tiên nằm trong phạm vi dự án FPT.eHospital của Sở Y tế Đà Nẵng với quy mô 300 giường, đạt trung bình khoảng 1.200 lượt khám/ngày. Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Trà Nguyễn Văn Cúc, bắt đầu từ đầu năm 2018, cơ sở này tăng thêm 20.000 đầu thẻ khám chữa bệnh BHYT. Ngoài việc tăng số bàn khám, Sơn Trà cũng xây dựng phần mềm bấm số tự động khi đăng ký khám bệnh, giúp người bệnh chủ động, rút ngắn thời gian chờ đợi và phân loại bệnh, nhóm bệnh ngay trên máy tính.
Từ đầu năm 2018, việc thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu đã khiến số lượng đầu thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đăng ký tại Bệnh viện Đà Nẵng giảm đáng kể so với các năm trước, ngược lại đầu thẻ BHYT cho các cơ sở y tế mỗi quận, huyện tăng trung bình 15.000 thẻ/điểm.
Việc tăng đầu thẻ tại các bệnh viện tuyến dưới giúp giảm tải tại một số bệnh viện tuyến trên. Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ: “Nhiều năm nay, Bệnh viện Đà Nẵng luôn trong tình trạng quá tải do tâm lý thích lựa chọn bệnh viện tuyến trên để điều trị, mặc dù có nhiều bệnh lý hoàn toàn có thể chữa trị được ở tuyến dưới.
Do đó, việc giảm đầu thẻ BHYT tại Bệnh viện Đà Nẵng theo chủ trương chung hiện nay giúp bệnh viện giảm áp lực về con người, cơ sở vật chất, hướng tới tập trung chuyên môn, tăng hiệu quả chăm sóc, điều trị bệnh”.
Mới đây, theo đề nghị của Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai dịch vụ hẹn giờ khám chữa bệnh tại các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, trung tâm y tế quận, huyện.
Chủ tịch UBND thành phố cũng giao cho Sở Thông tin và Truyền thông trách nhiệm hoàn thiện công cụ hẹn giờ trực tuyến, phù hợp với phương án cụ thể của từng đơn vị. Với tiện ích này, người dân có nhu cầu khám bệnh chỉ cần truy cập website của bệnh viện hoặc Cổng thông tin điện tử TP Đà Nẵng để thực hiện đặt lịch, cung cấp thông tin gồm họ và tên người, ngày sinh, yêu cầu khám, số điện thoại, thư điện tử, bảo hiểm xã hội (đúng tuyến/trái tuyến) hoặc gọi đến Tổng đài dịch vụ công 0236.1022. Được biết trước đó, Đà Nẵng cũng đã triển khai đặt lịch tiêm chủng tại Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng.
Có thể thấy, cùng với việc tập trung phát triển lĩnh vực chuyên sâu, ngành y tế Đà Nẵng ngày càng hoàn thiện, nâng cấp quy trình khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ tiên tiến, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ, rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm chi phí đi lại, khám chữa bệnh của gia đình bệnh nhân.
Năm 2017, số lượt khám bệnh trên địa bàn thành phố đạt gần 3,74 triệu lượt (tăng 0,94% so với năm 2016), trong đó tuyến thành phố tăng 5,06%; tuyến quận, huyện tăng 6,8%; tuyến y tế tư nhân giảm 3,29%; tuyến phường, xã giảm 25,04%. Tỷ lệ bệnh nhân BHYT ngoại trú ở tuyến quận, huyện chiếm 91,9%. |
TIỂU YẾN