Nghị định số 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về hỗ trợ ngư dân đóng tàu có công suất lớn (có hiệu lực từ ngày 25-3-2018) với những thông tin bổ sung như ngư dân được chủ động vay tiền ở đâu, đóng tàu như thế nào, Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, chi phí mua sắm trang thiết bị… thực sự là một tín hiệu vui, giúp ngư dân có thêm động lực để yên tâm vươn khơi bám biển.
Chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá của Nhà nước đã bổ sung cho thành phố một đội tàu công suất lớn, hiện đại, có thể vươn khơi bám biển dài ngày. Ảnh: Ngọc Phú |
“Bà đỡ” của ngư dân
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2017, tổng số tàu cá trên địa bàn là 1.614 chiếc. Ngư trường khai thác chủ yếu là vùng biển Hoàng Sa, biển miền Trung và vịnh Bắc Bộ. Trước khi có những hỗ trợ về cho vay đóng tàu công suất lớn, ngư dân ở Đà Nẵng thường mua lại tàu cũ ở các nơi (có tàu đã qua sử dụng từ 15-20 năm) về sửa chữa, cải hoán. Việc sử dụng lại tàu cũ đem lại nhiều rủi ro, ngư dân không dám vươn khơi đánh bắt.
Ông Đồng Văn Đền (ngư dân phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho hay, năm đầu tiên khi Nghị định 67 ra đời (2014), ông là một trong những ngư dân đầu tiên của Đà Nẵng được hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu công suất lớn. Chiếc tàu 865 CV giúp ông vươn khơi nhiều ngày, năng suất lao động tăng lên rõ rệt. Cụ thể, mỗi bạn tàu thu nhập bình quân 350 triệu đồng/người/năm.
Riêng chủ tàu thì thu nhập từ 2-3 tỷ đồng/năm. Trước đó, ông cũng sở hữu 3 tàu nhưng công suất nhỏ, cũ kỹ, đi nhiều ngày mà năng suất không được bao nhiêu. Cực khổ quá ông bán lần, tưởng bỏ nghề luôn; đến khi được hỗ trợ đóng tàu mới, ông lại tiếp tục cùng con trai vươn khơi bám biển.
Anh Lê Văn Mai (ngư dân phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) vừa được thành phố hỗ trợ 800 triệu đồng đóng mới tàu vỏ thép công suất 925CV vào đầu năm 2018. Dù mới đưa vào sử dụng nhưng chỉ sau vài chuyến biển, anh rất lạc quan về năng suất mà tàu mang lại. “Tàu lớn, rộng rãi, ngư lưới cụ mang theo vô tư. Chỉ mới đi vài chuyến nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần tàu vỏ gỗ, bởi tàu vỏ thép chịu được sóng gió tốt, chạy nhanh hơn, bám biển được dài ngày hơn, chứa được nhiều cá, đá so với tàu gỗ”, anh Mai nói.
Bên cạnh nhiều mặt tích cực, Nghị định 67 cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc; như việc cho vay gặp nhiều khó khăn do ngư dân không chứng minh được kinh nghiệm nghề nghiệp, khả năng tài chính, khả năng quản lý khi chuyển đổi từ đánh bắt truyền thống sang đánh bắt hiện đại. Chưa kể, trong quá trình đóng tàu, ngư dân hay thay đổi thiết kế tàu, công suất máy, dự toán…
Thời gian từ khi lập dự toán đến khi thi công đóng tàu thường kéo dài dẫn đến giá nguyên vật liệu thay đổi, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm soát chi phí đóng tàu. Để tháo gỡ những vướng mắc đó, Nghị định 17 ra đời quy định chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên.
Cùng với đó, Nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Ngoài ra, Nhà nước sẽ hỗ trợ (hằng năm) 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên làm việc trên tàu và hỗ trợ (hằng năm) 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu.
Để giúp ngư dân yên tâm bám biển làm giàu, góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, ngoài việc tranh thủ các chính sách của Trung ương, Đà Nẵng còn có những chính sách riêng hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Đó là sự ra đời của Quyết định 47/2014/QĐ-UBND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, những tàu đóng mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 600CV được hỗ trợ 500 triệu đồng/tàu; tàu từ 600CV đến dưới 800CV hỗ trợ 600 triệu đồng/tàu; từ 800CV trở lên hỗ trợ 800 triệu đồng/tàu. Hỗ trợ 100% phí và lệ phí đăng ký, đăng kiểm, đăng ký kinh doanh cho chủ tàu cá. Tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, từ đầu năm đến nay, thành phố đã hỗ trợ đóng mới 27 tàu theo quyết định này.
Bên cạnh đó, thành phố đã xây dựng được 96 tổ khai thác hải sản với 622 tàu hoạt động khai thác trên 3 vùng biển; vùng khơi 59 tổ (283 tàu); vùng lộng 12 tổ (75 tàu); vùng bờ 25 tổ (264 tàu). Mô hình tổ đội sản xuất trên biển đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của ngư dân, góp phần bảo đảm an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động sản xuất trên biển, giúp cho ngành khai thác hải sản có nhiều chuyển biến tích cực.
Quan tâm đến hỗ trợ trang thiết bị hàng hải
Bà Ngô Thị Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-lâm-ngư thành phố cho hay, trong 5 năm thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đội tàu đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng đã lớn mạnh hơn cả về quy mô và chất lượng.
Đến thời điểm này, cơ cấu tàu như hiện tại là hợp lý. Do vậy, thành phố không có chủ trương khuyến khích đóng tàu công suất lớn nữa mà sẽ đi theo hướng nâng cao giá trị đánh bắt, nâng cao sản lượng và giá trị bảo quản sau thu hoạch.
Thời gian đến, trung tâm sẽ hỗ trợ ngư dân áp dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến như lắp đặt trên tàu các thiết bị làm lạnh, làm đá lụa, đá vảy; nâng cấp hầm bảo quản bằng chất liệu mút xốp PU, hầm ngâm hạ nhiệt thân cá… cho các tàu cá khai thác hải sản xa bờ; tổ chức đào tạo thuyền viên về kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, bảo trì tàu cá vỏ thép, vật liệu mới và kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau khai thác theo công nghệ mới…
Tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, trong năm 2018, địa phương đã thông báo và hỗ trợ ngư dân thực hiện các mô hình khuyến ngư do thành phố và quận hỗ trợ; cung cấp 3 hầm bảo quản sản phẩm, 5 máy định dạng kết hợp dò cá, 1 mô hình pin năng lượng mặt trời.
Đồng thời, cán bộ phụ trách thủy sản địa phương cũng phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố, Chi cục Thủy sản, Phòng Kinh tế quận, công ty bảo hiểm… tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến tuyên truyền các chủ trương, chính sách trong khai thác hải sản đến ngư dân.
Ông Mai Văn Đãi, cán bộ phụ trách thủy sản phường Nại Hiên Đông cho biết, chi phí mua sắm trang thiết bị trên tàu của ngư dân sẽ được thành phố hỗ trợ 50%. Trong đó, các thiết bị giúp nâng cao sản lượng, giảm thiểu sức lao động được chú trọng, như: máy bảo quản, hầm lạnh, hệ thống lạnh, máy tời thu câu, hệ thống đèn led, mô hình pin năng lượng mặt trời.
Ông Đãi cho rằng: “Đối với nghề khai thác hải sản xa bờ, chính sách hỗ trợ của thành phố là rất quan trọng. Sự hậu thuẫn của thành phố khiến ngư dân càng phải nâng cao trách nhiệm và làm mọi cách để sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước phát huy hiệu quả”.
QUỲNH TRANG