Lưu dấu chiến công

.

Trong những năm chiến tranh, Liên Chiểu từng là vùng đất thuộc cánh bắc Hòa Vang. Những dấu tích về một thời đánh giặc oai hùng vẫn còn đâu đó trên những cây đa, bến nước, xóm chợ thân quen…

Những ký ức huyền thoại về một thời gian khổ, như một bản hùng ca ấy là điểm tựa vững chắc cho nhân dân quận Liên Chiểu xây dựng và phát triển thành khu đô thị mới của thành phố Đà Nẵng trẻ trung, sôi động.

Bia Bến đò Thủy Tú năm 1995. (Ảnh tư liệu của Bảo tàng Đà Nẵng)
Bia Bến đò Thủy Tú năm 1995. (Ảnh tư liệu của Bảo tàng Đà Nẵng)

Cây đa, bến đò và chuyện một thời

Đoạn sông Cu Đê qua đất Thủy Tú có một bến đò và cây đa nổi tiếng bởi đã cùng người dân nơi đây đánh giặc, giữ đất. Theo lời kể của ông Lê Thành Don, Phó trưởng ban Liên lạc Khu I - Hòa Vang, nguyên cán bộ an ninh Khu I - Hòa Vang, đây là địa điểm quen thuộc của những người tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ ở cánh bắc Hòa Vang.

Bấy giờ, những năm 60 – 70 thế kỷ 20, ai ngược xuôi qua sông Cu Đê vùng Thủy Tú cũng phải qua đây. Đoạn đường sông rất ác liệt, địch biết đây là đường độc đạo vượt sông nên tập trung đánh phá, bên ta hy sinh nhiều là vì thế.

Gọi là cây đa nhưng thực tế đây là cây sộp. Theo nhiều người dân, trước năm 1975 cây đã có đường kính trên 1m, cành lá sum suê, tỏa bóng mát làm chỗ trú nắng mưa cho người chờ ghe đò qua sông. Ở đây luôn có một tổ trinh sát thường xuyên bám trụ để canh gác, nếu phát hiện thấy lính Mỹ từ Thủy Tú lên hoặc Quan Nam xuống là báo cho cán bộ, bộ đội ta để tránh.

“Nhiều lần bộ đội về lấy gạo, thực phẩm bị địch phục kích đánh úp, có lần chúng dùng cả xe tăng lội nước để đánh phá cho bằng được. Ban đêm chúng dùng ống nhòm tia hồng ngoại để quan sát, thấy quân ta qua sông là bắn xối xả như đổ lửa trên mặt sông, mình nhiều người bị thương là vậy”, ông Don nhớ lại.

Theo tài liệu, hình ảnh còn lưu giữ được tại Bảo tàng Đà Nẵng, năm 1995, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Hiệp (cũ) và Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 96 có lập một tấm bia cao 75cm, lòng bia rộng 45cm, gọi là “Bia Bến đò Thủy Tú”, mặt trước ghi nội dung như sau:

“Vượt qua mọi sự kiểm soát ngặt nghèo của địch trên đoạn sông này, anh chị em dân quân du kích địa phương đã bằng mọi cách giúp đỡ bộ đội như: dùng thuyền nhỏ bí mật đi trong đêm khuya tiếp tế lương thực và báo tình hình địch… là chỗ dựa vững chắc cho các đơn vị thuộc Trung đoàn 96 và 108 trong các trận đánh trên đèo Hải Vân.

Nhân dân địa phương đã có lần huy động 30 – 40 chiếc thuyền cấp tốc trong đêm khuya để đưa hàng nghìn quân cùng chiến lợi phẩm, tù – hàng binh vượt sông thần tốc trong đêm làm thất bại hoàn toàn kế hoạch của địch dùng 8 tiểu đoàn bao vây, chặn đường tiến và lui của quân ta trong chiến thắng Hòa Vang lần thứ ba (tháng) 1-1949”.

Mặt sau là văn bia do Hội Cựu chiến binh xã Hòa Hiệp lập ngày 22-12-1995 với nội dung tương tự.
Theo lời kể của ông Don thì bia chiến tích này bao gồm cả cây đa và bến đò.

Tuy nhiên, tấm bia trên chỉ nói đến bến đò có lẽ vì bến đò là hình ảnh sâu sắc nhất còn lưu lại trong ký ức đội ngũ dân quân du kích địa phương ngày đó. Cây đa, bến đò mang hình ảnh quê hương đất nước, nay ghi lại chiến tích xưa mà đưa cả cây đa vào sẽ toàn vẹn ý nghĩa hơn.

Tết Mậu Thân 1968 ở Nam Ô

Nếu Thủy Tú gắn liền với những chiến công tại khu vực Bến Lượng, sông Cu Đê, Cồn Dâu, Hầm Vàng,… thì Nam Ô mang ý nghĩa chiến lược quân sự rất quan trọng của vùng đất giáp ranh Đà Nẵng - Huế. Vì thế, trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, đây là nơi “ta quyết giành, địch cố giữ”.

Theo tài liệu chép lại từ băng ghi âm lời kể của ông Năm Dừa (lúc đó là Bí thư cánh bắc Hòa Vang, Chính ủy mặt trận bắc Hòa Vang) do Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Bùi Xuân cung cấp cho người viết, kế hoạch chung của Khu ủy 5 và Đặc Khu ủy Quảng Đà, đêm 30-1-1968, quân và dân ta bước vào  cuộc chiến đấu quyết liệt của chiến dịch Mậu Thân.

Ở Hòa Vang, nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện là đưa lực lượng quần chúng nhập thị, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong thành phố. Hướng Khu I Hòa Vang, cuộc đấu tranh quyết liệt diễn ra tại thị trấn Nam Ô.

