Bên cạnh việc khám phá những điểm đến tại thành phố bên dòng sông Hàn thơ mộng, nhiều du khách rất muốn mua những đặc sản, món đồ lưu niệm làm quà tặng người thân, bạn bè hoặc đơn giản để lưu lại kỷ niệm về chuyến đi của chính mình.
Khách du lịch chọn mua quà lưu niệm tại chợ Hàn.Ảnh: T.T |
Khách nội địa mê đặc sản
Trung tâm đặc sản Đà Nẵng Hương Đà (đường Võ Văn Kiệt) - một trong những địa chỉ mua sắm đặc sản, quà lưu niệm được nhiều du khách lựa chọn trong vài năm trở lại đây, ngày cuối tuần dập dìu những đoàn khách du lịch vào ra.
Khách lẻ, khách đoàn đều được các nhân viên trung tâm tiếp đón, tư vấn mua hàng tận tình và theo quan sát của chúng tôi, sau khi rời trung tâm, mỗi vị khách đều lộ rõ vẻ mặt khá hài lòng với ít nhất 1 - 2 món đồ lưu niệm, hàng đặc sản vừa mua được.
Anh Ngô Phú Nhẫn, Quản lý tổng Trung tâm cho biết, Trung tâm chủ yếu kinh doanh các mặt hàng đặc sản miền Trung sản xuất ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, trong đó chủ yếu các món của Đà Nẵng như hải sản khô các loại, bánh kẹo, chả cá, chả bò, nem tré, mắm ruốc...
Du khách đến đây cũng khá yêu thích các món hàng lưu niệm từ đá mỹ nghệ Non Nước; trầm hương trang trí, đeo tay các loại; hàng thủ công từ mây tre, các loại túi vải thêu tay xinh xắn...
Cũng theo anh Nhẫn, khách đến từ các tỉnh phía Bắc có xu hướng thích mua các loại hải sản khô, bánh kẹo, các loại trà... làm quà; khách miền Nam rất ghiền nem, tré, chả bò... Trong khi đó, các vị khách quốc tế lại thích mua đồ lưu niệm, cà-phê, trái cây sấy...
Chị Nguyễn Trà My (một du khách đến từ Nam Định) chia sẻ đây là lần thứ hai chị trở lại Đà Nẵng và theo lời dặn của người thân, bạn bè nơi quê nhà, chị mua cả thùng trà sâm dứa (30 gói lớn), tay kia xách thùng mắm nêm.
“Trà sâm dứa Đà Nẵng ngọt mát, bổ dưỡng, gia đình tôi từ già đến trẻ ai cũng khoái, còn mắm nêm thì khỏi nói, ăn một lần là nhớ mãi, thèm mãi. Ngoài ra, hải sản khô ở đây cũng rất ngon”, chị My vui vẻ nói.
Tại siêu thị Quà Miền Trung, chị Kim Nhung (một du khách đến từ Quảng Trị) cho biết: “Năm ngoái tôi được một người bạn dẫn đến đây mua chả bò, nem tré, về làm quà Tết, ai cũng khen ngon, nguồn gốc được biết rất bảo đảm, nên giờ cứ đến đây mua thôi, khỏi lăn tăn suy nghĩ”.
Hỏi “bí kíp” lấy lòng tin từ du khách trong thời buổi hàng hóa rất dễ “tam sao thất bản” như hiện nay, anh Trần Anh Vinh, Tổng quản lý hệ thống siêu thị Quà Miền Trung chia sẻ rằng không gì ngoài nguyên tắc kinh doanh vàng, đó là sự minh bạch.
Đầu tiên là sự minh bạch nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Các sản phẩm đặc sản và lưu niệm ở đây trước khi được bày bán đều được đơn vị đến tận nơi sản xuất tìm hiểu, đặt hàng. Thứ hai, các sản phẩm được niêm yết giá rõ ràng không có kiểu “nhìn mặt đặt tên”, phân biệt khách nội, khách ngoại, “hét” giá...
Khách ngoại chuộng quà lưu niệm
Theo truyền tai của nhiều du khách, đến Đà Nẵng muốn mua quà lưu niệm nên đến Danang Souvenirs & Cafe (34 Bạch Đằng). Sản phẩm lưu niệm tại đây được bài trí gọn ghẽ, ấn tượng, chất lượng ổn định, thiết kế khá độc đáo, bắt mắt.
Ở đây, chào đón du khách mỗi ngày vẫn là những đồ vật trang trí, quả cầu tuyết, lịch để bàn, túi xách, móc chìa khóa, miếng dán tường... có in hình loài voọc chà vá chân nâu, núi Sơn Trà, đèo Hải Vân... và những hình ảnh về Đà Nẵng được trau chuốt từng chi tiết.
Dù nhiều cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm hàng đặc sản, đồ lưu niệm làm quà được hình thành khá bài bản trong những năm gần đây, song, chợ Hàn vẫn là lựa chọn của đông đảo khách du lịch khi đến với thành phố bên dòng sông Hàn.
