Sau khi Nguyễn Phúc Ánh tung quân đánh lật triều Tây Sơn để giành ngôi trị vì giang sơn bờ cõi thì bà âm thầm, lặng lẽ rời cố đô nguy nga quay về xứ Quảng giả dạng làm cô gái chân quê chèo đò để kiếm kế sinh nhai. Thế nhưng, cuộc đời và thân phận của bà thật đớn đau, nghiệt ngã bởi không thoát được lưỡi gươm trả thù tàn bạo của ông vua có niên hiệu là Gia Long. Bà chính là Trần Thị Quỵ, Thứ phi vua Quang Trung.
Mộ Thứ phi Trần Thị Quỵ (ảnh trái) và mộ ông bà nội của bà. Ảnh: T.M |
Theo lý lịch di tích của Ban Quản lý Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Hội An) lập ngày 24-9-1991 cũng như gia phả tộc Trần của xã Cẩm Thanh thì vào thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, ngài Trần Công Phạp đã đưa thân sinh là thủy tổ Trần Công Mộ cùng 3 người con trai từ xã Tân Thuận, huyện Tân An, phủ Tân Hóa, thành Thăng Long, vào dừng chân tại vùng biển Hội An để lập nghiệp và hình thành tộc Trần Công tại đây.
Hồi đó, tại thôn Đông Châu, xã Thanh Châu (nay là xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) có một người con gái tộc Trần nết na thùy mị, được hoàng đế Quang Trung để mắt tới và chọn làm Thứ phi, đó là Trần Thị Quỵ.
Ông nội của Thứ phi Trần Thị Quỵ là Trần Công Thức được triều Tây Sơn phong chức Đại đô đốc Quận công Đại tướng quân. Cha của bà là Trần Công Thành được phong chức Thái úy Chơn quận công. Anh trai ruột của bà là Trần Công Giai được phong chức Cai đội Huyên hòa hầu Đại đô đốc. Một số bà con trong tộc Trần cũng có nhiều người làm quan lớn thời Tây Sơn.
Ngự ngôi vua được 4 năm thì ngày 16-9-1792 (tức 29-7 Nhâm Tý) Hoàng đế Quang Trung lâm trọng bệnh băng hà khi mới 40 tuổi. Con trai Quang Trung là Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi khi mới 9 tuổi lấy niên hiệu Cảnh Thịnh. Thời kỳ này triều Tây Sơn lục đục, quan thần tranh giành chức tước chém giết lẫn nhau dẫn đến triều đình bị náo loạn.
Nhận thấy nhà Tây Sơn đang rơi vào tình trạng hấp hối, suy tàn, Nguyễn Phúc Ánh (về sau là vua Gia Long) xua quân đánh úp để chiếm giữ quyền lực. Khi nhà Tây Sơn mất ngôi, năm 1802 bà Trần Thị Quỵ từ Huế trở về xã Thanh Châu, Hội An, làm người dân thường. Biết Gia Long trả thù tới 9 đời nhà Tây Sơn nên bà đã giả dạng thành một cô gái chân quê cùng với 2 thôn nữ hàng ngày sống bằng nghề chèo đò đưa khách qua sông tại bến Kim Bồng (nay thuộc xã Cẩm Kim, thành phố Hội An) nên dân làng thường gọi là “bến đò Ba Cô”.
Ảnh: T.M |
Mặc dù đã thay tên đổi họ, dưới dạng người dân lam lũ, nhọc nhằn để kiếm miếng cơm, manh áo song Thứ phi Trần Thị Quỵ cũng không qua được mắt của bọn nịnh bợ, ham hố công trạng. Chúng đã chỉ điểm cho quân Gia Long bắt giữ bà đem ra bãi cát Thi Lai xử trảm rất tàn bạo.
Chúng mang đầu của bà ra Huế dâng nộp lên Gia Long để lĩnh thưởng rất hậu hĩnh, còn phần thi thể bà chúng thả xuống sông Hoài. Xác bà trôi dạt đến gần khu vực mộ ngài nội tổ, được bà con trong tộc họ bí mật an táng trên gò đất giữa cánh đồng của làng Rừng Rẫy, nay thuộc thôn 5 xã Cẩm Thanh.
Ngôi mộ của Thứ phi Trần Thị Quỵ nhỏ nhắn, hình hột xoài lâu đời cũ kỹ, rêu phong, có kích thước 0,8x1,6m. Trên tấm bia ghi bằng chữ nho: “Nam cố Đông Châu tiền hiền hoàng hậu thứ phi tự Quỵ Trần tổ cô mộ/ Mậu Tuất hạ nguyệt nhật kiết Trần Công tộc nội tôn bái lập”.
Nghĩa là: “Đất Thanh Nam xưa một bà tổ cô họ Trần tên Quỵ người làng Đông Châu thứ phi hoàng hậu triều trước, cháu nội tộc Trần Công tạo lập ngày tháng tốt mùa hạ năm Mậu Tuất”.
Bên cạnh mộ Thứ phi Trần Thị Quỵ là cặp mộ song táng ông bà nội của bà là Trần Công Thức, cũng hình hột xoài, có thành được xây bằng gạch với kích thước 9x10m, trước sau đều có bình phong và trụ biểu, nay đã bị hư hỏng. Cách mộ Thứ phi Trần Thị Quỵ chừng 6 mét chếch về hướng nam là mộ của tướng Trần Công Giai.
Theo bà con tộc Trần nơi đây thì ngày xưa mộ của ông có nấm, có quynh lớn đàng hoàng nhưng đã bị thời gian bào mòn, tàn phá nên hiện nay chỉ còn lại tấm bia bằng đá màu xám đỏ khắc chữ nho: “Hiển khảo Trần thúc quân hữu doanh vũ vệ Cai đội Huyên hòa hầu thụy Mẫu trực Trần Công chi mộ”.
Như vậy tại gò đất giữa cánh đồng làng Rừng Rẫy, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, hiện có 4 ngôi mộ cổ bao gồm Thứ phi Trần Thị Quỵ, ông bà nội và người anh ruột của bà. Ngày 29-11-1991, Bộ Văn
hóa - Thông tin đã xếp hạng khu mộ Thứ phi Quang Trung và các tướng Tây Sơn là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Do mộ cổ lâu đời, hư hỏng nặng nề nên vừa qua, UBND thành phố Hội An đã đầu tư 150 triệu đồng để sửa chữa. Việc tu bổ được giữ nguyên trạng di tích, chỉ xây, sửa lại các vết nứt, vỡ và lót gạch, tạo hành lang lối đi, dựng các biển chỉ dẫn để phục vụ cho du khách viếng mộ, tham quan. Việc tôn tạo này đã hoàn thành trước Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua.
Ghé thăm nơi này, du khách thoáng chút bồi hồi thương cảm khi được nghe chuyện xưa về bà Trần Thị Quỵ, người thứ phi xấu số của hoàng đế Quang Trung, người từng cải trang kiếm sống ở “bến đò Ba Cô” ngày nào...
THÁI MỸ