Những năm qua, ngư dân Đà Nẵng tích cực vươn khơi, bám biển sản xuất, tạo ra giá trị kinh tế lớn, đóng góp vào sự phát triển của thành phố. Đây cũng là lực lượng nòng cốt tham gia cùng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Khi lòng dân hướng về chủ quyền biển đảo, sức mạnh của thế trận Biên phòng toàn dân được nhân lên. Ngư dân chính là chỗ dựa vững chắc cho BĐBP trong thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo của Tổ quốc. Ngư dân được ví như những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia trên biển, đảo.
Ngư dân Nguyễn Văn Hoàng (65 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) vui mừng với chuyến biển bội thu. Ảnh: Lam Phương |
“Cột mốc sống” trên biển
Những ngày này, cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) tấp nập tàu thuyền cập bến với đầy ắp hải sản. Không khí xuống cá, ra giá, đọc cân hòa cùng tiếng cười nói, tiếng máy tàu nổ vang rộn cả cảng. Cảng cá hoạt động từ lúc 2 giờ sáng cho đến hơn 12 giờ trưa vẫn chưa ngớt tàu ra vào. Tàu này xuống cá xong vừa đánh máy ra thì có tàu khác vào thế chỗ. Cảnh mua bán nhộn nhịp, trao đổi cả khu chợ.
Kết thúc chuyến biển kéo dài gần 1 tuần, ngư dân Nguyễn Văn Hoàng (65 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cùng 10 thuyền viên vào bờ với khoang đầy cá. Chuyến này ra khơi, tàu ông Hoàng khai thác được khoảng 6 tấn cá bò, cá hố. Mỗi ký cá bò cân ngang giá 80.000 đồng/kg, cá hố 70.000 đồng/kg, ông thu về hơn 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí xăng dầu, lương thực, đá lạnh, ông lãi hơn 300 triệu đồng.
“Tàu vào bờ bán cá và cho anh em nghỉ ngơi vài ngày là chúng tôi đi trở lại. Mỗi tháng tàu tôi đi từ 2-3 chuyến. Phải đi liên tục để vừa có thu nhập và vừa có người trên biển để tàu nước ngoài không xâm phạm”, vừa quệt mồ hôi, ông Hoàng vừa nói.
Hiện nay, ông Hoàng sở hữu 3 chiếc tàu lớn, mỗi chiếc công suất hơn 800CV. Trong chuyến biển vừa rồi, cùng lúc 2 tàu ĐNa 90758 TS và ĐNa 90919 TS ra khơi. Hai con tàu này ông vừa đóng cách đây vài năm, tổng giá trị gần 10 tỷ đồng. Như ông nói, 3 con tàu vừa là phương tiện kiếm sống, vừa là phương tiện để ông tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Ông Mai Đăng Nhiều (SN 1962, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) gắn bó gần 40 năm với nghề ngư. Trước đây, ông mua lại con tàu cũ số hiệu ĐNa 90029 TS và nâng cấp lên 700CV để vươn khơi bám biển dài ngày.
Với kinh nghiệm dày dặn và là Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường An Hải Bắc, nhiều lần ông kịp thời thông báo tình hình bất ổn trên biển về đất liền cho lực lượng BĐBP. Phường An Hải Bắc hiện có 35 tàu, công suất mỗi tàu trên 400CV. Trong mỗi chuyến ra khơi, các tàu đi theo tổ, đội để hỗ trợ nhau trong sản xuất và giúp đỡ khi tàu bạn có sự cố.
“Ngư dân chúng tôi là lực lượng thường xuyên có mặt trên biển, vừa làm kinh tế vừa đóng vai trò khẳng định chủ quyền biển, đảo quốc gia. Biển không có ngư dân giống như nhà không có cửa vậy. Ngư dân như cột mốc sống, con tàu với lá Quốc kỳ tung bay chính là ranh giới quốc gia rõ ràng nhất trên biển, đảo”, ông Nhiều tự hào nói.
Sợi dây liên lạc giữa biển, đảo với đất liền
Thành phố Đà Nẵng hiện có 583 tàu công suất trên 90CV, trong đó tàu trên 400CV chiếm 75%. Đây là lực lượng thường xuyên bám biển, là sợi dây thông tin liên lạc giữa biển, đảo và đất liền.
Để mối liên lạc giữa biển, đảo và đất liền luôn vững chắc, sự liên kết giữa ngư dân và lực lượng BĐBP là hết sức quan trọng. Qua hệ thống liên lạc, mọi thông tin, tình hình trên biển được ngư dân truyền tải đầy đủ về đất liền. Đều đặn mỗi ngày 2 lần vào 8 giờ và 15 giờ, tất cả các thuyền trưởng đồng loạt lên máy báo cáo tình hình về cho lực lượng biên phòng. Các thông tin về vị trí neo đậu, tình hình an ninh trật tự trên biển, các tàu nước ngoài trong khu vực,… là những dữ liệu quý giá hỗ trợ lực lượng BĐBP trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Mặt khác, khi nhận được yêu cầu giúp đỡ từ tàu thuyền có sự cố, lực lượng BĐBP có sự hỗ trợ kịp thời. Theo Thượng tá Đinh Quang Phòng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Lộc (quận Thanh Khê), để hỗ trợ tốt cho ngư dân, hằng năm, Đồn Biên phòng Phú Lộc phối hợp địa phương tổ chức nhiều đợt tập huấn cho ngư dân địa phương.
