Tiếng vọng Thành cổ Quảng Trị

.

LTS: 81 ngày đêm năm 1972 (28-6 đến 16-9) cuộc chiến đấu bảo vệ Thị xã - Thành cổ Quảng Trị của các đơn vị chủ lực và quân dân Quảng Trị là khúc tráng ca bi hùng đầy máu và hoa. Chúng tôi, những người con của quê hương đất Quảng tuổi đời mười tám, đôi mươi được góp phần mình vào những thời khắc lịch sử hào hùng đó…

Thiếu tướng Trần Minh Hùng (thứ ba từ trái sang) chuyện trò cùng đồng đội trong dịp trở lại thăm Thành cổ Quảng Trị năm 2015.
Thiếu tướng Trần Minh Hùng (thứ ba từ trái sang) chuyện trò cùng đồng đội trong dịp trở lại thăm Thành cổ Quảng Trị năm 2015.

Nhân Đại hội lần thứ 2 Hội Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972 tại Đà Nẵng, Đà Nẵng cuối tuần giới thiệu bài viết của Thiếu tướng Trần Minh Hùng về cuộc chiến đấu anh dũng này.

Bến Vượt bắc Thành cổ

Giữa lúc cuộc phản công “Lam Sơn 72” của địch bắt đầu, chúng chuẩn bị hỏa lực bằng pháo binh của quân đoàn 1 ngụy và hàng trăm máy bay chiến thuật, máy bay chiến lược B-52, hàng chục tàu chiến của hải quân và không quân Hoa Kỳ, bắn phá ác liệt vào các trận địa pháo binh và phòng không, khu vực đứng chân của các đơn vị từ bắc sông Mỹ Chánh trở ra, nhất là khu vực thị xã Quảng Trị từ ngày 26 đến ngày 28-6-1972. Thời điểm này, quân chủ lực của ta chuyển sang củng cố thế trận “phòng ngự”, “chốt giữ” bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ Thị xã-Thành cổ Quảng Trị. Địch ra sức lấn chiếm kết hợp với phản kích “tái chiếm” vùng giải phóng, mục tiêu chủ yếu là khu vực Thành cổ. Cuộc chiến đấu trở nên vô cùng gay go và quyết liệt.

Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn Pháo phòng không 37mm đang bố trí khu vực Ái Tử - Nhan Biều, tây sông Thạch Hãn, nhận lệnh sẵn sàng chi viện cho các lực lượng trong thị xã. Trong khi các đơn vị phía trước đang thiếu lương thực, đạn dược, tuyến vận chuyển tiếp tế hậu cần của Mặt trận bị địch liên tục chặn đánh gây cho ta nhiều khó khăn, kinh nghiệm tác chiến phòng ngự và phương thức bảo đảm hậu cần còn ít. Trước tình hình đó, Trung đoàn khẩn trương tổ chức Sở chỉ huy bến Vượt tại Nhan Biều do đồng chí Hoàng Trọng Nam-Tham mưu phó làm chỉ huy trưởng, đồng chí Quang-Phó Chủ nhiệm Hậu cần làm chỉ huy phó, cùng một số cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần tham gia giúp việc.

Tôi được chỉ định đảm nhiệm trợ lý 1 Tác huấn, lên phương án thiết lập sở chỉ huy, bến Vượt, khu vực kho trạm,… hiệp đồng với địa phương sử dụng du kích dẫn đường, bảo vệ làm công tác bảo đảm cho Sở chỉ huy. Sau hai ngày đêm nghiên cứu, kế hoạch được Chỉ huy trưởng thông qua, Tham mưu trưởng Trung đoàn phê chuẩn.

Giai đoạn này, Thành cổ Quảng Trị như đứng giữa tiêu điểm của một vùng bão lửa mà kẻ thù điên cuồng dội xuống với khối lượng tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima ở Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai năm 1945.

