Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về giải pháp xây dựng thành phố không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, bà Nguyễn Thị Thu Hà (ảnh), Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố khẳng định: Phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái (PN&TEG) là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và bền bỉ của Hội LHPN thành phố.
Trong đó, mỗi cán bộ Hội là một thành viên năng động, luôn đau đáu đề xuất các chương trình, giải pháp nhằm giảm thiểu bạo lực PN&TEG.
Trong nhiều năm qua, công tác phòng chống bạo lực PN&TEG đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể các cấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng quan tâm và đã có những giải pháp triển khai khá hiệu quả.
Tuy nhiên, khi quan niệm về bất bình đẳng giới, sự thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc bất chấp pháp luật vẫn tồn tại; sự thiếu kiểm soát hành vi do những áp lực trong cuộc sống gia đình; công tác quản lý của các cấp, các ngành liên quan vẫn còn hạn chế; chế tài xử phạt đối với những người gây ra bạo lực vẫn có những bất cập… thì bạo lực với PN&TEG vẫn còn là một thực trạng, cần sự nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của các tổ chức quốc tế về bảo vệ và trao quyền cho phụ nữ
* Những năm qua, Hội LHPN thành phố triển khai nhiều mô hình chống bạo lực PN&TEG. Theo bà, những mô hình nào đạt được sức lan tỏa nhất và kết quả đạt được như thế nào?
- Trên diện rộng, Hội LHPN các cấp đã phối hợp với chính quyền triển khai mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” tại tất cả khu dân cư để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; tổ chức các hội thi, diễn đàn về phòng chống bạo lực giới; tổ chức các sự kiện truyền thông nhân Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới…
Đặc biệt, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), những năm qua, Hội LHPN đã chủ động phối hợp với các địa phương, các ngành liên quan triển khai có hiệu quả một số mô hình như: Truyền thông phòng chống bạo lực giới trên hệ thống xe buýt, Câu lạc bộ (CLB) “Nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, xây dựng các phim ngắn, phóng sự chuyên đề để trình chiếu trong các cuộc hội thảo, tập huấn, sự kiện truyền thông…
Trong đó, mô hình tạo được sức lan tỏa nhất là CLB “Nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”. Một số địa phương làm tốt mô hình này có thể kể đến như phường Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam, Thạch Thang (quận Hải Châu), các xã Hòa Phong, Hòa Khương (huyện Hòa Vang)…
Theo nghiệm thu của chúng tôi, sau khi tham gia CLB, nhiều thành viên trong CLB đã áp dụng hành vi mang tính tôn trọng và bình đẳng khi tiếp xúc với phụ nữ, đặc biệt là với vợ. Hơn thế nữa, họ biết quan tâm hơn đến quan điểm và suy nghĩ của vợ, chia sẻ việc nhà và có thái độ bình đẳng hơn với phụ nữ nói chung.
* Theo thông tin từ Công an thành phố, từ năm 2012 đến năm 2017, lực lượng công an ghi nhận có 94 vụ xâm hại trẻ em. Chúng tôi chưa có con số thống kê về vấn đề bạo lực của chồng/vợ đối với bạn đời trên toàn thành phố. Theo bà, những khó khăn và thách thức lớn nhất để xóa bỏ bạo lực PN&TEG tại Đà Nẵng hiện nay là gì?
- Tổ chức UN Women nhận định rằng, một trong những khó khăn và thách thức lớn nhất để xóa bỏ bạo lực PN&TEG tại Việt Nam hiện nay là hệ thống những quan điểm và định kiến văn hóa-xã hội liên quan đến các khuôn mẫu về nam tính và nữ tính, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”.
Mặc dù ngày càng có nhiều sáng kiến nhằm đáp ứng nhu cầu của nạn nhân bạo lực PN&TEG nhưng vẫn chưa có nhiều chương trình phòng, chống bạo lực nhấn mạnh đến cách thức làm việc với nam giới và trẻ em trai nhằm thay đổi các chuẩn mực xã hội và giải quyết các hành vi nam tính mang tính bạo lực, tiêu cực và có hại. Ở Đà Nẵng cũng không ngoại lệ.
Gốc rễ của vấn đề nằm ở nhận thức “nam-nữ” trong gia đình, xã hội. Hiện nay, hoạt động can thiệp ở một số địa phương hiệu quả chưa cao.
Chẳng hạn, hoạt động hòa giải chủ yếu chỉ được tiến hành đối với những trường hợp bạo lực về thể chất đã rõ ràng; sự can thiệp của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của các đoàn thể, của cộng đồng còn bị động, chưa kịp thời, cho nên nhiều trường hợp khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì sự can thiệp, hỗ trợ đã quá muộn. Nhiều cán bộ có trách nhiệm chưa thực sự coi trọng công tác này; kiến thức, năng lực xử lý còn hạn chế…
Việc tinh giản biên chế theo chủ trương chung hiện nay là cần thiết, tuy nhiên, xét ở góc độ nhân sự chuyên trách để bảo đảm hiệu quả cho công tác này thì đây cũng là một thách thức. Mặt khác, dù đã có nhiều phụ nữ và trẻ em gái chủ động tố giác khi bị bạo lực, nhưng thực tế vẫn còn tình trạng giấu giếm, nhất là bạo lực giới trong gia đình.
