Lắng nghe và hành động

.

1. Ngày 6-10-2017, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam công bố Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (Vietnam ICT Index 2017); trong đó, một lần nữa Đà Nẵng đứng ở vị trí số 1. Đây cũng là năm thứ 9 liên tiếp thành phố đứng đầu danh sách này, đồng thời lập “kỷ lục” trong lịch sử CNTT Việt Nam về chỉ số “sẵn sàng” của chính quyền. Với người dân, tổ chức và doanh nghiệp, việc thành phố đưa vào vận hành Hệ thống thông tin chính quyền điện tử Đà Nẵng (tại địa chỉ egov.danang.gov.vn) là minh chứng rõ nhất về thái độ lắng nghe và hành động vì người dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí thăm và trò chuyện với trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thành phố. 				                                   Ảnh: T.V
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí thăm và trò chuyện với trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thành phố. Ảnh: T.V

Ông Nguyễn Văn Tân (tổ 29, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), người từng “tương tác” với chính quyền qua trang thông tin egov.danang.gov.vn cho biết: “Tôi đã phản ánh ở mục “Góp ý” về việc cắt tỉa cây xanh chưa hợp lý và ngay trong ngày, ý kiến của tôi được chuyển đến Công ty Công viên cây xanh thành phố. Sau đó, đại diện của công ty này đã giải thích với tôi về sự việc trên. Một sự nhanh nhạy và thái độ rất đáng hoan nghênh”.

Bà Bùi Thị Như Quỳnh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị Bình Minh, Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết: “Trước khi ra Đà Nẵng tìm cơ hội đầu tư, tôi đã liên lạc qua cổng thông tin này. Tất cả câu hỏi của tôi được Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng hồi âm rất nhanh. Đây là điều cực kỳ ấn tượng với tôi về sự lắng nghe và trả lời của chính quyền đối với nhà đầu tư”. Những thành quả trên là “công đoạn cuối” của cả sự vận hành hệ thống hành chính công, với việc kết nối 215 cơ quan, đơn vị của thành phố để việc phục vụ và tương tác người dân được tốt hơn…

2. Hơn 2 năm trước, trong lần tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, nhiều người dân bày tỏ mong muốn thành phố làm sao tạo điều kiện để mỗi người dân khi đến bệnh viện có được tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để bớt nỗi lo viện phí. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội thành phố, tính đến đầu năm 2018, đã có 94,6% người dân thành phố tham gia BHYT.

Riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng số bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT ở các cơ sở lên đến trên 1,7 triệu lượt, chiếm 165,69% tổng dân số thành phố. Đặc biệt, trẻ em được chăm sóc toàn diện ngay từ lúc còn nằm trong bụng mẹ đến khi chào đời. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng, vấn đề giảm số trẻ suy dinh dưỡng của Đà Nẵng... đều nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước.

Trong phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác ngành y tế thành phố vào đầu năm 2018, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo:“Y tế là lĩnh vực rất quan trọng với cuộc sống của người dân. Đây cũng là lĩnh vực nhạy cảm, người dân luôn quan tâm hàng đầu. Vì thế, ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn, mỗi thầy thuốc cần lưu ý vấn đề ứng xử từ lời nói đến hành động”. Thực tế, thông qua Đường dây nóng của HĐND thành phố, đường dây nóng Bộ Y tế và tại các bệnh viện, thái độ tiếp nhận ý kiến và giải quyết vấn đề người bệnh nêu đều có sự chuyển biến tích cực và rất đáng ghi nhận.

Song song đó, trên lĩnh vực giảm nghèo, thành phố ban hành nhiều chính sách nhân văn giúp người dân thoát nghèo bền vững, thể hiện qua Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Với việc quyết định nâng chuẩn nghèo của thành phố lên cao hơn so với quy định của Trung ương, số hộ nghèo hiện nay của thành phố là hơn 20.000 hộ. Những hộ này đều được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi ngành nghề, tiền thuê nhà, ưu tiên bố trí đất tái định cư hoặc miễn 100% tiền thuê nhà chung cư, miễn giảm học phí và các khoảng đóng góp khác... Trong vòng 3 năm qua, thành phố có đến 18.995 hộ thoát nghèo bằng những giải pháp trên.

Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố hỗ trợ cho các gia đình chính sách huyện Hòa Vang sửa chữa, xây nhà mới.                                                                      Ảnh: T.V
Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố hỗ trợ cho các gia đình chính sách huyện Hòa Vang sửa chữa, xây nhà mới. Ảnh: T.V

Riêng với gia đình chính sách, thành phố quyết tâm thực hiện mục tiêu “bảo đảm tất cả gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn cộng đồng dân cư”. Theo đó, thành phố ban hành nhiều chính sách mang tính “đột phá” so với quy định của Trung ương, đáng kể là việc nâng mức trợ cấp thường xuyên cho các cá nhân thuộc gia đình chính sách gặp khó khăn từ 300.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng; cấp miễn phí thẻ BHYT cho tất cả con em và thân nhân gia đình liệt sĩ hoặc tăng mức hỗ trợ sửa chữa, xây nhà mới...

Về công tác lắp camera bảo đảm an ninh trật tự, từ những chiếc camera ban đầu được lắp thử nghiệm cách đây vài năm, đến nay, thành phố đã có gần 2.000 camera an ninh đảm nhận nhiệm vụ “tai mắt” của cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, hàng trăm camera tại các nút giao thông quan trọng đã phát huy hiệu quả trong việc điều tiết giao thông cũng như giám sát các phương tiện lưu thông. Nhờ đó, người dân và du khách khi đến với Đà Nẵng luôn cảm nhận sự an toàn và thân thiện ở “thành phố đáng sống” này.

Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân là hành trình dài, cần nhiều nỗ lực từ chính quyền các cấp, sự chung tay của toàn xã hội. Và thành phố đã đặt được những “viên gạch” đầu tiên cho chặng đường dài đó với thái độ luôn lắng nghe và hành động vì dân.

THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.