Song, các chiến sĩ của ta vẫn kiên cường trụ vững, dẫu cho tổn thất, thương vong, có tiểu đoàn chỉ chưa đầy một tháng từ 400-500 tay súng mà chỉ còn lại 40-50 người. Đau thương mất mát quá lớn với lực lượng phía trước.

Bên bờ bắc sông Thạch Hãn, ngày nào B-52 cũng thả bom rải thảm, cùng với pháo bầy, pháo chụp. Chúng tôi với phương tiện vận chuyển là bè mảng của thân cây chuối, tre, nứa ghép lại; phao bơi ni-lông; xuồng cao su… ngày đêm bám bến để đưa từng chuyến hàng, lương thực, thực phẩm, vũ khí trang bị, đạn dược, thuốc men qua sông Thạch Hãn.

Sau 10 ngày chiến đấu, với hơn 20.000 quân tinh nhuệ của ngụy và hàng vạn tấn bom đạn của Mỹ, địch dồn sức tiến công nhưng cuộc hành quân “Lam Sơn 72” không đạt kết quả. Mỹ và ngụy lúng túng, nhưng vẫn thúc quân lính bằng mọi giá phải cắm cờ lên Thành cổ trước ngày 17-7-1972, tức trước ngày có cuộc gặp giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ ở Hội nghị Paris sau nhiều tháng gián đoạn.

Đối diện bờ nam sông Thạch Hãn, mật độ hỏa lực địch ngày đêm liên tục đánh phá ác liệt hơn bao giờ hết. Song chúng tôi vẫn không rời xa bến, quyết vượt qua nghiệt ngã vì mọi hành động chỉ diễn ra vào ban đêm hoặc có sương mù để  hạn chế tầm nhìn của địch từ máy bay và pháo hạm. Còn ban ngày, khi thời tiết tốt, quân ta phải ém mình chờ đợi; hễ địch sơ hở, là chớp lấy thời cơ tiến về phía trước. Cứ như vậy, hết ngày đêm này đến ngày đêm khác, mỗi chuyến hàng thấm đẫm mồ hôi và xương máu của đồng đội đã ngã xuống… Công binh, vận tải, bộ đội, du kích và nhân dân còn bám trụ vẫn hiên ngang vượt qua rào lửa của quân thù.

Tối 20-7-1972, như thường lệ, khi mọi dấu vết tại bến Vượt đã ngụy trang xong, bộ đội và các lực lượng tham gia vận chuyển hàng cũng về nơi trú ẩn. Tôi và anh Quang đi kiểm tra khu vực tiếp nhận hàng do Mặt trận chuyển xuống bằng ô-tô từ hướng Phượng Hoàng-Đá Đứng đến bắc cầu Sắt. Đồng hồ vừa chỉ 20 giờ, hai chúng tôi vừa đến đầu cầu Sắt phía tây bắc Thị xã Quảng Trị để hướng dẫn xe vào khu vực giao hàng, bỗng từ hướng đông có tiếng động cơ máy bay C-130 thả trái pháo sáng rực cả khúc sông Thạch Hãn, rồi máy bay tiêm kích lao xuống ném bom chặn đầu đoàn xe, lửa cháy ngút trời, tiếng kêu xao xác, đất đá văng tứ tung. Tôi ra lệnh cho mọi người phân tán tránh pháo, bom địch rồi vội nhảy xuống công sự bên đường ẩn nấp, cùng lúc anh Quang đè lên người tôi. Một mảnh bom oan nghiệt găm thẳng vào lưng anh, tôi gượng dậy băng bó cho anh nhưng vết thương quá nặng, anh ra đi mãi mãi. Cả đêm hôm đó, chúng tôi cứu chữa thương binh, mai táng chiến sĩ hy sinh và xóa dấu vết, ngụy trang xong hiện trường thì trời cũng vừa sáng.

