Luôn có một tuổi thơ trong lòng mỗi con người. Những đẹp đẽ, vui buồn, diệu kỳ hay sợ hãi, tổn thương thì với mỗi chúng ta, đó luôn là những trải nghiệm để mỗi ngày thêm lớn...
Đưa con đi chơi, cùng con trải nghiệm cuộc sống là cách mà nhiều người mẹ hiện nay áp dụng, giúp con có một tuổi thơ nhiều ý nghĩa.Ảnh: TÀ LỒ |
1. Bắt đầu từ mùa hè này, các trường tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) tại Đà Nẵng sẽ bắt đầu tổ chức các trò chơi dân gian như rồng rắn lên mây, múa sạp, nhảy dây, kéo co, ô ăn quan, cướp cờ, dung dăng dung dẻ, tập tầm vông, thả đỉa ba ba…
Ngoài việc tiếp tục mở cổng trường, thư viện, mở các tủ sách, khu tập luyện thể dục thể thao các ngày trong tuần (trừ các ngày lễ, tết, chủ nhật) để học sinh đến vui chơi, đọc sách, thì đây được xem là chương trình mới để các em có thể vui trọn 3 tháng hè.
Để hoạt động diễn ra hiệu quả, từ ngày 11-5, Sở Giáo dục - Đào tạo TP. Đà Nẵng tổ chức tập huấn các trò chơi dân gian cho hơn 200 giáo viên phụ trách đội các trường tiểu học, THCS, Bí thư Đoàn Thanh niên các trường THPT trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, từng trường sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết, chọn lọc trò chơi phù hợp với lứa tuổi. Theo ông Vĩnh, trò chơi dân gian sẽ giúp các em trải nghiệm tuổi thơ và nuôi dưỡng tâm hồn. Đồng thời, trò chơi phải đảm bảo các yếu tố vui vẻ, gắn kết, tránh hình thức, tổ chức cho có…
Các trường như THCS Nguyễn Tri Phương, THCS Ông Ích Đường và THPT Phạm Phú Thứ sẽ dành thời gian tổ chức tập luyện, biểu diễn điệu múa tung tung da dá cho học sinh người đồng bào Cơ tu.
Mỗi đứa trẻ đến trường, ngoài việc học tập cần phải có không gian cho các em vui chơi, giải trí. Vài năm gần đây, Trường THCS Kim Đồng (quận Hải Châu) thường xuyên tổ chức Ngày hội văn hóa dân gian cho học sinh các khối học.
Trong không gian ấy, nền gạch sân trường được các cô giáo kẻ ô theo các trò chơi dân gian như đập niêu, nhảy bao bố, ô ăn quan… Những viên sỏi chơi trò ô ăn quan cũng được lựa chọn kỹ lưỡng, để gọn gàng trong phòng làm việc. Thầy giáo Mai Xuân Mùi, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố, Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Đà Nẵng, người thường xuyên tham dự các lễ hội dân gian khẳng định, sự hào hứng của những đứa trẻ giúp những người lớn tuổi như ông nhìn thấy tuổi thơ của chính mình.
2. Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP. Đà Nẵng cho biết sẽ có 500 trẻ tham gia “Ngày hội tuổi thơ” lần thứ 2 năm 2018, diễn ra tại Công viên Biển Đông (quận Sơn Trà) vào ngày 1-6. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em do UBND thành phố phát động. Tại đây, các em sẽ tham gia chơi các trò chơi, ca hát, thi vẽ tranh và nhận những món quà mà người lớn đã chuẩn bị sẵn.
Trong đó có khoảng 100 phần quà (2 triệu đồng/phần) dành tặng cho 100 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt hơn, sẽ có một đêm văn nghệ gây quỹ đầy ý nghĩa diễn ra trong khuôn khổ “Ngày hội tuổi thơ” với hy vọng sẽ nối thêm vòng tay yêu thương dành cho các em bé khuyết tật. Ngoài những em có trong danh sách tham gia ngày hội, chương trình cũng dành sân chơi chung cho tất cả phụ huynh và học sinh trên toàn thành phố.
