* Về ngọn đèo ranh giới thiên nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, có người gọi là đèo Hải Vân, cũng có người gọi là đèo Ải Vân. Xin cho hỏi cách gọi nào đúng? (Lê Nam Mỹ, Liên Chiểu, Đà Nẵng)
- Trước hết, theo chúng tôi, tên gọi Hải Vân là chính xác, căn cứ vào hai tấm bảng đá gắn trên vòm cửa ải còn lưu đến ngày nay.
“Hải Vân quan” [海雲關] trên cửa ải nhìn về hướng Đà Nẵng và lạc khoản “Minh Mạng thất niên cát nhật tạo”. Ảnh: V.T.L |
Cửa nhìn về phía phủ Thừa Thiên xưa ghi 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (Cửa ải hùng vĩ nhất thiên hạ). Cửa nhìn về hướng Đà Nẵng ghi 3 chữ “Hải Vân quan” [海雲關] (Cửa ải Hải Vân). Phía bên trái của cả hai bảng đá đều có dòng lạc khoản ghi cùng một nội dung: “Minh Mạng thất niên cát nhật tạo”, nghĩa là Tạo lập vào ngày tốt, năm Minh Mạng thứ bảy (1826).
Nhiều tài liệu ghi rằng “đèo Hải Vân còn có tên là đèo Ải Vân (vì trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải) hay đèo Mây (vì đỉnh đèo thường có mây che phủ)”. Theo chúng tôi, tên gọi đèo Ải Vân và cách giải thích trong dấu ngoặc ở đây không ổn.
Nếu vì “trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải” mà gọi là đèo Ải Vân thì không đúng, bởi lẽ “Ải Vân” có nghĩa là “đèo Mây”. Tuy nhiên, gọi thế (Ải Vân) cũng chẳng đâu vào đâu, bởi lẽ theo đúng ngữ pháp chữ Hán, muốn mô tả một “đỉnh đèo thường có mây che phủ” thì phải viết là “Vân Ải” (giống như: mai hoa (Hán) = hoa mai (Việt); Hàn giang = sông Hàn…).
Phải chăng xuất phát từ thực tế một đỉnh đèo/cửa ải hầu như quanh năm mây phủ nên dân gian đã gọi nôm na là Ải Vân, một cách biến âm từ tên gọi chính thống là Hải Vân?
Về cách gọi Ải Vân, tác giả Nguyễn Dư phân tích rất lý thú trong bài viết “Hát” hay không “hát”? đăng trên Tạp chí Sông Hương số 272 (tháng 10-2011).
Theo đó, sách Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn (Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Phủ biên tạp lục (1776), Đỗ Mộng Khương dịch, Đào Duy Anh hiệu đính NXB, Khoa học Xã hội, 1977), khi nói đến vùng đất nằm giữa Thuận Hóa và Quảng Nam, thường dùng tên Ải Vân (tr.75, 106), núi Ải Vân (tr.51, 72), đèo Ải Vân (tr.78), cửa biển Ải Vân (tr.113, 218). Trừ một chỗ, Lê Quý Đôn chép “núi Hải-vân ở Hải-vân quan huyện Tư-vang, dưới xuống sát bờ biển, trên chọc tầng mây, là giới hạn của hai xứ Thuận-hóa Quảng-nam, có cửa ải đặt binh canh giữ. Tự đấy theo đường núi đi hơn một ngày là địa phận Quảng-nam” (tr.95).
Lê Quý Đôn dùng 7 lần tên Ải Vân, 2 lần Hải Vân.
Lê Quý Đôn không phải là trường hợp duy nhất. Năm 1821, Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, Dư địa chí, Ngô Hữu Tạo dịch, Cao Huy Giu hiệu đính, NXB Sử Học, 1960) cũng viết Ải Vân (tr.131, 132, 135), và Hải Vân (tr.132). Tổ biên dịch Viện Sử học (1960) chú thích: “Bản chữ Hán trên chép Ải-vân, dưới chép Hải-vân. Đại Nam nhất thống chí toàn chép Hải-vân. Tiếng Ải-vân là tiếng nhân dân quen gọi vì trên núi ấy có cửa ải”.
Tác giả Nguyễn Dư cho rằng “Ải-vân là tiếng nhân dân quen gọi. Nếu vậy thì Ải-vân chưa chắc đã là ngôn từ của nhà Nho, của quan biên tu Quốc Tử giám Phan Huy Chú dùng để viết sách dâng vua”.
Vì sao hai vị khoa bảng lừng lẫy Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú lại có cách gọi bất nhất về cùng một địa danh? Tác giả bài viết giải thích bằng cách dẫn ảnh hưởng ngôn ngữ dưới thời Pháp thuộc. Trong tiếng Pháp, nguyên âm “h” đứng đầu từ thường không được phát âm, gọi là “h câm”.
Sách Phủ biên tạp lục (của Lê Quý Đôn) gọi người Hòa Lan (Hollande) bằng 2 tên: Hoa Lang (tr.64), Ô Lan (tr.55). Hoa bị “câm hóa” thành Ô. Giống trường hợp Nam Hoa bị “câm hóa” thành Nam Ô (nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).
Người Pháp phiên âm Hải thành Ai. Hồng Hải biến thành Hongai. Hải Vân thành Ải Vân là chuyện dễ xảy ra.
Đại Nam thực lục (chép chuyện các chúa và các vua Nguyễn) của Quốc sử quán triều Nguyễn, và Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục (Bản dịch của Hoàng Văn Lâu, Văn Học, 2003) chỉ chép núi Hải Vân, đèo Hải Vân, cửa biển Hải Vân. Không có tên Ải Vân.
Tác giả kết luận: “Có thể khẳng định rằng Phủ biên tạp lục và Lịch triều hiến chương loại chí đã bị người sống dưới thời Pháp thuộc sao chép sai. Núi, đèo, cửa biển nước ta tên là Hải Vân”.
ĐNCT