Là công trình phòng thủ quan trọng bậc nhất của nhà Nguyễn tại Đà Nẵng, thành Điện Hải ghi dấu ấn bằng cuộc chiến oanh liệt của quân và dân Việt Nam chống liên quân Pháp-Tây Ban Nha xâm lược cách đây 160 năm.
Sau khi được công nhận di tích đặc biệt cấp quốc gia, thành Điện Hải được thành phố đầu tư trùng tu, tôn tạo một cách khoa học, để đưa công trình này thành một điểm tham quan, du lịch hấp dẫn của Đà Nẵng, vừa phục vụ nhân dân, nhà nghiên cứu, du khách.
Quang cảnh thành Điện Hải sau khi bị quân Pháp đánh chiếm. |
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về câu chuyện trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải đang diễn ra, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng tự hào cho rằng, thành Điện Hải là di tích lịch sử - kiến trúc đặc biệt, tiêu biểu bậc nhất hiện có của Đà Nẵng, cần hết sức thận trọng trong quá trình trùng tu, tôn tạo.
Giai đoạn 1 của dự án trùng tu, tôn tạo thành Điện Hải được khởi công từ ngày 29-3-2018 sẽ phục hồi nguyên trạng hệ thống thành trong, thành ngoài, hồ nước ở giữa, dự kiến hoàn thành trước tháng 10-2018. Hiện mọi việc đang diễn ra đúng tiến độ và khá suôn sẻ. Giai đoạn 2 trùng tu, tôn tạo các công trình bên trong, dự kiến diễn ra trong hai năm 2019-2020.
* Quan điểm trùng tu di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải của Đà Nẵng là gì, thưa ông?
- Thực tế cho thấy, hiện có một số nơi, do không có quan điểm, kiến thức trùng tu, tôn tạo di tích vững vàng, có thể người ta vì mục đích khác, hoặc vụ lợi trước mắt, một số di tích đã bị xâm hại, thậm chí phá hoại.
Đơn cử như ở miền Bắc, chuyện người ta tự làm công trình xây dựng đường dẫn lên - xuống đỉnh núi Cái Hạ (khu du lịch Tràng An, Ninh Bình) đang buộc phải tháo dỡ là câu chuyện làm xấu diện mạo, giá trị những di tích quý giá...
Rút kinh nghiệm từ những chuyện đó, Đà Nẵng hết sức cẩn trọng trong chủ trương bảo tồn, trùng tu di tích thành Điện Hải. Việc bảo tồn di tích sẽ cố gắng phục hồi những yếu tố gốc, yếu tố vốn có của di tích. Tuyệt đối không tùy tiện làm biến dạng yếu tố gốc của di tích.
Trước hết sẽ khôi phục nguyên trạng hệ thống tường trong, tường ngoài và hồ nước. Những yếu tố hiện không tồn tại thì phải tổ chức hội thảo khoa học, sưu tập tài liệu làm cơ sở để trùng tu. Quan điểm trong quá trình trùng tu, tôn tạo thành Điện Hải là cái gì biết chắc mới triển khai, cái gì chưa biết chắc sẽ tìm hiểu đến nơi đến chốn, đồng thời tranh thủ ý kiến của các chuyên gia làm cơ sở. Tuyệt đối không được nhân danh trùng tu di tích để xâm hại, làm biến dạng, thậm chí phá hoại di tích!
Lính Hoàng thành quân đội nhà Nguyễn năm 1858 qua ký họa của lính Pháp đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng. |
* Được biết, việc giữ lại các yếu tố gốc của di tích là khá khó khăn, vì chiến tranh hầu như đã san phẳng bên trong thành Điện Hải?
- Như trên đã nói, giai đoạn 1 của dự án trùng tu, tôn tạo di tích thành Điện Hải đang diễn ra khá suôn sẻ và việc phục hồi nguyên trạng yếu tố thành trong, thành ngoài, hồ nước ở giữa là không khó.
