Khi "tay mềm" khởi nghiệp

.

Không chỉ đảm việc nhà, những người phụ nữ hiện đại còn tham gia sôi nổi phong trào khởi nghiệp. Thông qua khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của những người phụ nữ được khơi dậy, đồng thời góp phần phát huy, khẳng định vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế, bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế.

Không khí mua - bán sôi nổi tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 do Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 2-10. Ảnh: M.H
Không khí mua - bán sôi nổi tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 do Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 2-10. Ảnh: M.H

Với niềm đam mê thú nhồi bông từ thuở nhỏ, chị Trần Thị Kim Thoa (Tổ trưởng Tổ liên kết (TLK) sản xuất thú nhồi bông phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) mong muốn sẽ làm ra những con thú nhồi bông xinh xắn, đáng yêu. Nên từ năm 16 tuổi, chị Thoa vừa học văn hóa, vừa theo dì ruột học nghề sản xuất thú nhồi bông để thỏa mãn đam mê và cũng để có thêm thu nhập.

“Qua các buổi sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ 13 Đông Hải, tôi biết được một số hội viên phụ nữ có tay nghề may vá nhưng do có con nhỏ nên chưa đi làm được. Bản thân tôi có kinh nghiệm, vừa nắm được thị hiếu của người tiêu dùng và cũng mong muốn tạo thu nhập cho các chị hội viên phụ nữ chưa có việc làm trong chi hội nên nghĩ đến ý tưởng tập hợp các chị để thành lập TLK sản xuất thú nhồi bông”, chị Thoa chia sẻ.

Được thành lập từ tháng 9-2017 với 5 thành viên, hiện nay TLK đã tăng lên 11 người. Phương châm của TLK là “lấy công làm lời” nên tổ đã tập hợp các chị có tay nghề, có kinh nghiệm và cả các chị chưa có tay nghề, chưa có kinh nghiệm nhưng có tâm huyết, cùng góp vốn mua nguyên liệu về gia công, sản xuất.

Để hoạt động của TLK ngày càng phát triển, chất lượng sản phẩm được nâng cao, Ban điều hành TLK đã có sự phân công công việc hợp lý cho từng chị em, trong đó: 2 chị ra rập; 3 chị cắt, trang trí và đóng gói; 4 chị may, 2 chị nhồi bông.

Thời gian đầu, do thiếu trang thiết bị, máy móc và kinh nghiệm trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nên TLK chỉ sản xuất được 50-100 con thú nhồi bông loại nhỏ, lớn/ngày và chủ yếu cung cấp cho các quầy ở chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), chợ An Cư (quận Sơn Trà).

Nhưng đến nay, TLK đã được Hội LHPN phường Hòa Hải tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội để vay với số vốn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn và Hội LHPN phường Hòa Hải cũng đã giới thiệu 1 thành viên trong tổ tham gia lớp tập huấn nội dung chuẩn bị kinh doanh, khởi nghiệp, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh do Hội LHPN thành phố tổ chức.

Nhờ vậy, TLK đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô, mua thêm máy móc, nguyên liệu và động viên các thành viên tập trung sản xuất, nâng cao tay nghề để sản phẩm ngày càng tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng.

Đến nay, mỗi ngày TLK sản xuất 300-400 con thú nhồi bông loại nhỏ, trên 200 con loại lớn. Doanh thu trung bình trên 10 triệu đồng/ngày, thu nhập cho chị em từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Hiện, TLK có thể giới thiệu sản phẩm và đưa hàng cho nhiều cửa hàng thú nhồi bông ở Đà Nẵng và vươn ra các vùng quê ở Điện Bàn, Thăng Bình (Quảng Nam), Quảng Ngãi…

Từng công tác tại Ban Phụ nữ Quân khu 5, sau khi nghỉ hưu (khoảng cuối năm 2016), chị Ngô Thị Bích Hạnh (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cũng quyết định khởi sự kinh doanh với mô hình kinh doanh hộ gia đình – cửa hàng ẩm thực online Bếp Mẹ Hạnh.

Chị Hạnh cho hay: “Vốn có đam mê về ẩm thực nên sau khi nghỉ hưu, tôi tự học làm thêm bánh sinh nhật từ đông sương, xôi hoa. Ban đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhưng nhận được sự động viên từ gia đình, bạn bè, từng bước tôi đã có sản phẩm vừa ý”.