Tại ngôi chợ du lịch này, quanh năm vẫn có một lượng khách ổn định đến tham quan, mua sắm. Vào tầng trệt chợ Hàn từ các cửa đều có thể thấy những thức quen thuộc như hải sản khô, mắm ruốc, đồ lưu niệm các loại được bày bán khá phong phú, bắt mắt.
Theo các tiểu thương, lượng khách ngoại ổn định nhất đến với chợ Hàn là những du khách đến từ Hàn Quốc. “Khách Hàn thường đi từ nhà thờ Chánh tòa ra rồi ghé chợ Hàn luôn. Có những tốp rất đông, lên đến cả trăm người. Khách Hàn thì chuộng các sản phẩm thủ công, thêu tay, đồ trang trí các loại”, chị Thanh Thảo, chủ một quầy hàng lưu niệm tại chợ Hàn cho biết.
Dạo quanh chợ, cửa hàng, siêu thị đặc sản - quà lưu niệm quanh thành phố có thể nhận thấy những mặt hàng lưu niệm phổ biến được bày bán vẫn là các sản phẩm làm từ tre, nứa, gỗ, sơn mài, thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí... Tuy nhiên, để thu hút du khách và tạo nét riêng, mỗi điểm bán thường chọn một vài mặt hàng lưu niệm chủ đạo.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh đặc sản, nhu cầu mua quà lưu niệm của du khách ngày càng lớn, nhưng mức độ đáp ứng của thị trường Đà Nẵng có phần hạn chế.
Khách quốc tế rất thích những mặt hàng thủ công đậm truyền thống nhưng số lượng cũng như chất lượng các sản phẩm này của Đà Nẵng còn ít, hình ảnh biểu trưng nghèo nàn. Chính điều này khiến đồ lưu niệm có phần khiêm tốn hơn so với hàng đặc sản tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm.
Tăng cường quảng bá, tìm đầu ra cho “quà Đà Nẵng”
Theo chia sẻ của chủ các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh quà đặc sản, lưu niệm phục vụ du khách đến Đà Nẵng, hiện nay sự gặp gỡ giữa hai bên cung-cầu chủ yếu là do sự giới thiệu từ các đơn vị kinh doanh du lịch thông qua các hướng dẫn viên, hoặc từ sự quảng bá, đầu tư kiểu “mạnh ai nấy làm” của các chủ cơ sở kinh doanh các mặt hàng lưu niệm.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, trong thời gian qua, tại các chương trình du lịch hoặc các sự kiện nổi bật của thành phố, Sở Du lịch cũng đã tổ chức không gian văn hóa cộng đồng tại Công viên Biển Đông hoặc khuôn viên đường Trần Hưng Đạo (cầu Rồng) trong đó mời các đơn vị sản xuất quà lưu niệm đến trưng bày và bán các sản phẩm lưu niệm này cho du khách. Đó cũng là một hình thức tổ chức bán hàng, quà lưu niệm tập trung.
Câu chuyện quà lưu niệm, quà đặc sản, phục vụ du khách là vấn đề được thành phố rất quan tâm. Tuy nhiên việc thiết kế, xây dựng sản phẩm quà lưu niệm không phải việc làm trong một sớm một chiều, cần có quy trình, cơ chế và có sự khảo sát để có thể tìm được sản phẩm đặc trưng của địa phương và phù hợp dành cho du khách.
Sản phẩm lưu niệm phải đáp ứng được thị hiếu của khách thì mới kích thích du khách mua sắm. Vì vậy, cần có sự nghiên cứu một cách khoa học mỗi đối tượng khách cần gì trên cơ sở của các làng nghề và tài nguyên của Đà Nẵng.
Trao đổi về giải pháp đối với câu chuyện quà đặc sản, quà lưu niệm, chị Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch cho biết, Trung tâm sẽ quảng bá các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng thông qua nhiều hình thức như đưa vào ấn phẩm, mang quà lưu niệm trưng bày tại các hội chợ, hội thảo du lịch trong và ngoài nước; làm video giới thiệu về các sản phẩm đặc trưng, chiếu trên các màn hình LED tại các nút giao thông trọng điểm của thành phố, trên xe bus công cộng, các xe du lịch; có danh sách niêm yết giá tại các cửa hàng bán sản phẩm lưu niệm, tránh hiện tượng chặt chém để tạo niềm tin và sự hài lòng khi mua hàng cho du khách. Khi du khách hài lòng sẽ giới thiệu với nhiều người xung quanh hơn nữa.
Vào mùa du lịch cao điểm hoặc tại các sự kiện du lịch nổi bật của thành phố, đơn vị tiếp tục tổ chức không gian văn hóa cộng đồng tại các điểm công cộng nơi có nhiều du khách qua lại với các gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm lưu niệm; làm quà tặng các đoàn famtrip, presstrip đến Đà Nẵng...
Thanh Tân