Vị thế Việt Nam qua góc nhìn báo chí quốc tế

.

Ngày 2-9-1945, cách đây 73 năm, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ dấu mốc 73 năm nhìn lại, Việt Nam đang vững vàng, đồng tâm hiệp lực, quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới và có những bước đi tự tin để hội nhập với thế giới, từ đó giữ vững độc lập dân tộc.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.Ảnh: chinhphu.vn
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.Ảnh: chinhphu.vn

Trong chặng đường 73 năm qua, cùng với các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, dân tộc Việt Nam cùng nhau xây dựng nên hình ảnh một quốc gia độc lập ngày càng phát triển. Đặc biệt, qua hơn 30 năm đổi mới, sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên, tạo thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với những triển vọng tốt đẹp. Kinh tế- xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại…, tất cả “mặt trận” đều phát triển.

Điểm lại những thành quả của đất nước, các con số đã chỉ ra, trước Cách mạng Tháng Tám, từ chỗ cả nước chỉ có 200 xí nghiệp, với 90.000 công nhân, số sản phẩm công nghiệp đơn sơ, sản lượng ít ỏi, thì tính đến cuối năm 2017(1), tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động trên phạm vi cả nước ước tính là 561.064 doanh nghiệp, tăng 11,1% so với năm 2016.

Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2018(2), cả nước có 26.785 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 278.489 tỷ đồng, tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Nếu như năm 1986, Việt Nam mới có quan hệ buôn bán với 43 nước thì đến nay đã có quan hệ thương mại đầu tư với khoảng 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra, nếu tính từ dấu mốc Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, trên tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế… với hành trình hội nhập trên 20 năm, Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường hội nhập và phát triển.

Theo đó, Việt Nam là thành viên chính thức của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 300 tỷ USD, gấp khoảng 1,5 lần GDP; là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ…

Trong báo cáo vừa công bố mang tên “Triển vọng kinh tế thế giới”, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á khá lạc quan. Đối với Việt Nam, IMF dự báo nền kinh tế quốc gia sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay và duy trì mức 6,5% trong năm 2019.

Trong khi đó, tạp chí Forbes (Mỹ) khẳng định: “Việt Nam có thể trở thành con hổ thứ 5 ở châu Á”. Tác giả bài viết trên tạp chí này, GS. Salvatore Babones (Đại học Sydney) nhấn mạnh, tăng dự trữ ngoại hối là con đường đúng đắn đối với nền kinh tế hướng đến xuất khẩu như Việt Nam. “Đây không phải là một dự báo, mà là một khả năng. Tốc độ thay đổi ở châu Á diễn ra thần kỳ và Việt Nam đang dần trở thành một nước giữ nhịp cuộc chơi”, GS. Salvatore Babones đưa ra kết luận.

Chia sẻ với báo giới gần đây, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam có những đánh giá khách quan về tiến trình cải cách của Chính phủ đang đi đúng hướng và nhận định, Việt Nam đã có một năm thực sự thành công và đang là nền kinh tế mở cửa nhất thế giới.

“Tôi quan sát thấy, các hoạt động kinh tế được thúc đẩy toàn diện, với sự hỗ trợ của một số yếu tố tích cực cả trong và ngoài nước. Tăng trưởng GDP toàn cầu đạt vượt mức dự tính, khi hoạt động thương mại phục hồi và tình hình tài chính thuận lợi. Những yếu tố này chắc chắn đã giúp sức cho nền kinh tế Việt Nam-một nền kinh tế mở cửa nhất trên thế giới có được thành quả tốt hơn kỳ vọng”, ông Ousmane Dione khẳng định.

Vững bước trên con đường hội nhập

Với sự phát triển ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam, báo chí quốc tế cũng đưa khá nhiều thông tin. Báo điện tử finanzen.net của Đức hé lộ bí quyết giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bài báo viết rằng, trong thời gian từ tháng 8-2017 đến đầu năm 2018, thị trường chứng khoán Hà Nội đã tăng hơn 60%, đồng thời nhận định kết quả này đạt được nhờ Việt Nam tiếp tục mở rộng cửa cho các nhà đầu tư, mức tăng trưởng GDP và doanh số bán lẻ đều là ổn định, ngành du lịch đang phát triển và lạm phát đang ở mức thấp.

Trong khi đó, tạp chí Forbes của Mỹ nhận định, chính sách của Chính phủ Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, tư nhân hóa tài sản Nhà nước và tự do hóa thương mại vẫn là ổn định và có thể dự đoán.

Trong vòng 2 thập kỷ tới, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số vàng. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất gia tăng, 25% dân số nằm trong độ tuổi từ 10-24, độ tuổi trung bình là khoảng 30 tuổi. Những chính sách cải cách kinh tế và chính trị cũng giúp thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng, mức lạm phát cao trước đây đang được kiểm soát với tỷ lệ lạm phát trung bình trong năm 2018 là 3,5 – 3,8% và tỷ giá hối đoái ổn định trong những năm gần đây. Những yếu tố này tiếp tục chuyển đổi đất nước cũng như sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu là một trong những yếu tố chính thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh chóng. Việc đăng cai APEC vào tháng 11-2017 mang lại nhiều lợi ích cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy rằng, 73 năm, việc tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển khá nhanh với nhiều công trình hiện đại, tạo diện mạo mới cho đất nước. Những kết quả này đã trở thành hành trang cho dân tộc vững bước trên con đường hội nhập và phát triển hơn nữa.

ĐOÀN GIA HUY (tổng hợp)

(1) Báo cáo của Tổng cục Thống kê đưa ra tại cuộc họp báo công bố các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010 – 2016 vào ngày 6-2-2018 tại Hà Nội).

(2) Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam quý 1-2018 của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF).

;
.
.
.
.
.
.