Bên cạnh sự quan tâm đó, bà Lê Thị Tám cũng chỉ ra một thực tế rằng có không ít ông bố, bà mẹ hiện nay dành quá nhiều thời gian cho công việc nên khi trở về nhà, cách duy nhất để mình có thời gian nghỉ ngơi là bật ti-vi cho con xem.
“Có thể các em bé sẽ nhanh chóng quên đi những món đồ mà ba mẹ đã mua cho chúng, nhưng sẽ khó mà quên được khoảng thời gian được vui chơi, trải nghiệm cùng ba mẹ. Chúng tôi luôn mong muốn những sân chơi tuổi thơ sẽ giúp những gia đình trẻ được gắn kết, chia sẻ tình yêu thương và cùng có thêm nhiều kỷ niệm đẹp, đáng nhớ bên con mình”, bà Tám nói.
3. Luôn có một tuổi thơ trong lòng mỗi con người. Ví như mỗi chiều trên bãi biển, bên cạnh những đứa trẻ chơi thả diều là những ông bố cũng rộn ràng với dây nhợ, lựa chiều gió nâng diều lên cao. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu đứa trẻ được người lớn quan tâm và dành nhiều thời gian bên cạnh, sẽ sống có trách nhiệm và tình cảm, ít giận dữ hay cáu gắt vô cớ…
Chị Ngô Thị Thục Trang, một cô giáo, một tác giả khá thành công ở thành phố Đà Nẵng luôn đau đáu về một miền tuổi thơ giàu kỷ niệm êm đềm. Đó là khi chị kể trong “Về bên những dấu yêu”: Tôi lớn lên cùng trò chơi đồ hàng với những xoong nồi là vỏ sò, vỏ hến, cơm là mớ sỏi vụn, rau cá là những lá chè tàu, lá vú sữa và trứng gà, trứng vịt là những trái xoan chín ươm vàng. Không chỉ có đồ hàng, tôi còn mê chọi cỏ gà, đánh chuyền, nhảy dây, nhảy lò cò.
Tôi cũng làm ná bắn chim, làm súng bời lời chia phe với lũ trẻ trong xóm chơi trò trận giả. Kết quả của những trò chơi ấy là chiếc áo dính đầy mủ bời lời. Tôi còn vác cuốc đi đào dế vào những ngày mưa lây rây. Dế đào được phần lớn để xào ăn, con nào “đẹp” thì để đó chơi trò đá dế, ham đến bỏ cơm. Chẳng có trò chơi của trẻ con nông thôn nào tôi không tham gia. Và như nhiều đứa trẻ khác, tôi ham chơi hơn ham học, hầu như chẳng ngày nào không bị ăn roi…
Cũng theo chị Thục Trang, ngày nội còn sống, chị đã có những đêm trăng nằm gọn trong lòng bà trên chiếc chõng tre đặt giữa sân nghe kể chuyện cổ tích. “Sau này tôi mới được biết nội không biết chữ. Không biết chữ nhưng nội tôi là một kho tàng dân gian sống. Nội đi vào một đêm đông lạnh. Nhưng tôi nhớ ngày đưa nội đến nghĩa trang, nắng rất vàng. Khi ấy tôi mới là cô bé bảy tuổi, chưa hiểu nhiều về nỗi mất mát. Chỉ khi tiếng rao đậu hũ ngoài ngõ vang lên khi cả ba me đều đi làm, không ai gọi: “Đậu hũ, cho cháu tôi một bát” thì nước mắt tôi mới ứa ra”, chị tâm sự.
Có lẽ, ký ức tuổi thơ luôn là miền đất đẹp đẽ, nhiều cảm xúc nhất trong lòng mỗi con người. Nỗi nhớ như chạm sâu vào tim, nằm gọn trong một ngăn chứa đủ dài và rộng để gói gém mọi buồn vui trong cuộc sống. Có ai đó đã nói rằng, tuổi thơ của mỗi người có thể khác nhau nhưng điều đó không quan trọng, chỉ cần “nơi đó” có những khoảnh khắc vui vẻ, nhiều yêu thương là đủ… Và tất nhiên, tuổi thơ ấy phải có sự yêu thương, bảo bọc của gia đình, bạn bè và cả cộng đồng xã hội.
Tiểu Yến