Sáng nay tôi lên sớm viếng Ngô Minh, bên linh cữu, chị Tâm-vợ anh sụt sùi: Không ngờ bài thơ cuối cùng anh Khôi đưa lên Facebook là bài Chiếc lá mùa đông. Tôi bảo bài ấy anh Minh đưa lên ngày 24-11-2018. Bài cuối cùng là Viếng thi sĩ Phạm Hầu, anh đưa lên Facebook sáng 27-11. Chị Tâm nói : Rứa à ? Tui có vô mạng mô, chỉ nghe anh em nói. Té ra là anh lên liền nhau hai bài đều là điềm báo mà không ai để ý .
Bài thơ cuối cùng của Ngô Minh đưa lên Facebook cũng là một kỷ niệm về tình bạn của tôi và anh. Từ khi tham gia công việc của Hội đồng tộc họ, thường những ngày cuối năm, sau khi lên dâng hương tiên tổ được vọng thờ ở nhà thờ họ Phạm làng An Ninh Hạ, phường Hương Long (TP Huế), chúng tôi lại lên chùa Vạn Phước - phường Trường An, viếng mộ học giả Phạm Quỳnh và thi sĩ Phạm Hầu. Một cụ quê Hải Dương, một cụ quê Quảng Nam, ở Huế không có con cháu nên Hội đồng họ Phạm tỉnh Thừa Thiên Huế tự nguyện lo công việc này.
Đầu năm 2014, áp Tết Giáp Ngọ, tôi rủ Ngô Minh và Mai Văn Hoan lên thắp hương cụ Phạm Quỳnh và thi sĩ Phạm Hầu. Gặp nhà thơ Lý Hoài Xuân vừa từ Quảng Bình vô Huế, Ngô Minh rủ đi luôn. Trưa hôm đó, mới ngủ dậy, mở email đã thấy Ngô Minh gửi bài thơ còn nóng sốt. Bài Trước mộ cụ Phạm Quỳnh. Ăn tết xong anh viết tiếp bài Viếng thi sĩ Phạm Hầu.
Bài thơ anh đưa lên Facebook giữa buổi sáng ngày 27-11, tôi có lời bình, Ngô Minh kịp xem và “Cám ơn Thanh Tùng đồng cảm”. Không ngờ vài giờ sau anh gặp sự cố. Và anh đã giã biệt trần thế lúc chập tối ngày 3-12-2018, khi nhiều việc ở phía trước đang còn dang dở, nhiều ý tưởng hay chưa kịp thực thi.
Bài Chiếc lá mùa đông và bài Viếng thi sĩ Phạm Hầu đều là những bài thơ rất hay, rất xúc động của Ngô Minh. Không chỉ là nhà thơ, Ngô Minh viết phê bình văn học cũng rất hay. Đặc biệt là cảm thụ thơ. Hôm viếng mộ Phạm Hầu, mới đọc hai câu đầu của bài Vọng Hải đài (khắc trên bia) Ngô Minh đã bật lên: Hay! Chỉ đọc hai câu này đã đủ biết đây là một tài thơ.
Bài cuối cùng Ngô Minh viết cho tôi là bài giới thiệu cuốn Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc lập-cuốn hồi ức của những người lính thuộc đại đội trinh sát Sư đoàn 341, do tôi chủ biên. Ngô Minh viết rất nhanh, chỉ trong vòng ba ngày là xong. Bài rất hay. Hay từ cái tít: “Xóm nhỏ Hà Tran trong lòng người ra trận”. Sách in xong vào trung tuần tháng 11, Ngô Minh là người đầu tiên được tặng. Vài ngày sau bài giới thiệu sách do Ngô Minh chấp bút được đăng trên Báo Quảng Bình và Báo Công an Đà Nẵng. Hôm lên nhà gặp Ngô Minh tặng sách với lời mời ngày 21, 22-12 ra Quảng Bình dự giao lưu với lính trinh sát Sư đoàn 341 nhân dịp 45 năm ngày chúng tôi trở lại Kiến Giang, Lệ Thủy, anh vui vẻ nhận lời. Thế mà cuộc hẹn không thành, và Ngô Minh đã lỡ một chuyến về quê tràn đầy tình cảm với những người lính, đồng đội năm xưa của anh.
Vĩnh biệt Ngô Minh. Xin chúc anh an giấc ngàn thu!
NGÔ MINH
Viếng thi sĩ Phạm Hầu Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận Góc nhân gian u hoài ai biết Huế, Xuân Giáp Ngọ, 2014 N.M |
Huế 5-12-2018
Thanh Tùng