“Hiện nay, đồn giữ mối liên lạc thường xuyên với 25 tàu cá có công suất lớn. Đây là lực lượng thường xuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ngoài khơi của nước ta. Khi có bất cứ thông tin bất thường nào trên biển, ngư dân thông báo về Đồn Biên phòng Phú Lộc để kịp thời có phương án hỗ trợ”, Thượng tá Phòng nói.
Trong năm 2018, Đồn Biên phòng Phú Lộc liên lạc được 2.112 lượt phương tiện, nắm được 24 nguồn tin về tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền, tai nạn, cứu hộ cứu nạn. Quận Thanh Khê hiện có trung đội dân quân biển, được biên chế trên 4 tàu lớn. Khi có yêu cầu ứng cứu, các tàu đều cố gắng để hỗ trợ lẫn nhau.
Lực lượng dân quân biển thường xuyên được tập luyện các kỹ năng võ thuật, bắn súng, các kiến thức về hải đồ, hải lý,… để kịp thời ứng cứu khi có sự cố. Quận cũng thành lập 2 nghiệp đoàn nghề cá là Thanh Khê Đông và Xuân Hà, với 13 tổ, đội liên kết sản xuất trên biển, kịp thời hỗ trợ trong sản xuất.
Quận Sơn Trà hiện là quận có số ngư dân và số tàu nhiều nhất thành phố. Toàn quận có 6.770 ngư dân với 1.239 tàu, tổng công suất 255.038 CV, tập trung tại 4 phường biên giới biển là Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ và Nại Hiên Đông.
Đây là lực lượng chính thường xuyên có mặt trên biển, đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo của quốc gia. Trong năm 2018, Đồn Biên phòng Sơn Trà liên lạc hơn 6.500 lượt với các tàu cá, phục vụ tốt công tác bảo vệ chủ quyền biên giới biển.
Đồn cũng phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự quận duy trì thường xuyên hoạt động của Trung đội dân quân biển gồm 4 tàu/31 dân quân. Các tàu này đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền, sẵn sàng huy động tham gia đấu tranh trên biển khi có yêu cầu.
Đồn cũng đăng ký, quản lý 40 phương tiện sẵn sàng huy động tham gia bảo vệ chủ quyền. Đồn Biên phòng Sơn Trà thường xuyên liên lạc với các tàu đã đăng ký, nắm chắc vị trí neo đậu, hoạt động của phương tiện, sẵn sàng huy động tham gia đấu tranh khi có yêu cầu.
Bộ đội Biên phòng đồn Sơn Trà trò chuyện, động viên ngư dân trước khi ra khơi. Ảnh: Lam Phương |
Theo Trung tá Đinh Ngọc Anh, Phó Chủ nhiệm Chính trị, BĐBP thành phố Đà Nẵng, lực lượng ngư dân chính là những cột mốc sống, là nguồn cung cấp thông tin chủ lực cho BĐBP. Do đó, việc bảo đảm cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Bất cứ khi nào nhận được thông tin yêu cầu hỗ trợ từ ngư dân, lực lượng BĐBP luôn cố gắng hết mình để giúp đỡ ngư dân tốt nhất.
“Chính nhờ thông tin liên lạc giữa bờ và biển, giữa BĐBP với ngư dân giúp lực lượng biên phòng biết được sự việc trên biển để tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ có những quyết sách đưa lực lượng ra đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, Trung tá Đinh Ngọc Anh nói.
Ngoài tham gia hỗ trợ ngư dân trên biển, lực lượng biên phòng còn tích cực giúp đỡ nhân dân trong đời sống hằng ngày. “Khu dân cư văn hóa biển” Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) với nhà sinh hoạt cộng đồng “3 trong 1” hoạt động hơn 5 năm nay là một minh chứng điển hình.
Từ khi đưa vào hoạt động năm 2011 đến nay, đây là địa điểm có 3 chức năng “Nhà sinh hoạt cộng đồng, phòng tránh thiên tai và Trạm quân dân y kết hợp”. Mô hình là sự kết hợp giữa xây dựng khu dân cư văn hóa gắn với công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển.
Từ đây từng bước tạo dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân, trở thành người bạn tin cậy, sẵn sàng hỗ trợ người dân khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Với ngư dân, đây là “hậu phương” vững chắc để ngư dân yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển, đảo.
LAM PHƯƠNG