Cũng theo tài liệu này, trong đêm mồng 2 Tết Mậu Thân, nhân dân ráo riết xuống đường. Sau tiếng trống do chính tay đồng chí Năm Dừa đánh tại địa điểm Nam Ô khai lệnh, tất cả phái I, II, III, Hòa Lạc, Hòa Vinh, và trên núi kéo quân xuống chuẩn bị ghe thuyền bơi qua sông kéo vào Nam Ô, Hòa Khánh bao vây đồn Xuân Thiều, đánh cầu Nam Ô…

Trước khí thế hừng hực của quân và dân ta, lính Mỹ đã bắn xối xả vào đội hình quần chúng, ông Nguyễn Bá Hiệu (thôn Xuân Thiều, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cầm cờ đi đầu đã hy sinh tại chỗ.

Trước tình hình đó, lực lượng vũ trang vừa đánh trả địch, vừa đưa một bộ phận quần chúng vào bên trong thị trấn Nam Ô để nổi dậy tổ chức biểu tình, thị uy cùng với lực lượng vũ trang truy bắt tề, ngụy. Nhân dân đã làm chủ được một ngày, sau đó địch dùng hỏa lực liên tục bắn vào Nam Ô, lực lượng quần chúng buộc phải rút ra nhưng bọn tề ngụy vẫn không dám quay trở lại nơi này một thời gian.

Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân ở Nam Ô tuy ta tổn thất lớn nhưng đã đánh bại ý chí xâm lược của địch, buộc Mỹ phải rút quân thay đổi cục diện của chiến trường…

Ông Hồ Văn Chinh, Trưởng ban liên lạc Khu I – Hòa Vang, nguyên Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, cho biết đã có 70 người dân, du kích, cán bộ, bộ đội hy sinh trong trận Mậu Thân 1968 được công nhận liệt sĩ.

“Một sự kiện lớn như thế mà không làm bia tưởng niệm thì là một thiếu sót lớn đối với những người đã khuất. Ban liên lạc Khu I – Hòa Vang đã đề nghị thành phố cho phép được xây dựng bia tưởng niệm ở chợ Nam Ô (cũ) với kinh phí 300 triệu đồng. Dự kiến sẽ khởi công trong thời gian tới, sau khi hoàn tất mọi thủ tục”.

Bài học từ quá khứ

Về di tích Cây đa – Bến đò Thủy Tú (nay gọi là Thủy Tú Trên, giáp với xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), ông Trương Công Hiếu, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Liên Chiểu cho hay quận đang tiến hành các thủ tục hồ sơ, dự kiến sẽ xây dựng bia di tích trong năm 2019.

Ngày 7-10-2017, UBND quận Liên Chiểu trùng tu, tôn tạo Bia di tích kho xăng Liên Chiểu và Bia Chiến tích cầu Thủy Tú trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc. Đây là những công trình có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đối với quận Liên Chiểu nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung.

Lâu nay, việc tôn tạo và xây mới một số bia lưu dấu chiến công là chủ trương của thành phố. Đó không chỉ là ghi nhớ, tôn trọng truyền thống mà còn là niềm tự hào và là điểm neo đậu tinh thần cho đồng bào và cán bộ, chiến sĩ. Xây và tôn tạo bia là việc phải làm.

Tuy nhiên vấn đề được đặt ra là chúng ta phải làm gì để dòng chảy hào hùng ấy được khơi dậy và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Bởi trong thực tế, đã có không ít bia di tích sau khi xây dựng đã nằm trơ gan cùng tuế nguyệt, rồi đi vào lãng quên. Mỗi năm đến Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7, Ngày thành lập Đoàn 26-3 hay ngày họp mặt cựu chiến binh mới có chính quyền, đoàn thể, và người trong cuộc đến thăm.

Nhiều người từng trách thế hệ trẻ vô tình với quá khứ. Những bài học lịch sử trong sách giáo khoa các em có thể học thuộc lòng để trả bài, thi cử nhưng những địa chỉ đỏ cụ thể tại nơi các em đang sống không được cập nhật cụ thể.

Không có một tiết ngoại khóa nào để các em biết rõ hơn mảnh đất anh hùng mà các em đang sinh sống. Vì vậy, việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ cần tích cực đi vào thực tế hơn. Như thế mới đúng với tinh thần ý nghĩa của việc dựng bia như người xưa đã nói: “Dẫn việc dĩ vãng, dẫn lối tương lai, vừa để rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu, vừa để củng cố mệnh mạch cho nhà nước” (Hiền tài là nguyên khí quốc gia, Thân Nhân Trung).

“Các di tích lịch sử ở Đà Nẵng nói chung, quận Liên Chiểu nói riêng được trùng tu, tôn tạo thời gian qua đã được chú ý, nay thành phố đang khẩn trương triển khai thực hiện công tác này. Cùng với đó, nhiều văn bia được xây dựng bằng nhiều chất liệu như đá, đồng… đã góp phần lưu giữ lịch sử và giáo dục truyền thống địa phương cho thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, khi năm tháng trôi qua, một số công trình lịch sử địa phương và ngành bị xuống cấp về vật thể và chưa chuẩn xác về mặt lịch sử. Bởi lẽ, nhân chứng cung cấp thông tin hầu hết đã tuổi cao, sức yếu, trí nhớ không còn minh mẫn nên tên người, tên đất và sự kiện lịch sử do họ cung cấp đôi lúc chưa chính xác.

Đề nghị làm tốt việc ghi chép lịch sử, nghiên cứu để tiếp tục xây dựng văn bia truyền thống nhằm qua đó giáo dục, phát huy truyền thống, góp phần xây dựng một Đà Nẵng văn minh, hiện đại và bền vững”.

Bùi Xuân, Nhà nghiên cứu lịch sử, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng

THÀNH LÊ – NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.
.