Do phía nam và phía đông còn nguyên vẹn cả thành trong lẫn thành ngoài, những phía thành còn lại chỉ cần đào thám sát, tìm nền móng cũ sẽ xây lại được nguyên trạng. Đặc biệt, giải pháp khoét sâu 0,6m, đổ bê-tông, chống thấm, giữ nước hào ở giữa thành trong thành ngoài rất có ý nghĩa.
Giai đoạn 2 chắc chắn phải tinh tế hơn, phức tạp hơn, do chúng ta phải phục dựng những công trình bên trong thành đã bị chiến tranh san phẳng, không còn dấu tích.
Theo những cứ liệu lịch sử còn lại, cho thấy, bên trong thành Điện Hải ngày trước có hành cung, kho chứa lương thực, kho đạn, trại lính, kỳ đài (cột cờ)... và những công trình khác nhưng bây giờ thì không có gì hết.
Giải pháp cho việc này sẽ là tổ chức hội thảo mời những chuyên gia đầu ngành tư vấn, là tìm kiếm tư liệu trong và ngoài nước làm căn cứ để trùng tu. Cuối năm nay, Sở Văn hóa-Thể thao dự kiến tổ chức cuộc đi đến các cơ sở dự trữ, bảo tàng của Pháp để tìm các tư liệu người Pháp lưu lại về cuộc chiến này tại thành Điện Hải.
Đó phần lớn là những bài viết, những bức ký họa của binh lính, sĩ quan Pháp về thành Điện Hải, về cuộc chiến khi họ đặt chân đến đây. Tất nhiên việc trùng tu yếu tố gốc trong thành là có chọn lọc chứ không phải dựng lại tất cả những gì đã từng tồn tại cách đây gần hai thế kỷ.
Một cách nữa để khôi phục yếu tố gốc chính là so sánh, đối chiếu với các công trình phòng thủ tương tự trong đất nước, như thành cổ Sơn Tây, thành La Qua ở Quảng Nam, những công trình cùng thời của nhà Nguyễn.
* Rất nhiều di tích được đầu tư rất nhiều công sức, tiền của, xong rồi để đó. Vậy, chuyện phát huy giá trị di tích thành Điện Hải sau trùng tu đã được tính toán như thế nào, thưa ông?
- “Di sản văn hóa là một nguồn tài nguyên quan trọng của du lịch”. Trùng tu di tích phải hướng đến phục vụ cho nhân dân, nhà nghiên cứu, đặc biệt là khách du lịch. Tuy nhiên, một số nơi, cũng vì chạy theo phục vụ du khách đã có những động thái vô tình hoặc cố ý làm xâm hại di tích.
Hiện nay người ta đặt vấn đề du lịch trách nhiệm. Quan điểm của ngành văn hóa là di sản, văn hóa là tài nguyên của du lịch, ngành văn hóa ý thức trách nhiệm phục vụ du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Ngược lại ngành du lịch phải có trách nhiệm với di sản văn hóa. Bởi, khi di sản văn hóa mất thì chẳng còn gì để du lịch phát triển nữa.
Trở lại câu chuyện trùng tu di tích Thành Điện Hải, sau khi thực hiện xong 2 giai đoạn, dự kiến nơi đây sẽ trở thành một điểm tham quan, du lịch hấp dẫn của Đà Nẵng, vừa phục vụ nhân dân, nhà nghiên cứu, du khách.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành văn hóa Đà Nẵng dự kiến sẽ thành lập một trung tâm diễn giải lịch sử bằng công nghệ 3D, kể lại câu chuyện của Đà Nẵng, câu chuyện của thành Điện Hải bằng công nghệ 3D. Tại trung tâm diễn giải này sẽ có sa bàn địa thế thành Điện Hải lý giải vì sao nhà Nguyễn chọn nơi này để xây dựng hệ thống phòng thủ quan trọng nhất tại Đà Nẵng.
