Không cần phải đến khi chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng” được phát động nhân Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, mà từ trước đó rất lâu, cư dân thành phố bên sông Hàn đã được biết đến với hình ảnh thân thiện, mến khách. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, sự thân thiện đó trở thành một lợi thế để người Đà Nẵng làm dịch vụ du lịch.
Nhân viên khách sạn đang hướng dẫn du khách. (Ảnh do Trung tâm Xúc tiến du lịch cung cấp) |
Mỗi người dân là một đại sứ
Mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Đích (trú đường Trần Bạch Đằng, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) đều dậy thật sớm phụ vợ bày biện hàng bún, mì Quảng ra trước hiên nhà để bán. Từ 7 giờ trở đi, khách du lịch trú các khách sạn lân cận sẽ dập dìu đi ăn. Khách vừa ra khỏi quán đã thấy ông nhặt từng cái giấy lau miệng bỏ vào sọt rác, sắp xếp lại bàn ghế cho ngay ngắn. Ông bảo, “cả thế giới tập trung về đây nên hàng quán lúc nào cũng phải sạch sẽ, tinh tươm”.
Khu vực nhà ông Đích ở rất gần với tuyến phố du lịch An Thượng, nơi có nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán cà phê, bar... và nhiều khách sạn. Đúng như ông nói là du khách các nơi đổ về đây. Theo khảo sát của UBND phường Mỹ An, khách lưu trú khu vực này chủ yếu đến từ châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc. Vào mùa cao điểm, số lượng khách lưu trú trung bình 1.488 khách/ngày, thấp điểm là 651 khách/ngày.
Ông Đích kể, gia đình ông chuyển đến khu vực này từ năm 2005. Khi đó, đây là khu vực tái định cư còn rất thưa người, tình hình trị an bất ổn. Dù khu dân cư nằm sát biển nhưng số lượng khách sạn, nhà nghỉ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bẵng đi vài năm, khi du lịch phát triển mạnh mẽ, ông bắt đầu thấy người ta đến đây mua đất xây khách sạn, rồi người địa phương thì xây nhà nghỉ, mở hàng quán buôn bán. Quán bún-mì Quảng bình dân của vợ chồng ông từ chỗ bán dăm bảy kg kiếm tiền chợ mỗi ngày, giờ bán đến 30 - 40kg. 2 vợ chồng già làm không xuể, ông thuê thêm hai người giúp việc. Rồi từ một người trầm lặng, ít nói, ông cởi mở, cười nhiều hơn.
Khách Tây đến quán ăn muốn chụp hình cùng, ông cũng sẵn sàng. Bà Thuận, vợ ông hóm hỉnh: “Nhờ suốt ngày tiếp xúc với khách Tây, Tàu mà ông ấy dễ tính hơn, nói năng nhỏ nhẹ hơn, lúc nào cũng cười chứ không cáu bẳn, cục tính như hồi xưa”.
Dẫu không qua một khóa huấn luyện làm du lịch nào, nhưng ông Đích giữ phương châm buôn bán như một “Đại sứ du lịch”: “Mỗi tô bún, mì Quảng có giá bình dân 25.000 đồng. Khách Tây hay ta cũng chỉ một giá đó. Không vì lấy thêm vài chục ngàn bạc mà ảnh hưởng đến công sức xây dựng hình ảnh thành phố của biết bao nhiêu con người!”.
Tương tự nhà ông Đích, nhà bà Ánh (trú đường Phạm Tu, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cũng thay đổi nếp sống từ khi khách du lịch các nơi tập trung về. Trước đây, bà Ánh chỉ mở một tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà, buổi sáng bán thêm dăm ly cà-phê; rồi thi thoảng có khách ghé lại mua chai nước giải khát, họ hỏi bà địa chỉ những tiệm giặt là. Nhận thấy nhu cầu của khách, bà bàn bạc với chồng và các con đầu tư 3 máy giặt chất lượng cao, nhận giặt hấp cho khách ở các khách sạn lân cận.
Con gái bà làm nhiệm vụ đăng tin quảng cáo trên mạng, nhận quần áo về. Bà chọn lựa bỏ giặt rồi xếp gọn gàng, ướp giấy thơm tho. Mỗi ngày nhận vài chục ký đồ giặt cũng đủ tiền chợ.
“Tôi dùng nước giặt và nước xả vải loại tốt nên quần áo rất thơm. Tôi vẫn giữ giá 20.000 đồng/kg cả mùa cao điểm lẫn thấp điểm chứ không nâng giá. Mình làm uy tín để khi người ta về sẽ có ấn tượng tốt với người Đà Nẵng. Biết đâu họ sẽ giới thiệu cho bà con, họ hàng nếu ghé Đà Nẵng du lịch thì đến chỗ cô Ánh giặt đồ”, bà cười nói.
