Danh y Lương Trọng Hối và bản thảo sách châm cứu tiếng Việt

.

Cử nhân Lương Trọng Hối (1888-1969) là một danh sĩ kỳ lạ bậc nhất ở Việt Nam. Ông là vị quan thanh liêm nổi tiếng, từng được mời tham chính trong 4 chính thể liên tiếp(*). Người dân và giới Đông y xứ Quảng vẫn nhớ mãi đến ông là một danh y tiên phong nghiên cứu thuốc nam và châm cứu, Hội trưởng Hội Đông y (hay Y Dược Việt Nam) tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng từ 1954-1963.

Danh y Lương Trọng Hối (người được khoanh tròn) là Hội trưởng Hội Đông y (Y dược Việt Nam) từ 1954-1963. (Ảnh tư liệu tại Nhà thờ Y tổ, số 8 Điện Biên Phủ, Đà Nẵng)
Danh y Lương Trọng Hối (người được khoanh tròn) là Hội trưởng Hội Đông y (Y dược Việt Nam) từ 1954-1963. (Ảnh tư liệu tại Nhà thờ Y tổ, số 8 Điện Biên Phủ, Đà Nẵng)

Khi tôi mới vào nghề Đông y, được biết Lương y Lương Thị Hồng Đào đang ở một căn nhà nhỏ trong kiệt đường Lý Tự Trọng, là ái nữ của cụ Cử Hối, nên thường đến thăm chơi để học hỏi và mượn tài liệu. Một lần cô Đào giới thiệu cho tôi biết, ngoài các sách Thương hàn trị liệu và Cây thuốc nam đã xuất bản, cha mình có dịch bộ sách “Trung Quốc Châm cứu trị liệu học” của Thừa Đạm Am, người Giang Tô, Trung Quốc, lấy tựa đề là “Sách châm cứu tiếng Việt”, bản thảo dày hơn 500 trang đánh máy trên giấy pelure (khổ A4).

Về sau, Lương y Thái Đờn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đông y thành phố Đà Nẵng, vốn là người cùng quê Quế Sơn và là môn sinh của cụ Hối, cho tôi biết thầy được cụ Hối tặng một bản của tập sách châm cứu này và cho tôi sao chụp lại.

Trong lời nói đầu, viết tại Quế Sơn ngày 20-10-1955, cụ Cử Hối cho biết “vừa dịch vừa thực hành, kể có vài ba năm mới dịch xong, lại sưu tầm thêm các phép châm cứu đã có kinh nghiệm trong những sách Nhựt Bổn như: Nhãn hoa cẩm nang, Cứu pháp y học nghiên cứu, Sâm sơn chơn truyền lưu, để bổ túc thêm vào sách châm cứu này.

Nội dung sách chia làm 4 phần: 1. Nói về thước tấc đo hình người và các kinh huyệt, kỳ huyệt; 2. Nói về thủ thuật châm cứu; 3. Nói về cách trị bệnh; 4. Phụ lục tự vị các kinh huyệt theo thứ tự A, B, C để dễ tra cứu.
Theo thiển ý dịch giả, thời sách này ra đời rất cần thiết cho kẻ hậu học kém nho học muốn học thuốc có chỗ mà nghiên cứu y theo phép bày trong sách này mà thực hành”.

Có một câu chuyện ngoài lề, cô Đào kể tôi nghe là khi cụ Cử Hối đưa bản thảo này cho một vị bác sĩ Hội trưởng Hội Đông y dược ở Sài Gòn thời cuối thập niên 50 thế kỷ 20, vị bác sĩ kia hứa sẽ cho xuất bản với điều kiện để ông ta đứng tên đồng tác giả.

Vốn không ham danh lợi nên cụ Hối sẵn sàng đồng ý, nhưng cô Đào nhất quyết không chịu, bảo để lại sau này cô kiếm tiền xuất bản cho ông cụ đứng tên riêng. Nhưng về sau, có lẽ một phần do kinh tế khó khăn, một phần do có nhiều sách châm cứu mới của các tác giả như Thượng Trúc, Thích Tâm Ấn, đã xuất bản nhiều ở miền Nam rồi, nên cuốn sách Châm cứu tiếng Việt của cụ Hối không có cơ hội xuất bản nữa.

Một chuyện trùng hợp lý thú, năm 1995, khi vào TP. Hồ Chí Minh, tôi có đến chùa Tam Tông Miếu gặp Đông y sĩ Đàm Thi (thường gọi là bác Tám Liên Hoa) để xin ít tài liệu, được biết ông có cơ sở châm cứu chữa bệnh từ thiện và đào tạo hàng vạn học trò châm cứu ở miền Nam (có cấp giấy chứng nhận và lưu danh sách, ảnh thẻ).

Sau này, tình cờ xem một cuốn vở của một đồng nghiệp đàn anh có ghi chép bài học châm cứu tại cơ sở này, tôi thấy lối văn quen quen liền mượn về đối chiếu, thấy đúng là bản dịch sách châm cứu của cụ Lương Trọng Hối.

Đầu năm 2005, tôi được Đông y sĩ, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam cho mượn tập tài liệu châm cứu do chính ông đánh máy theo yêu cầu của bác Tám Liên Hoa khi còn đi học ở Sài Gòn trước năm 1975, tôi xem qua và khẳng định đó chính là bản dịch của cụ Cử Hối.

Từ các nhân chứng, vật chứng tôi đã tiếp xúc, có thể khẳng định, mặc dầu bản thảo sách Châm cứu tiếng Việt của cụ Lương Trọng Hối chưa xuất bản chính thức, nhưng đã được nhiều thế hệ “thầy đọc, trò chép” lưu truyền khắp miền Nam, góp phần đào tạo một đội ngũ thầy thuốc châm cứu khá hùng hậu và bài bản trong một giai đoạn lịch sử khó khăn của đất nước.

Thiết nghĩ tập bản thảo này là một trong những di sản quý báu của Đông y xứ Quảng, cần được các cơ quan chức năng có kế hoạch sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ cho muôn đời sau.

PHAN CÔNG TUÂN

(*) Chính phủ Nam triều, chính phủ Trần Trọng Kim, chính quyền Cách mạng và Mặt trận Liên Việt kháng chiến Pháp, dân biểu Quốc hội thời Ngô Đình Diệm. Năm 1999, Liên hiệp Các Hội KH-KT tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đều có tổ chức  kỷ niệm 30 năm Ngày mất danh sĩ Lương Trọng Hối.

;
.
.
.
.
.
.