Ở đây, cũng sẽ có hệ thống trải nghiệm thực tế ảo về một trận chiến tiêu biểu trong cuộc chiến đấu của quân dân triều Nguyễn với liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Ngoài việc khôi phục lại một số công trình tiêu biểu, cuộc trùng tu lần này sẽ đồng thời khôi phục một số hoạt động, cảnh sinh hoạt, cảnh chuyển giao lính gác, trang phục quân đóng ở thành Điện Hải ngày xưa, cảnh đội gác sẵn sàng chiến đấu như thế nào...
Nghĩa là một thành Điện Hải từ 1858 sẽ được tái hiện sinh động nhất có thể sau khi hoàn thành xong hai giai đoạn trùng tu.
Một chi tiết rất thú vị cho thấy sự cẩn trọng trong việc khôi phục yếu tố gốc, đồng thời tôn trọng khách đến tham quan, chính là việc không chỉ công phu đặt một cơ sở làm gạch uy tín nung ra đúng loại gạch giống y gạch vồ người xưa dùng để xây thành, mà còn khắc niên đại lên những viên “gạch vồ” mới.
Du khách đến tham quan sẽ được khám phá cả những câu chuyện cũ và mới về thành Điện Hải. Đâu là đoạn tường gạch nguyên gốc, đâu là đoạn gạch trùng tu sẽ được giới thiệu rạch ròi, không có chuyện lập lờ, đánh đố du khách.
Một chi tiết khác cũng hết sức thú vị là tại khu vực di tích từng bị 80 hộ dân xâm phạm tại bờ thành phía bắc, thì dấu vết nhà ở, công trình vệ sinh, sẽ được giữ lại một phần để làm kỷ niệm nhắc nhở rằng, có một thời gian, do lơ là, buông lỏng quản lý, coi thường di tích, di tích thành Điện Hải đã từng bị xâm hại như thế này đây. Đó cũng là câu chuyện về Thành Điện Hải mà thế hệ sau, khách tham quan cần được biết.
* Xin cảm ơn ông!
"Phải nói rằng chưa bao giờ có một sự đồng thuận rất lớn từ chính quyền đến người dân đối với việc bảo vệ một di tích như thế này. Không dễ để 80 hộ dân ngay tại trung tâm thành phố vui vẻ rời chỗ ở ổn định, thuận tiện của mình để trả lại không gian cho di tích. Không dễ để chính quyền thành phố quyết định dừng ngay việc xây dựng những công trình quan trọng đã được tính toán quyết định trước đó không lâu. Và rất nhiều, rất nhiều đóng góp thầm lặng khác vì sự nguyên vẹn của di tích... Vì vậy, dù chúng ta đang phải “vừa chạy vừa xếp hàng”, vừa trùng tu, vừa tìm kiếm tư liệu, song, tôi có niềm tin rất mạnh mẽ vào công cuộc trùng tu, tôn tạo di tích thành Điện Hải lần này." Ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng |
"Việc Bảo tàng Đà Nẵng chuyển đến địa chỉ mới 24 Trần Phú (trong khuôn viên thành Điện Hải) như vừa diễn ra hôm qua. Chúng tôi đã hành động, đã ấp ủ biết bao tâm huyết xây dựng bảo tàng, gầy dựng nơi đây trở thành một điểm đến của du khách. Phải dời đi, chắc chắn trong lòng không ít tiếc nuối, nhưng vì một di tích đặc biệt, vì sự quan tâm đầu tư của thành phố, sự đồng thuận của nhân dân, thì đây là việc nên làm. Hơn nữa, địa chỉ mới của bảo tàng được ưu ái ấn định ở 42 Bạch Đằng - Tòa Thị chính cũ - một vị trí cũng rất đặc biệt, rất thích hợp để chúng tôi tiếp tục kể cho du khách những câu chuyện đáng tự hào về Đà Nẵng." Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng |
THANH TÂN (thực hiện)