“Cuộc Cách mạng Tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền Dân chủ Cộng hòa. Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới. Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ.
Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại” (Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946).
Đoàn người biểu tình ngày 19-8-1945 trước cửa Phủ Khâm Sai, Hà Nội. (Ảnh tư liệu) |
Thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta
“Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lập nên chính thể Dân chủ Cộng hòa là một thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta”. Đó là khẳng định của Hồ Chí Minh trong bức thư gửi cho các đồng chí tỉnh nhà sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công.
Đó cũng là tư tưởng lớn trong Tuyên ngôn Độc lập khi Người chỉ ra rằng dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.
Cộng hòa là một chính thể trong đó chủ quyền không thuộc về vua chúa mà thuộc về nhân dân. Dân chủ là chế độ chính trị trong đó quyền quản lý Nhà nước do nhân dân nắm giữ. Hiểu như vậy để nhận thức sâu sắc rằng, thành công của Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa to tát.
Ý nghĩa đó là trong một thời gian rất ngắn, chúng ta đã phá tan chế độ quân chủ chuyên chế mấy ngàn năm, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, giành lại quyền tự do và độc lập cho đất nước, dân chủ cho nhân dân.
Không phải ngẫu nhiên mà những từ “tự do, độc lập” được Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Tuyên ngôn Độc lập. Bởi vì, đó là một giá trị văn hóa. Và cũng dễ hiểu vì sao, chỉ một ngày sau Tuyên ngôn Độc lập, khi bàn về các nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trên cương vị đứng đầu Hội đồng Chính phủ, Hồ Chí Minh đã chọn 6 vấn đề trình bày với các bộ trưởng, trong đó vấn đề thứ ba liên quan đến Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để có Quốc hội, có Hiến pháp, dẫn tới điều cực kỳ quan trọng là nhân dân sẽ được hưởng quyền tự do, dân chủ. Đây là điều có giá trị nhất, thành quả lớn nhất của cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Vì ý nghĩa to lớn của giá trị Dân chủ Cộng hòa, nên chỉ 4 tháng sau ngày độc lập, mặc dù bộn bề khó khăn do thù trong, giặc ngoài gây ra, nhưng cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành và thành công tốt đẹp. Đây là cuộc phổ thông đầu phiếu được tổ chức nhanh nhất, diễn ra sớm nhất, một kỷ lục chưa quốc gia nào đạt được kể từ sau khi nền thống trị thực dân bị đánh đổ, đưa lực lượng chính trị của nhân dân lên cầm quyền.
Tổng tuyển cử chọn được 333 đại biểu trúng cử. Quốc hội họp phiên đầu tiên ngày 2-3-1946, bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Đây là Chính phủ hợp hiến đầu tiên do đại biểu của nhân dân bầu ra, có đầy đủ tư cách và hiệu lực trong việc giải quyết mọi vấn đề nội trị và ngoại giao của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo Hồ Chí Minh, với một chế độ Cộng hòa Dân chủ thì Chính phủ phải là công bộc của dân. Các công việc của Chính phủ phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ mấy, cũng phải làm. Việc gì có hại cho dân, dù nhỏ mấy, cũng phải tránh.
Ngay sau khi sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh kiên trì xây dựng nền dân chủ và một Nhà nước thật sự dân chủ-Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Mối quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh là làm cho mọi người dân hiểu nhà nước mới, chế độ mới khác nhà nước cũ, chế độ cũ ở điều quan trọng nhất là nhân dân từ thân phận nô lệ bước lên địa vị làm chủ, cán bộ là đày tớ của dân, phục vụ dân. Dân chủ được Người giải thích ngắn gọn, súc tích là dân làm chủ và dân là chủ.
Khi người dân chưa hiểu dân chủ là gì thì không thể thực hành được dân chủ. Phải làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Hiểu dân chủ tức là nhân dân có quyền lợi làm chủ và phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân.
Nước dân chủ, chế độ dân chủ thì bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, công việc đổi mới là trách nhiệm của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.
Trong nước dân chủ thì địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, dân là mạnh nhất. Làm rõ nội hàm của Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì, Hồ Chí Minh viết: “Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc nước ngày nay không phải để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.60).
Chế độ dân chủ - nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, chế độ đó phải phòng và chống những người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, quan liêu, cách xa dân chúng, độc hành độc đoán, đục khoét, ăn của đút, dĩ công vi tư…
Nếu không ngăn chặn, đẩy lùi được các bệnh đó thì dân oán Chính phủ và Đảng. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại. Chính trị ở đây ta hiểu là lòng dân.
