Nỗi cô đơn trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh (*)

.

Dường như đọc tác phẩm của những nhà văn thực thụ bao giờ chúng ta cũng dễ nhận ra, mỗi người có một chủ đề chính mà họ theo đuổi suốt cả cuộc đời. Đối với nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, chủ đề ấy là nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn có nhiều trạng thái. Đó là sự hoài nhớ khi xa quê cũ, người thân. Đó là nỗi bơ vơ trong “trời đêm cõi người”, là sự lẻ loi “bên bờ sông vắng”, là nỗi quạnh hiu khi con tàu đưa người yêu đi xa “bỏ quên tôi dưới mưa và bóng tôi” giữa sân ga cuộc đời, là sự trơ trọi khi một mình trong thăm thẳm thời gian, trong xô bồ cuộc sống để “mình tôi ngồi lại cùng tôi giao thừa”. Có phải cô đơn quá, thấy thương mình quá, nên Nguyễn Ngọc Hạnh trở về bên dòng Vu Gia để cúi hôn mình trên sông, hôn nỗi cô đơn lặng thầm của đứa con xa quê trong nỗi nhớ mưa nguồn.

Bìa tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều.
Bìa tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều.

Hầu hết những sáng tác từ thơ về quê hương, về tuổi thơ, về cha mẹ, về tình yêu, tình bạn, về cuộc sống xung quanh mình, từ nông thôn đến thị thành, ở đâu người đọc cũng gặp một Nguyễn Ngọc Hạnh bơ vơ, lẻ loi, quạnh hiu, trơ trọi, hoài nhớ… Một không gian thật buồn, chỉ một mình nhà thơ ngồi nhớ người yêu, để nghe “chiều rơi nhỏ nhẹ, chiều trôi/  mình tôi đầy ắp khoảng trời không em”. Nhớ mà yêu đến nao lòng, bồng bềnh câu thơ sáu tám: “Nửa em lục bát mong chờ/ Nửa tôi đơn lẻ câu thơ lạc vần”, bởi: “Không còn em ở lại/ Biết ai người tri âm/ Mưa, mưa hoài, mưa mãi/ Bơ vơ chiều cuối năm”... Hay trong một bài thơ ngắn khác, khi Nguyễn Ngọc Hạnh trở về thăm quê với tâm trạng lẻ loi, cô quạnh:

một mình
đứng tựa bơ vơ
sông xưa
đã lấp đôi bờ cỏ khô
sông giờ cạn hẹp thành ao
người về đâu biết ngõ nào là quê

            (Lạc)

Cả trong “Lời ru” con cũng đượm buồn, day dứt: “Ru cho trời đất vuông tròn/ Ru cho nước chảy đá mòn trùng khơi”... Sự hy sinh lặng thầm của cha mẹ cho con ai chẳng một đời “rút ruột thân tằm” mong ngày con khôn lớn, nhưng ngay từ tao nôi đầu tiên của lời ru ấy, Nguyễn Ngọc Hạnh bỗng giật mình, thảng thốt, bơ vơ: “Mai sau con lớn nên người/ Biết đâu tôi lại ru tôi một mình”...

Nguyễn Ngọc Hạnh cô đơn nhưng không thấy anh bị rợn ngợp, bị phủ lấp trước thiên nhiên và con người mà hình như sự cô đơn ấy đã tạo điều kiện để anh đối diện với nỗi đau đời, giúp anh khám phá thêm cho thơ những cảm xúc mới mẻ trong cuộc sống bể dâu đầy oan nghiệt. Còn nhớ có một lần, đã lâu rồi, trong một cuộc hội thảo thơ ở Hội Văn nghệ Đà Nẵng, giữa lúc mọi người hùng hồn tranh luận, thì tôi bắt gặp Nguyễn Ngọc Hạnh lùi vào một góc, như cố thu mình nhỏ lại để không ai nhìn thấy. Tôi biết anh từ những ngày đầu sau chiến tranh, với tính cách hiền lành mô phạm của một người thầy giáo dạy học ở nông thôn, sống hết lòng với thơ, dám đứng ra tổ chức đêm thơ Tạ Làng của Phùng Quán ở Điện Bàn với bao khó khăn “hiểm nguy” của thời bao cấp. Thế mà, không hiểu sao giữa đám đông, giữa sự ồn ào, tôi cứ thấy Nguyễn Ngọc Hạnh một mình trơ trọi, bơ vơ, lạc lõng.

Biết đâu chính lúc ấy, có khi Nguyễn Ngọc Hạnh đã “chạm đáy” dòng sông cô đơn, dòng sông thơ đang chảy trong tâm hồn mình. Dòng sông ấy âm thầm, lặng lẽ, không ầm ào tung bọt trắng qua ghềnh thác mà cứ róc rách chảy dưới những bờ cây, vòng vèo qua những tảng đá. Tiếng róc rách ấy vang xa, nhất là vào những đêm thanh vắng, lặng lẽ đi vào tâm hồn ta, khiến tâm hồn ta xao động. Tôi yêu giọng thơ chân thành, cái nhìn tinh tế của Hạnh, nhưng càng yêu hơn những chiêm nghiệm được đúc rút từ cuộc đời tha hương chìm nổi của anh. Người đọc còn thấy ở Nguyễn Ngọc Hạnh, một cây bút cẩn trọng trong công việc làm thơ. Khó thấy một câu thơ dễ dãi, một câu thơ lép, một từ sống sượng hay vụng về trong thơ anh. Nhiều hình ảnh và chi tiết có sức khái quát, gây xúc động và sự cảm thấu trong lòng người đọc. Và chính vì vậy, tôi tin, sẽ có nhiều người đón nhận thơ anh…

THANH QUẾ


(*) Đọc Phơi cơn mưa lên chiều - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, NXB Hội Nhà văn, 2018           

;
.
.
.
.
.
.