Âm vang làng đá Non Nước

.

Sự hấp dẫn của danh thắng Ngũ Hành Sơn giúp vực dậy làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước-một làng nghề tồn tại gần 400 năm ngay dưới chân Ngũ Hành Sơn, với giá trị sản xuất hằng năm đạt khoảng 700-800 tỷ đồng, thu nhập bình quân/lao động từ 5-6 triệu đồng /tháng.

Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu bên một tác phẩm tâm linh. Ảnh: Q.T
Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu bên một tác phẩm tâm linh. Ảnh: Q.T

Về làng đá Non Nước một ngày cuối năm, thanh âm ồn ã, đinh tai nhức óc ngày nào giờ lùi xa, nhường chỗ cho tiếng chào mời mua hàng, tiếng nói cười rộn ràng của du khách từ khắp nơi đổ về. Ông Ngạnh (88 tuổi, một người dân làng đá) cho biết, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe du lịch đưa du khách đến với làng đá mỹ nghệ Non Nước.

Sau khi tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn, du khách sẽ ghé đến các quầy bán hàng đá lưu niệm để mua về làm quà. Hầu hết du khách đều ấn tượng với những tác phẩm điêu khắc nhỏ gọn, sắc sảo, bóng mịn của lớp đá cẩm thạch những sản phẩm lưu niệm đặc sắc ở Ngũ Hành Sơn.

Sản phẩm của làng đá hiện rất đa dạng. Không kể những cửa hàng lớn mà những cửa hàng nhỏ cũng trưng bày các sản phẩm rất bắt mắt. Sau cuộc vận động sáng tác và triển lãm mẫu hình tượng sư tử, nghê mang bản sắc Việt (do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa-Thể thao) Đà Nẵng phối hợp với Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước tổ chức hồi tháng 9-2015), hầu hết các cửa hàng đều trưng bày các mẫu linh vật thuần Việt.

Một số sản phẩm đá nhỏ gọn du khách có thể “xách tay” mang theo như tượng người mẹ ru con, thiếu nữ thướt tha với tà áo dài và chiếc nón, những cây cầu biểu tượng của thành phố Đà Nẵng, những con nghê, chú voọc chà vá.

Các nghệ nhân, nhà điêu khắc của làng đá Non Nước đã rất tinh tế khi “thổi hồn” quê hương vào các sản phẩm thu nhỏ. Để rồi, những vật kỷ niệm đầy ý nghĩa của danh thắng Ngũ Hành Sơn theo chân các du khách có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.

Hiện nay, nghề điêu khắc đá có vai trò rất lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân quận Ngũ Hành Sơn, góp phần quan trọng vào sự dịch chuyển cơ cấu nông thôn, chuyển từ lao động giản đơn, năng suất thấp sang lao động có kỹ năng, năng suất cao. Hiện làng đá Non Nước có khoảng gần 400 cơ sở sản xuất, với hơn 3.000 lao động.

Mỗi năm, làng nghề tạo ra hơn 105.000 sản phẩm các loại, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các vùng lân cận, doanh thu ước hơn 100 tỷ đồng - chiếm gần 15% giá trị sản xuất của các ngành kinh tế do quận Ngũ Hành Sơn quản lý. Nghề đã tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân...

Chúng tôi đi dọc con đường Huyền Trân Công Chúa, hầu như nhà nào cũng mở ra buôn bán, có thể chỉ là vài ba bộ bàn ghế con con để bán nước giải khát, hay đơn giản nhất là tận dụng mặt tiền phía trước nhà để giữ xe.

Chính tiềm năng du lịch đã khiến đời sống của bà con ở làng nghề đi lên. Như ông Ngạnh nói: “Tôi nay đã ở tuổi thất thập nhưng nhờ quán nước nhỏ này mà 2 vợ chồng già “sống khỏe”, chẳng phải dựa vào con cháu. Âu cũng là cái phước cho người dân sống ở làng đá”.

Làng đá mỹ nghệ vươn tầm thế giới

Đá Non Nước đã từng nổi tiếng cả nước và trên thế giới gắn liền với các tên tuổi của các nhà điêu khắc đam mê, tâm huyết với nghề. Một trong số đó là Nghệ nhân nhân dân, nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu. Sinh ra trong gia đình có 4 đời theo nghề đá, nghệ nhân Nguyễn Long Bửu bộc bạch:

“Tôi có niềm đam mê đặc biệt với tượng tâm linh. Từ khi vào nghề đến nay, tôi tạc rất nhiều tượng Phật, Bồ Tát, các vị La Hán… Có thể do tôi sinh ra và lớn lên trong quần thể chùa chiền Ngũ Hành Sơn. Một trong những bức tượng tâm linh mà tôi tâm đắc nhất là tượng Bồ Tát Quán Thế Âm nay được đặt tại khu vực xảy ra sóng thần của Thái Lan”.

Một trong những dấu mốc đưa làng đá Non Nước chạm ngõ nghệ thuật quốc tế có lẽ từ sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Hà Nội năm 2006. Khi đó, nghệ nhân Nguyễn Long Bửu vinh dự là người được chọn để tạc vườn tượng phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh APEC.

Lần thứ 2 khi Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra ngay tại thành phố Đà Nẵng, nghệ nhân Nguyễn Long Bửu một lần nữa được chọn. Ông đã thực hiện tác phẩm “Khởi nguyên” đại diện cho Việt Nam, được đặt tại Công viên APEC.

Dẫu nắm trong tay nhiều giải thưởng lớn, ông khiêm tốn nhận định: “Làng đá mỹ nghệ Non Nước đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân tài năng. Nhưng điều vui mừng hơn cả là con cháu làng nghề rất quan tâm đến sự phát triển của làng. Họ được truyền thụ tinh hoa của gia đình, cộng thêm sự học hành bài bản về mỹ thuật nên tay nghề rất tốt. Tôi tin tưởng rằng, lớp kế tục này sẽ đưa làng nghề vươn xa hơn nữa”.

Tại làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước có nhiều nghệ nhân nổi tiếng, nhiều gia đình có tới 7-8 thế hệ làm nghề điêu khắc đá. Khách tham quan từ nhiều nước đến đây có dịp chứng kiến và thêm phần ngưỡng mộ tài năng của các nghệ nhân điêu khắc và những sản phẩm độc đáo của họ.

Rất nhiều thương gia hoặc khách du lịch từ Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Pháp, Canada, Hà Lan, Mỹ... đã đến ký hợp đồng đặt mua các sản phẩm ở làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, nhờ đó đá Non Nước có cơ hội vươn xa không ngừng.

Quỳnh Trang

;
;
.
.
.
.
.