Tôi ngồi trong hầm chỉ huy tổng hợp tình hình đêm qua báo cáo lên Trung đoàn. Bỗng căn hầm rung lên, mảnh đạn và đất đá bay xào xạc. Địch pháo kích vào xung quanh khu vực Sở chỉ huy. Lần đó, chúng tôi mất thêm vài du kích…  

Trong Thành cổ

Từ ngày 14 đến ngày 27-7-1972, Lữ đoàn dù 2 của địch bị thiệt hại nặng. Mỹ - ngụy thúc ép sư đoàn lính thủy đánh bộ vào thay thế. Những ngày này chúng tập trung chi viện hỏa lực với mức độ chưa từng có. Thành cổ Quảng Trị trung bình mỗi ngày bị chúng bắn từ 8.000-15.000 viên đạn pháo, ngày cao nhất đến 30.000 viên. Máy bay tiên kích bom từ 40 đến 60 lần/chiếc, phun chất độc hóa học và thả bom khoan, bom hơi để phá tường thành, đánh sập hào, công sự của bộ đội ta. Số phi vụ B-52 mỗi ngày từ 30-40 lần/chiếc lên 60-70 lần/chiếc để chặn các hướng vào Thành cổ.
Để tăng cường cho Sở chỉ huy (tại dinh Tỉnh trưởng ngụy cũ), đêm 23-7, tôi được lệnh cùng vượt sông với đồng chí Vũ Quang Thọ, Phó Chính ủy Trung đoàn 95. Đã một thời canh giữ bến Vượt bờ bắc sông Thạch Hãn, mọi hoạt động quy luật của địch và đường đi, khu vực tác chiến tôi đã nắm chắc. Như “kình ngư”, ba chúng tôi (anh Thọ, chiến sĩ công vụ và tôi) nhằm hướng dinh tỉnh trưởng với bao gói ni-lông trên lưng ngụp lặn một mạch, vừa bám bờ nam sông thì loạt pháo cầm canh rơi xuống lòng sông, pháo sáng vụt lên, bầu trời và dòng sông xanh, đỏ, trắng ảo ảnh…

Mới chân ướt, chân ráo vào Thành cổ, ngay trong đêm, tôi đã phải thông qua kế hoạch tác chiến bổ sung với chủ trương đánh địch cải tạo thế trận phòng ngự Thị xã Quảng Trị để các tiểu đoàn tung trinh sát bám nắm, tổ chức tập kích bằng hỏa lực và phân đội nhỏ đánh vào quân địch, đồng thời đẩy mạnh phản kích không cho địch thực hiện kế hoạch “tái chiếm” Quảng Trị như dự kiến.

Mỹ - ngụy tập trung pháo và máy bay rải thảm bom đạn vào Thị xã Quảng Trị. Vượt lên bom đạn và mất mát hy sinh, các tiểu đoàn của Trung đoàn 95 cùng các đơn vị bạn chiến đấu kiên cường “còn người, còn trận địa”, dù cho quân thù đông, hỏa lực mạnh nhưng địch không thể lấn chiếm từng ngõ phố, thôn xóm,… mà còn bị các lực lượng bảo vệ Thành cổ đánh cho tơi tả.