Khi đã thuần phục cách làm, chị Hạnh bắt đầu tìm đến đồng nghiệp cũ, hàng xóm nhờ ủng hộ. Cứ kiên trì như vậy, sản phẩm bánh sinh nhật từ đông sương, xôi hoa của chị dần được mọi người đón nhận ngày càng nhiều hơn.

Hiện Bếp Mẹ Hạnh có các món chính: Bánh sinh nhật làm từ đông sương, rau câu 3D; các sản phẩm chế biến từ nếp và đậu xanh như: xôi hoa, xôi bọc gà chiên, xôi chiên phồng. Ngoài ra, chị còn nhận gói bánh chưng vào dịp Tết và làm các món ăn vặt, thức uống yêu thích của giới trẻ như: bắp xào tép, cơm cuộn, sữa chua uống, nha đam - hạt chia - đường phèn…

Đa phần các sản phẩm của Bếp Mẹ Hạnh sau khi khách đặt hàng mới chế biến và không dùng chất bảo quản, một số món ăn được đựng trong hộp giấy và lót lá chuối, các loại thức uống được đóng trong chai thủy tinh nên bảo đảm an toàn cho người dùng và góp phần làm sạch môi trường.

Chị Hạnh chia sẻ: “Tôi đã từng làm công tác phụ nữ nên tôi mong muốn Bếp Mẹ Hạnh sẽ là địa chỉ kết nối những chị em, các cháu gái có cùng sở thích”.

Chị hy vọng căn bếp nhỏ của chị sẽ có những nguyên liệu sạch được cung cấp từ những chị em chăn nuôi, trồng rau sạch; các chị có sẵn nghề thủ công sẽ làm cho bếp của chị các loại hộp giấy để đóng gói bánh và đựng các loại thức ăn; các cháu gái có đam mê thiết kế sẽ hỗ trợ chị phác thảo, tạo hình cho những chiếc bánh…

Từ sự kết nối ấy, các cơ sở nhỏ lẻ như chị sẽ tiêu thụ được sản phẩm của nhau, hỗ trợ nhau cùng vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống một cách bền vững.

Với chị, có thêm nguồn thu nhập cũng là mục tiêu để vươn tới, song lý do chính để chị gây dựng cửa hàng Bếp Mẹ Hạnh là được thỏa đam mê về nghệ thuật ẩm thực của bản thân, mong muốn góp một phần nhỏ để cùng cộng đồng gìn giữ nét tinh hoa trong ẩm thực truyền thống của người Việt Nam.

Với ý tưởng TLK sản xuất thú nhồi bông, chị Thoa đã đoạt giải nhất và chị Hạnh đoạt giải khuyến khích với ý tưởng Bếp Mẹ Hạnh trong phần thi Ý tưởng Khởi nghiệp tại Ngày hội Phụ nữ Khởi nghiệp năm 2018 do Hội LHPN thành phố tổ chức vào ngày 2-10 vừa qua.

Cùng với đó là giải nhì thuộc về chị Phan Thị Vinh (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) với ý tưởng Gà thả vườn Nhơn Phát, giải ba thuộc về chị Ngô Thị Mỹ Hạnh (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) với ý tưởng Nhóm làm sản phẩm du lịch và các giải khuyến khích khác: ý tưởng Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của chị Nguyễn Thị Vân (quận Liên Chiểu), ý tưởng Trồng cây cảnh và làm lồng chim của chị Nguyễn Thị Phi Phi (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), ý tưởng Bò Khô cô Yến của chị Tống Thị Quốc Ân (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu), ý tưởng Bánh tráng Bò bía Toàn Thịnh của chị Phạm Thị Hồng (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).

Trong phong trào khởi nghiệp chung của thành phố, phụ nữ Đà Nẵng đã và đang tham gia một cách tích cực, chủ động và hiệu quả.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025, nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết… do phụ nữ làm chủ tại các cơ sở Hội có cơ hội giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường, tiếp cận sản phẩm đến các tầng lớp hội viên phụ nữ trên địa bàn thành phố; từ giữa tháng 9-2018, từ thứ hai đến thứ sáu, Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố sử dụng 5 cửa hàng Sống xanh trên tuyến đường Phan Châu Trinh để làm điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm do phụ nữ sản xuất. Các mặt hàng tham gia trưng bày, giới thiệu và bán tại cửa hàng Sống xanh yêu cầu phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có chất lượng, uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.

Mai Hiền

;
.
.
.
.
.
.