Ở góc độ xử lý bằng pháp luật, thì như tôi đã chia sẻ ở trên, chế tài xử phạt đối với những người gây ra bạo lực vẫn có những bất cập cần được thay đổi, chẳng hạn hình thức xử phạt hành chính bằng tiền, nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; biện pháp cấm tiếp xúc (cách ly) nạn nhân và người gây ra bạo lực trong gia đình; mô hình nhà tạm lánh được pháp luật qui định, nhưng trên thực tế số lượng rất ít và điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí chưa bảo đảm cho hoạt động của mô hình này.
* Những gì Đà Nẵng làm được thời gian qua trong công tác phòng, chống bạo lực PN&TEG đã được bà chỉ ra, tuy vậy, hiệu quả của nó vẫn chưa thực sự rõ nét. Sắp tới, Hội có thêm chương trình, dự án gì không, thưa bà?
Chiến dịch truyền thông “Chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” trên các phương tiện xe buýt ở thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Q.T |
- Phòng, chống bạo lực PN&TEG đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành, đoàn thể liên quan. Những gì Đà Nẵng làm được thời gian qua có thể chưa định hình rõ nét, nhưng thật sự hiệu quả của nó đang dần len lỏi vào cộng đồng. Hội LHPN thành phố luôn xác định công tác phòng, chống bạo lực PN&TEG là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và cần sự bền bỉ, năng động của mỗi cán bộ Hội mới có thể góp phần giảm thiểu bạo lực.
Để có cơ sở dữ liệu và đề xuất các giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian đến, từ tháng 10-2018, Hội LHPN thành phố sẽ bắt tay vào việc triển khai Đề tài khoa học cấp thành phố “Giải pháp xây dựng thành phố an toàn - không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”; tiếp tục phối hợp với UN Women triển khai dự án “Huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” và tranh thủ các đối tác khác để triển khai công tác này.
Về sự kiện truyền thông nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức chương trình “Cà-phê sáng dành cho nam giới” để cùng nhau trao đổi, chia sẻ về vấn đề phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đây là lần đầu tiên chương trình này được tổ chức nhưng chúng tôi hy vọng sẽ là một hình thức có hiệu ứng tích cực, nâng cao nhận thức về vấn đề chúng ta đang quan tâm.
* Đầu tháng 6-2018, cuộc thi viết về “Bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” do Hội LHPN thành phố phối hợp với Báo Đà Nẵng tổ chức. Đây là lần đầu tiên cuộc thi này được triển khai, số lượng và chất lượng các bài dự thi ra sao, thưa bà?
- Trong công tác phòng ngừa/phòng chống bạo lực PN&TEG, thì tôi cho rằng công tác truyền thông là một giải pháp rất quan trọng bởi sự tác động sâu rộng, đa chiều đến nhận thức và chuyển đổi hành vi không chỉ với cộng đồng mà cả những người có trách nhiệm trong công tác quản lý về vấn đề này. Chính vì vậy, bên cạnh những cách làm như tôi vừa chia sẻ thì cuộc thi viết về “Bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” do Hội LHPN thành phố phối hợp Báo Đà Nẵng tổ chức là rất cần thiết.
Đến thời điểm này, đã có hơn 50 bài viết tham gia cuộc thi. Trong thời điểm nhiều ngành, nhiều cấp tổ chức các cuộc thi viết thì tôi cho đây là một kết quả khả quan, nhất là những bài viết chủ yếu đến từ các phóng viên chuyên nghiệp.
* Xin cảm ơn.
Theo thống kê của Hội LHPN thành phố, 34% phụ nữ từng kết hôn cho biết họ từng bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục, 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong 3 dạng: bạo lực về thể xác, tình dục, hoặc tinh thần ít nhất một lần trong đời. Hằng năm, có khoảng gần 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tại Đà Nẵng, từ năm 2012 đến 2017, có 21 vụ án/21 phụ nữ bị hiếp dâm và cưỡng dâm, 121 vụ trẻ em bị xâm hại. Trong năm 2016 và 2017, toàn thành phố có 4.200 vụ ly hôn, trong đó có đến 3.516 vụ xuất phát từ nguyên nhân mâu thuẫn gia đình, 63 vụ đánh đập và ngược đãi, 19 vụ do mâu thuẫn kinh tế. Riêng về bạo hành gia đình, từ 2009-2013 có đến 1.102 vụ, trong đó nạn nhân bị bạo lực gia đình là phụ nữ chiếm 1.064 vụ, chủ yếu là bạo lực thân thể. Trong 7 năm gần đây, trung bình mỗi năm xảy ra 160 vụ. |
Quỳnh Trang (thực hiện)