Những ngày giữa tháng 8 và đầu tháng 9-1972, có một trận lũ lớn, nước từ thượng nguồn các sông Vĩnh Định, sông Nhùng, sông Thạch Hãn dâng cao, chảy cuồn cuộn. Nước tràn vào thị xã, ngập hết công sự, hầm hào, nấu cơm cháo phải kê vỏ hòm đạn. Cái khó nhất là hàng trăm liệt sĩ, thương binh chưa đưa qua được bờ bắc sông Thạch Hãn; lương thực, thực phẩm chỉ tính từng ngày; vũ khí đạn dược thiếu; quân số còn quá ít, có tiểu đoàn chỉ còn 30-50 người, đại đội chỉ còn trên dưới 10 tay súng. Đi giữa bốn bề nước, bùn và máu của đồng đội hòa lẫn nước sông đang dâng trào vào thị xã, tôi lại nhớ câu thơ của Tố Hữu: “Năm mươi sáu ngày đêm/ Khoét núi ngủ hầm/ Mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/Gan không núng chí không sờn…”. Vậy mà từ ngày 20 đến ngày 30-8-1972 trên toàn bộ Quảng Trị, quân ta đã tiêu diệt 26.400 tên và bắt sống hàng trăm tên địch, phá hủy 250 khẩu pháo, bắn cháy và phá hủy 200 xe tăng, xe thiết giáp và xe quân sự, bắn rơi 200 máy bay (1)… Trung đoàn 95 và các đơn vị bạn được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khen ngợi: “Bộ đội đã nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, chiến đấu cực kỳ anh dũng, đánh bại một bước quan trọng trong chiến lược chủ yếu của địch giành thắng lợi”. (2)

Khoảng 2 giờ sáng 16-9-1972, tôi nhận lệnh qua điện thoại: “Thông báo cho các tiểu đoàn cho bộ đội qua bờ bắc sông Thạch Hãn. Chúng tôi đón!” Giữa ngổn ngang thương binh, tử sĩ trong ngày, hơn 100 bộ đội bì bõm dưới bùn nước, ngoài bờ sông bom đạn mỗi lúc một dữ dội. Lòng rối như tơ vò, nhưng tôi cố bình tâm truyền đạt mệnh lệnh của trên cho các đơn vị.

Chúng tôi kiểm tra, thu dọn Sở Chỉ huy lần cuối, xóa dấu vết. Tôi bơi sau cùng đến giữa sông thì một loạt pháo chụp xuống đội hình; phao thủng, bộ đội kêu cứu, tôi động viên mọi người giữ thăng bằng xuồng cao su và bơi nhanh vào phía bờ bắc. Bỗng từ hướng đầu cầu Sắt thượng nguồn sông Thạch Hãn vọng xuống một giọng Quảng Nam quen quen. Tôi cố nghe và nhận ra đó là Thượng úy Nguyễn Đức Hiền-Chính trị viên Tiểu đoàn 4 (nay là Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân): “Hùng đó phải không, kéo tao với”. Tôi đáp: “Đừng la to, cứ bám chặt phao, thả xuôi sông, tôi sẽ đón…”. Giữa lúc cam go, tôi càng thấm sâu tình bạn hữu, nghĩa quê hương: “Chuyến đò nên nghĩa tương tri/ Tình sâu nghĩa nặng sá gì phong ba”.

5 giờ sáng 16-9-1972, các hướng bám được bờ bắc sông Thạch Hãn, dựa vào hào giao thông, công sự chiến đấu của thôn An Đôn, làng Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong. Riêng thương binh và Thượng úy Hiền lúc này sức khỏe đã yếu, tôi ưu tiên đưa vào lô cốt gần bờ sông để quân y chăm sóc. Từng đơn vị tổ chức đội hình hành quân về tây bắc sông Thạch Hãn, bổ sung quân số, củng cố lực lượng, bước vào bảo vệ vùng giải phóng từ Thượng Phước, cao điểm 52, Như Lệ, Tích Tường theo kế hoạch của Trung đoàn, Sư đoàn.

Từ sau ngày rời khỏi Thành cổ Quảng Trị, tôi được điều giữ chức Tiểu đoàn phó 1, rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Mặt trận B5, sau một thời gian củng cố bổ sung lực lượng làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu của Trung đoàn và tham gia thêm nhiều trận đánh khác. Song, 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vẫn là một kỷ niệm khó quên nhất trong đời lính.

Trần Minh Hùng (*)

(*) Thiếu tướng Trần Minh Hùng - Nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, Chủ tịch danh dự Hội Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
(1), (2) Trung đoàn 95 - Thiện Thuật (1945 - 1995) NXB QĐND - tr.128

;
.
.
.
.
.
.