Cách đây 20 năm, ngành thủy sản Đà Nẵng chỉ có một số tàu cá có công suất 74-82CV của các đơn vị đánh cá quốc doanh, còn đa số là tàu cá có công suất từ 60CV trở xuống, nên chỉ tập trung khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ và vùng lộng. Đến nay, thành phố có 583 tàu cá có công suất trên 90CV, gấp 11 lần so với năm 2003 và gấp 2,8 lần so với cuối năm 2013, trong đó có 75% là tàu công suất trên 400CV.
Tàu cá đóng mới được sơn nổi bật dòng chữ “Đà Nẵng – Hoàng Sa” lên mạn thuyền. Ảnh: H.H |
Có được kết quả trên là nhờ thành phố đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, thành phố có các chính sách lớn về hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ xa bờ.
Đầu tháng 8-2018, ngư dân Trần Hải (làng cá Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) hạ thủy tàu cá đóng mới công suất hơn 800CV với tổng số tiền đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, thành phố hỗ trợ 800 triệu đồng theo chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản, được ban hành tại Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND ngày 12-12-2014 của UBND thành phố. Trước đó, ngư dân Trần Hải cũng được thành phố hỗ trợ đóng mới một tàu cá có công suất lớn để vươn khơi.
Chuyện ngư dân đóng mới tàu cá xa bờ thứ hai không còn hiếm gặp hiện nay ở làng cá Nại Hiên Đông. Nhất là trong 5 năm gần đây, người dân làng cá đã chứng kiến nhiều trường hợp đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi đánh bắt hải sản.
Tại địa bàn phường Nại Hiên Đông có 357 tàu khai thác hải sản với tổng công suất 112.384CV (bình quân 314,8CV/tàu), trong đó có 213 tàu cá công suất hơn 400CV, chiếm gần 50% tổng số tàu cá có công suất hơn 400CV của thành phố.
Chuyển biến mạnh mẽ của cơ cấu tàu thuyền ở phường này cũng như làng cá Nại Hiên Đông được các ngư dân xem là “cuộc cách mạng”, bởi cách đây 15 năm, đa số ngư dân chỉ đánh bắt quanh quẩn ở vùng biển ven bờ và vùng lộng.
Nhưng những năm trở lại đây, nhờ đóng mới đội tàu có công suất lớn hơn 400CV, hầu hết ngư dân làng cá và phường Nại Hiên Đông đã vươn đến khai thác ở những vùng biển xa. Những ngư dân như ông Trần Hải cũng không còn coi nghề đánh bắt hải sản là kế sinh nhai, xóa đói và giảm nghèo như trước nữa, mà đầu tư vốn đóng mới, cải hoán tàu thuyền, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao công suất, năng lực khai thác hải sản nhằm làm kinh tế biển và làm những cột mốc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta.
Điều này đã thể hiện rõ và cũng là tâm nguyện của ngư dân Trần Hải khi ông sơn nổi bật dòng chữ “Đà Nẵng – Hoàng Sa” lên mạn tàu cá vừa được hạ thủy.
Những ngày này, khi đứng ở cầu Mân Quang phóng tầm mắt về phía âu thuyền Thọ Quang và cảng Tiên Sa, nhiều người không khỏi choáng ngợp khi nhìn thấy những tàu cá mang ký hiệu ĐNa bên mạn tàu đang chạy vào, ra và neo đậu, có kích thước rất lớn.
Nhiều tàu trong số đó có màu sơn còn rất mới… Cách đây 8 năm, vào giữa năm 2010, cũng tại vị trí cầu Mân Quang, chúng tôi cũng tìm chọn góc ảnh về những tàu cá mang ký hiệu ĐN có kích thước lớn nhất thời bấy giờ, những tàu cá chỉ có công suất trên dưới 90CV.
Năm đó, khi tổng kết 5 năm thực hiện đề án Phát triển và chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền và nghề khai thác thủy sản quận Sơn Trà giai đoạn 2006-2010, lãnh đạo Phòng Kinh tế quận Sơn Trà đánh giá, năng lực khai thác thủy sản của quận tuy chiếm tỷ trọng lớn cả về số lượng tàu thuyền lẫn công suất lắp máy so với toàn thành phố, nhưng đa phần vẫn là loại tàu thuyền có công suất nhỏ, dưới 20CV và tập trung khai thác vùng ven bờ, nơi mà trữ lượng thủy sản đang cạn kiệt.
Dù ngư dân đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đóng, mua mới tàu thuyền công suất lớn vươn khơi, nhưng loại tàu cá công suất từ 90CV trở lên chỉ tăng từ 40 chiếc lên 75 chiếc và cơ cấu nghề khai thác hải sản cũng chỉ mới chuyển biến từ khai thác mang tính hủy diệt tại tuyến bờ sang các nghề mang tính chọn lọc hơn tại tuyến lộng và khơi…
Tuy nhiên, sau khi UBND thành phố ban hành Quyết định số 7068/2012/QĐ-UBND ngày 29-8-2012 về một số chính sách hỗ trợ ngư dân thành phố Đà Nẵng đóng mới tàu khai thác hải sản và dịch vụ khai thác hải sản xa bờ, cơ cấu tàu thuyền và cơ cấu nghề khai thác hải sản của quận Sơn Trà chuyển dịch tích cực và mạnh mẽ. Hiện quận có 431 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất trên 90CV), giúp gia tăng sản lượng khai thác hải sản.
Quận Sơn Trà đang hướng đến mục tiêu đến cuối năm 2018, sản lượng hải sản khai thác được hơn 25.000 tấn với tổng giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết:
“Quận đang tích cực vận động ngư dân đầu tư đóng mới tàu cá công suất từ 400CV trở lên để vươn khơi khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, thực hiện tốt các chương trình khuyến ngư và hỗ trợ ngư dân ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị khai thác và bảo quản, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, quan tâm thực hiện tốt công tác phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động tổ đoàn kết sản xuất trên biển”.
“Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá có công suất lớn để vươn khơi. Nhờ chính sách này duy trì thực hiện đến nay, thành phố đã có những đội tàu mới với công suất lớn, tàu to hơn, vững chãi và an toàn hơn để vươn khơi đến vùng biển xa đánh bắt, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần gìn giữ chủ quyền biển, đảo.
Từ năm 2017 đến nay, ngư dân đăng ký đóng mới tàu cá rất nhiều, dự kiến từ nay đến cuối năm 2018, UBND thành phố sẽ hỗ trợ cho các ngư dân đã đăng ký đóng mới thêm khoảng 30 tàu cá”, ông Trịnh Quang Vinh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản cho hay.
Theo Chi cục Thủy sản, trong năm 2012 - năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 7068/2012/QĐ-UBND, UBND thành phố hỗ trợ 3,25 tỷ đồng đóng mới 5 tàu cá xa bờ có công suất từ 450-1.160CV. Đến nay, sau 6 năm thực hiện chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá xa bờ, UBND thành phố hỗ trợ 66 tỷ đồng để đóng mới 84 tàu cá có công suất từ 400CV trở lên, nâng tổng số tàu thuyền trên 90CV lên 583 chiếc. Từ năm 2010 đến nay, thành phố thực hiện các chương trình khuyến ngư với kinh phí hỗ trợ hơn 3,1 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố là hơn 2,6 tỷ đồng và ngân sách Trung ương gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, thành phố thực hiện có hiệu quả các chương trình về phát triển khai thác hải sản, xây dựng kết cấu hạ tầng nghề cá, thực hiện tốt công tác quản lý tàu cá… |
HOÀNG HIỆP