Sức mạnh của nền dân chủ trong công cuộc đổi mới
Một trong những bài học quý giá khi bước vào đổi mới được Đảng ta xác định là phát huy sâu rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Cốt lõi của dân chủ xã hội chủ nghĩa là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, bao gồm lực lượng của cả cộng đồng và lực lượng của từng cá nhân. Sức mạnh này chỉ có thể có được khi họ được tổ chức chặt chẽ, được phát huy dân chủ hết cỡ. Làm cách mạng phải dựa vào dân, phát huy lực lượng của toàn dân-lực lượng vật chất, lực lượng tinh thần. Chung quy cách mạng là động viên con người để giải phóng và mang lại hạnh phúc cho con người.
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, dân chủ xã hội chủ nghĩa hiện nay phải được thực hiện trên 3 mặt gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau là: dân quyền, dân sinh, dân trí. Hồ Chí Minh đặc biệt chăm lo dân quyền.
Nền chính trị mà Người hướng tới và xây dựng là chính trị dân quyền. Người càng chăm lo dân sinh và rất chăm lo dân trí. Trong suốt quá trình cách mạng, Người quyết tâm và động viên toàn dân thực hiện: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Người dạy rằng, nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hiện nay phải rất quan tâm và coi trọng xây dựng một Nhà nước mà “mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”, tức là dân hưởng chứ không phải chỉ có dân làm; xây dựng một Chính phủ thật sự là công bộc của dân.
Phải nhận thức và thực hiện trong một Nhà nước dân chủ, dân chủ và pháp luật phải đi đôi với nhau. Pháp luật là bà đỡ của dân chủ, bảo đảm cho quyền tự do dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế và dân chủ phải được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật.
Không thể có dân chủ ngoài pháp luật. Xây dựng pháp luật, tăng cường một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm việc thực hiện quyền lực của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi của nhân dân lao động. Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Hồ Chí Minh: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân. Phải coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ liêm, chính, kiệm, cần, đề cao đạo đức chí công, vô tư, tẩy sạch bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí và thành thạo nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ hành chính, am hiểu pháp luật, thực hành tốt văn hóa ứng xử, văn hóa công bộc, đạo đức công vụ.
Các tệ nạn quan liêu, chuyên quyền, tham ô, nhũng lạm, lãng phí, đặc quyền đặc lợi là những thứ giặc rất nguy hiểm, làm hư hỏng cán bộ, phá vỡ kỷ luật, kỷ cương, có thể làm ruỗng nát chế độ dân chủ từ bên trong, kẻ thù của chế độ dân chủ. Theo tinh thần Hồ Chí Minh, không ai có thể bôi nhọ được chúng ta, ngoại trừ chúng ta tự bôi nhọ; không ai đánh đổ được chúng ta, ngoại trừ chúng ta tự đánh đổ bởi “giặc trong lòng”, “giặc nội xâm”.
Hiện nay, 4 nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại, trong đó đáng chú ý là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn ra phức tạp; khoảng cách giàu-nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức, đối phó, trang trí, dừng lại ở lời nói, nghị quyết; có cán bộ miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc theo lối “quan” chủ; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Việc cần làm hiện nay không thể chậm trễ, không nằm trên nghị quyết, như Đảng ta đã chỉ ra là phải tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, thật sự trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những nghị quyết liên quan đến lợi ích cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện.
Nhiều vấn đề phải được thể chế hóa, đặc biệt là thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ ở cơ sở. Điều quan trọng là phải thực hiện thường xuyên, liên tục, bảo đảm thực chất và hiệu quả. Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, gắn quyền với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội.
Cùng với thể chế hóa, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, còn phải chú ý phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Để phát huy, thực hiện đầy đủ dân chủ trong xã hội, trước hết và quan trọng bậc nhất là phải bảo đảm phát huy dân chủ trong Đảng là hạt nhân như Hồ Chí Minh dặn lại trong Di chúc rằng “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi”.
Thắng lợi lớn nhất của Cách mạng Tháng Tám là thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa và chính giá trị của nền dân chủ trở thành động lực giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước. Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta khẳng định dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.
Sự hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trong xã hội, trên tất cả các lĩnh vực, sẽ trở thành xung lực, sức mạnh vô biên trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước và dân tộc sải bước cùng thời đại, bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu.
BÙI QUÂN