Nhà chị Uyên Phương (đường Dương Đình Nghệ, quận Sơn Trà) bán nước giải khát. Mỗi ngày, chị Phương đều dành thời gian quét nhà, quét vỉa hè tuyệt không còn một cọng rác. Hai cái bàn nhựa con con để khách ngồi dừng chân cũng được lau sạch kin kít.
Chị Phương bảo, người dân sống trên con đường du lịch thì phải có lối sống văn minh. Ngày nào chị cũng sáng quét, tối quét, rác đổ đúng nơi quy định; không chỉ vì sạch sẽ cho nhà mình mà còn là bộ mặt của thành phố nữa.
Giữ gìn bản sắc
Sự phát triển của du lịch Đà Nẵng thời gian qua đã đem lại cơ hội đổi đời cho nhiều người dân sống nhờ vào du lịch. Theo đó, nhiều khu đất lên đời, trở thành “đất vàng”; người dân bán đất chuyển đi nơi khác sinh sống, dành đất cho phát triển du lịch. Điển hình như đường Hà Bổng (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) chỉ dài 500 mét nhưng có đến 50 khách sạn mọc lên.
Hay tuyến đường Trần Bạch Đằng chỉ còn 2 hộ dân địa phương đang sinh sống. Ông Hồ Sỹ Hoàng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “4 an” tuyến phố An Thượng cho rằng, tình trạng “dân đi, doanh nghiệp tới” là một xu thế phát triển tất yếu của địa phương chọn du lịch làm mũi nhọn phát triển.
Cách đây vài năm, khu vực An Thượng là khu tái định cư nên tập trung nhiều hộ nghèo. Có thời điểm, cả khu dân cư có đến 42 hộ nghèo. Hiện tại hộ nghèo đã được xóa sạch. Trong năm nay, theo tiêu chí về hộ nghèo mới thì chỉ còn 1 hộ. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng của địa phương.
Còn theo ông Đích, khi du lịch đến tất nhiên sẽ kéo theo những xáo trộn. Ví như người nước ngoài họ sinh hoạt ban đêm, ngủ ban ngày, còn dân ta thì ngược lại. Nhiều đêm ông mất ngủ cũng bởi tiếng cười nói, đi lại suốt đêm của họ. Nhưng điều họ đem đến cũng rất tuyệt vời. Đó là lối ứng xử văn minh, những nét văn hóa đặc sắc.
Khi khách đến nhà, mình sẽ niềm nở đón tiếp nhưng vẫn giữ gìn những nét quý của riêng mình. Để duy trì tình làng nghĩa xóm, nhiều năm nay, ông Đích và ông Hoàng cùng nhau duy trì tổ chức ngày hội đại đoàn kết (14-11 âm lịch) và tất niên (18 tháng Chạp). Trong 2 ngày này, người dân đã từng sống ở An Thượng các nơi sẽ về lại, cùng nhau ôn lại chuyện xưa, thắm tình làng nghĩa xóm.
Tính đến thời điểm hiện tại, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà có 74 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, 34 cơ sở cho thuê xe máy, 109 khách sạn, 42 nhà nghỉ, 26 homestay phục vụ du lịch. Với số dân trên địa bàn là 19.021 người dân, số lao động trực tiếp và gián tiếp làm việc phục vụ dịch vụ du lịch chiếm trên 60% dân số.
Ông Phan Thanh Thúy, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ cho rằng, phát triển du lịch một mặt làm cho đời sống người dân ngày càng được nâng cao thông qua thu nhập, thể hiện chất lượng sống và mức sống; tuy nhiên cũng đặt ra cho người dân và chính quyền địa phương những thách thức như: trình độ dân trí nói chung chưa đáp ứng được với cách làm du lịch hiện đại, một số bộ phận nhân dân vì điều kiện kinh tế gia đình đã chưa ý thức tốt về bảo đảm mỹ quan đô thị, lấn chiếm vỉa hè, bán hàng tự phát gây ảnh hưởng đến môi trường du lịch ở địa phương.
Nhận thức của một số cơ sở lưu trú về công tác đăng ký lưu trú chưa cao, còn tình trạng đối phó gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Thời gian tới, địa phương sẽ chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng, của nhân dân về tầm quan trọng của việc hiểu biết về bản sắc văn hóa địa phương trong làm du lịch, từ đó hình thành ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa một cách chủ động, tích cực và tự giác.
Còn ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn thì cho hay, du lịch của địa phương phát triển quá nhanh trong thời gian qua. Lĩnh vực này tạo sinh kế giúp thay đổi tích cực cho đời sống cư dân bản địa nhưng cũng gây ra nhiều xáo trộn, tác động mạnh mẽ vào lối sống và bản sắc văn hóa truyền thống. Do vậy, địa phương thường xuyên có những hoạt động gắn kết cộng đồng, tuyên truyền kịp thời để dung hòa giữa yếu tố phát triển với việc bảo tồn, gìn giữ nét đẹp trong văn hóa, lối sống của cư dân bản địa.
Quỳnh Trang