Trời mưa như cầm chỉnh đổ. Cái quán tạp hóa nhỏ bên con đường bê-tông độc đạo như một vòng cung vắt qua khu dân cư Hố Chình (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) vắng khách cà-phê buổi sáng, ngoài một người hàng xóm là chị Đinh Thị Nga - Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Phú Túc, và một khách phương xa duy nhất là... tôi.
Chị Trương Thị Kim Oanh, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ số 1, vừa “khai trương” quán ngay bên hông nhà mình, bán lẹt xẹt các loại mì tôm, mắm muối, bánh kẹo, nước giải khát... nói chung là các loại “nhu yếu phẩm” đối với đời sống bà con ở miền núi này.
Phụ nữ Cơ tu và phụ nữ người Kinh xã Hòa Bắc chan hòa trong trang phục dân tộc đồng bào Cơ tu. Ảnh: V.T.L |
Phú Túc hiện có 157 hộ, trong đó 2/3 là người Cơ tu. Tôi nhiều lần lên tác nghiệp ở vùng đất giáp ranh với huyện Đông Giang này, từ khi bà con Hố Chình còn sống dọc ven sông, sau cơn lũ dữ dằn năm 1999 mới chuyển lên đây.
Chị Đinh Thị Năm, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Phú Túc đã “nghỉ hưu”. Chị Nga (em con chú con bác với chị Năm) “kế nhiệm”, càng tỏ rõ vai trò của mình khi cuộc sống đương đại đòi hỏi nhiều hơn đối với một cán bộ phụ nữ ở cơ sở.
Nhìn ra trời mưa, chị Nga bảo thời tiết này thì không làm ăn chi được. Người quá tuổi lao động chủ yếu làm lúa nước với tổng diện tích chưa tới 1 hecta, mỗi năm chỉ làm một vụ đông xuân. Một số khác đi phát rừng, trồng keo tai tượng.
Tới mùa thu hoạch keo, làng trên xóm dưới rủ nhau đi chặt lấy ngọn cây đem về làm củi dùng hoặc bán lại. Người trong tuổi lao động phần lớn làm công nhân ở các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Điện tử Foster (Đà Nẵng) ở KCN Hòa Cầm, Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài ở phía trên nơi mình ở, số khác qua xã Hòa Ninh làm cho xưởng đông lạnh của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thanh Thảo (trụ sở đóng ở quận Thanh Khê),...
Thấy tôi chăm chú nhìn chiếc tủ lạnh mới cứng đặt ở góc quán, chị Oanh cười: “Ngạc nhiên quá phải không? Chừ một nửa số hộ trong thôn đã có tủ lạnh rồi anh. Miền núi nóng bức, có tủ lạnh hè đi làm về uống miếng nước cũng mát. Thực phẩm mua về để cả tuần không lo hư”.
Cuộc sống và cách sống của bà con Cơ tu ở Phú Túc đã khác xưa nhiều lắm. Chị Oanh cho biết, nhân viên y tế thôn tuyên truyền, mở lớp hướng dẫn phụ nữ tổ chức bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ em. Trước đây, khi đường sá từ Phú Túc xuống Trạm Y tế xã chỉ hơn 3km nhưng rất khó đi, bà con trong thôn lại chưa có nhiều xe máy như chừ, mỗi khi trái gió trở trời đau ốm là lên rừng bứt lá về chữa. Nay thì bệnh nặng hay nhẹ chi cũng ngồi lên xe, chạy cái vù là tới trạm y tế...
Gần nhà chị Oanh có vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiền còn giữ mấy phương thuốc dân gian dân tộc mình do gia đình truyền lại. Điều rất quý là con cái chị Hiền đều chăm học, trong đó người con đầu đang học đại học. Vợ chồng chị Mạc Thị Kiều có đến 2 con vào đại học, một đang học ở Huế, một đang học ở Đà Nẵng.
Hầu hết người Cơ tu Phú Túc thế hệ trước không được học hành tới nơi tới chốn. “Tui cũng rứa - chị Nga thực lòng - Mình ít học nên chỉ biết nhắc nhở con cái thôi, chứ làm răng mà có thể ép con cái học cái này không nên học cái kia theo ý muốn của mình”.
Xã Hòa Bắc hiện có 717 người Cơ tu sinh sống tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí. Theo bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, số phụ nữ của 2 thôn trong độ tuổi là 202 hội viên, trong đó có 8 chị đang dạy học tại các trường (giáo viên tiểu học: 5; y tế học đường: 1, giáo viên mầm non: 2) và 4 chị làm kỹ thuật viên xét nghiệm tại trạm y tế. Cô Trần Thị Bích Thu (thôn Tà Lang) nhiều năm liền đạt giáo viên giỏi cấp thành phố, ngoài việc dạy học, cô còn cùng gia đình phát triển kinh tế rừng trồng, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, gia đình hạnh phúc theo nếp sống văn minh, hiện đại…
UBND xã phối hợp với Hội LHPN xã tổ chức các hình thức tuyên truyền cho phụ nữ 2 thôn như: Thành lập CLB Dinh dưỡng, CLB Không sinh con thứ 3+, giúp nhau phát triển kinh tế,... Cả hai thôn có 20 chị biết dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ tu, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Cũng như phụ nữ Phú Túc, các chị Cơ tu ở Tà Lang, Giàn Bí có nhiều bài thuốc từ lá rừng chữa khỏi các bệnh như xương khớp, bệnh gout, đau bụng, chống mệt mỏi, đặc biệt là thuốc cho phụ nữ nhanh chóng khỏe mạnh sau sinh.
Vào các dịp lễ ăn thề kết nghĩa, mừng lúa mới,... bà con Cơ tu ở Hòa Vang múa Tung tung-Dza dzá, đánh cồng chiêng, hát lý... Đó cũng là dịp để bà con trổ tài “nữ công gia chánh” với các loại bánh trái, rượu, cá, ốc... được chế biến từ sản vật của địa phương.
Năm rồi, sau khi tham gia Liên hoan Văn hóa-Thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ tu năm 2017 do UBND huyện Hòa Vang tổ chức tại nhà gươl Phú Túc, bà con Cơ tu ở Hòa Phú và Hòa Bắc được đại diện cho thành phố Đà Nẵng tham gia ngày hội “Trình diễn cây nêu, giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam” tại Tây Giang trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 6 năm 2017.
Chị Đinh Thị Nga tham gia phần trình bày ẩm thực cho đoàn. Sở trường của chị là các món cá nướng, gà nướng, cơm lam,... độc đáo nhất là món heo rừng nướng ống tre, cho thịt mềm và thơm.
Bà con Cơ tu giờ đã biết cách tự tổ chức cuộc sống của chính mình, như khẳng định của chị Võ Thị Bình, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Phú: “Trước đây bà con còn ỷ lại, chỉ một số ít đi làm, còn hầu hết trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền, các hội đoàn thể. Nay thì bà con không chỉ biết làm ăn mà còn khuyến khích con cái học tập, tham gia các hoạt động xã hội, nhất là biết gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
“Gần đây số con em người Cơ tu ở Hòa Bắc vào đại học, cao đẳng, trung cấp tăng nhiều so với trước. Từ năm 2016 đến nay, có hơn 20 em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Năm 2018, em Phan Thị Thu (thôn Giàn Bí) đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Sở dĩ có sự đổi thay tích cực này vì nhận thức của đồng bào Cơ tu đã khác xưa, bà con mong muốn con em mình có được cái chữ. Bên cạnh đó, sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp là một động lực giúp con em đồng bào được như ngày hôm nay”. Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà |
VĂN THÀNH LÊ