Thử nghiệm công nghệ trong lĩnh vực nghệ thuật không có gì mới mẻ nhưng Quayola, một nghệ sĩ người Ý, đã sử dụng công nghệ khá hiện đại để tạo ra các phiên bản độc đáo từ bản gốc kiệt tác. Thay vì sử dụng dao, đục để gọt giũa tượng bằng tay, ông chỉ dùng người máy (robot) để làm ra các tác phẩm điêu khắc.
Robot tạc tượng. |
Robot này đã được ông lập trình với các thuật toán để tái tạo một số tác phẩm điêu khắc cổ điển nhất - hay đúng hơn, một phiên bản tuy không đầy đủ như bản gốc, nhưng độc đáo. Do đó, việc sử dụng phương pháp công nghệ của Quayola cho phép ông tạo ra các tác phẩm thông qua “một logic hoàn toàn khác - một cái nhìn bằng con mắt khác, sau đó góp phần khám phá tính thẩm mỹ mới”.
Quayola nói với The Independent: “Tôi bị mê hoặc bởi cách làm từ hệ thống và thuật toán của máy tính. Tôi quan tâm đến sự cân bằng giữa những cách nhìn khác nhau và sự cảm nhận thế giới xung quanh chúng ta. Công việc của tôi khám phá không gian giữa các ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau và cố gắng tìm một số điểm hài hòa ở giữa”.
Một tác phẩm điêu khắc thực hiện bằng robot hoàn chỉnh. |
Davide Quagliola, thường được gọi đơn giản là Quayola, một nghệ sĩ thị giác, người Ý. Sinh năm 1982, Quayola lớn lên ở Rome. Năm 2005, Quayola nhận bằng cử nhân của Trường Đại học Nghệ thuật ở London. Sự quan tâm của ông đối với nghệ thuật bắt đầu phát triển từ khi còn rất nhỏ. Anh trai của ông nghiên cứu kiến trúc. Qua các bản thiết kế của người anh trai, Quayola lần đầu tiên tiếp xúc với nghệ thuật.
Ông thường cố gắng sao chép các cấu trúc đó trên máy tính, hoặc đơn giản là vẽ chúng trên một mảnh giấy, và từ đó, niềm đam mê của anh ngày càng lớn hơn. Quayola luôn được truyền cảm hứng từ những bức tranh của Kandinsky - họa sĩ người Nga. Cũng giống như Kandinsky, Quayola đã phát triển hệ thống mối quan hệ riêng giữa âm thanh và âm nhạc. Vì vậy, tác phẩm của ông mang loại ngôn ngữ của riêng mình.
Tác phẩm thực hiện bằng robot. |
Strata (Giai cấp xã hội) là tên một chuỗi tác phẩm “nghe và nhìn” của Quayola. Năm 2011, Palais de Beaux Arts tổ chức triển lãm loạt tác phẩm này ở Lille - thủ phủ vùng Hauts-de-France, một trung tâm văn hóa ở miền Bắc nước Pháp, gần biên giới với Bỉ.
Chuỗi tác phẩm Strata này khám phá phần then chốt qua bộ sưu tập tranh vẽ Flemish, tập trung chủ yếu vào Rubens và Van Dyck. Đối với phần lớn của tác phẩm, Quayola đã cộng tác với nhiếp ảnh gia nổi tiếng James Medcraft. Strata # 2 khám phá khái niệm phổ quát về vẻ đẹp, có thể được tìm thấy cả trong nghệ thuật cổ điển và đương đại. Nó xuất hiện như là kết quả của việc phân tích chặt chẽ các số liệu, chiều sâu và màu sắc của các bức tranh.
“Biểu tượng” - tranh kỹ thuật số của Quayola. |
Quayola cộng tác khá thường xuyên với một vài nhạc sĩ và nhà thiết kế âm thanh, đặc biệt là cho Strata. Âm nhạc luôn xuất hiện sau khi video được trình chiếu. Quayola viếng thăm nhiều nhà thờ và viện bảo tàng ở Paris, nghe nhạc của Mira, cố gắng mang những hình ảnh mà anh ấy nhìn thấy trong cuộc sống đưa vào tác phẩm.
Ông không quan tâm đến những cuộc tranh luận xung quanh các tác phẩm được thực hiện kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ. Với cách thực hiện tác phẩm bằng robot - một “cộng tác viên tích cực”, có thể giúp Quayola từng bước khám phá các ngôn ngữ hình ảnh mới, và sau cùng là “những cách nhìn mới” đối với tác phẩm sao lại bản gốc vốn đã là kiệt tác.
Quayola nhận giải thưởng Golden Nica tại Ars Electronica, năm 2013. |
Quayola nói: “Ngày nay, không có ranh giới giữa âm nhạc, tiếng động, hình ảnh và kỹ thuật số… Đối với tôi, tất cả là vật liệu, là phương tiện, là một nền tảng hợp nhất rất thú vị để khám phá”. Tác phẩm của Quayola được trưng bày trên toàn thế giới.
Là người tiên phong về nghệ thuật kỹ thuật số, ông đã tham gia rất nhiều lễ hội và triển lãm, bao gồm cả Biennale Venice lần thứ 54 tại Viện Văn hóa Ý ở London; STRP ở Eindhoven; Onedotzero ở London; Sonar ở Barcelona; Elekra, Montreal, và nhiều nơi khác.
Năm 2013, ông nhận giải thưởng Golden Nica tại Ars Electronica.
H.Đ (Theo Independent)