Nhằm tạo cơ hội cho người dân Đà Nẵng có thể làm việc ở các thị trường nước ngoài, các cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn thành phố đã chủ động xây dựng giáo trình đào tạo một số ngành nghề mà các quốc gia trong khu vực rất cần như: điều dưỡng, chăm sóc cây cảnh, cơ khí, xây dựng...
Hợp tác giữa Trường Cao đẳng Nghề Việt-Úc và Công ty Esuhai nhằm đào tạo sinh viên được học tập, làm việc từ Nhật Bản trở về, góp phần bảo đảm nguồn nhân lực thu hút đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. (Ảnh do VAVC cung cấp) |
Từ nghề đang “hot”...
Trong đó, nghề đang ở độ “hot” là điều dưỡng, được các nước tiên tiến như Đức, Nhật,... ưa chuộng. Trường CĐ Phương Đông Đà Nẵng bắt đầu tuyển sinh Khoa Điều dưỡng từ năm 2007, đến nay đã đào tạo được 11 khóa với tổng số 9.252 học sinh, sinh viên (trung cấp: 5.416; cao đẳng: 3.836).
Ông Lê Ngọc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường cho hay, sau khi tốt nghiệp, điều dưỡng viên của trường đã được nhiều cơ quan, đơn vị khắp cả nước đón nhận. Riêng từ tháng 3-2016, trường bắt đầu đưa điều dưỡng viên ra ngước ngoài làm việc; hiện có 8 người đi CHLB Đức, 20 người đi Nhật Bản, chưa kể 35 điều dưỡng viên đang được đào tạo nhằm cung cấp cho thị trường Nhật Bản.
Các nhà tuyển dụng đến trực tiếp tuyển thực tập sinh điều dưỡng cho các cơ sở y tế - phúc lợi ở Nhật Bản, sinh viên Khoa Điều dưỡng của trường tham gia phỏng vấn đều đạt trên 90%. Tuy nhiên, điều dưỡng viên được trường cử sang các nước chưa được nhận vào làm việc ngay mà phải sau ít nhất 1 năm làm thực tập sinh.
Bà Trần Thị Phong, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Đối ngoại của Trường CĐ Phương Đông giải thích: “Mình đào tạo điều dưỡng viên đa khoa, trong khi nhu cầu của Nhật hoặc Đức chủ yếu là chăm sóc người già (lão khoa).
Vì thế các em phải mất thêm một năm vừa học vừa làm, học thêm kỹ năng chuyên môn, học cách sử dụng máy móc hiện đại, học tiếng nước sở tại...; có chứng chỉ tốt nghiệp điều dưỡng viên mới chính thức được tuyển dụng”.
Lãnh đạo nhà trường đã có các chuyến công tác sang Nhật thăm các cơ sở đào tạo, cơ sở y tế - phúc lợi, nơi sinh viên của Trường CĐ Phương Đông Đà Nẵng đang học tập và thực tập. “Chúng tôi nhận được những phản hồi rất tích cực về tinh thần, thái độ, kỹ năng của thực tập sinh nhà trường. Cụ thể là có sức khỏe, chăm chỉ, cần cù, trung thực, ham học hỏi; thích nghi nhanh, kỹ năng làm việc khá tốt”, ông Việt chia sẻ.
… đến nghề thực tập có hưởng lương cao
Cũng đưa sinh viên sang Nhật, nhưng Trường CĐ Nghề Việt-Úc (VAVC), ngoài việc của thực tập sinh 1 năm tại Nhật, còn có hình thức xuất khẩu lao động đối với sinh viên sau tốt nghiệp. Đó là nội dung chính của chương trình “Hợp tác liên kết đào tạo tiếng Nhật và kỹ năng làm việc, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đi làm việc tại Nhật Bản” vừa được VAVC ký kết với Công ty TNHH Esuhai hôm 20-11-2018.
Chương trình hướng tới mục tiêu phát triển và làm cầu nối cho một thế hệ sinh viên có cơ hội tới Nhật Bản làm việc để tiếp cận với nền kỹ thuật tiên tiến, tìm hiểu văn hóa, học hỏi cách quản lý và tư duy phát triển của Nhật Bản.
Tham gia chương trình, sinh viên sẽ được nâng cao năng lực ngoại ngữ (Tiếng Nhật), được tạo việc làm có giá trị gia tăng cao, thu nhập cao, giảm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không có việc làm thông qua chương trình Việc làm Nhật Bản.
Ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng VAVC, cho biết hợp tác này giải quyết được lợi ích các bên. Về phía nhà trường, sinh viên VAVC sẽ được đối tác (Công ty TNHH Esuhai) trực tiếp phỏng vấn, đào tạo tiếng Nhật 6 tháng và sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp Nhật trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng. VAVC chịu trách nhiệm đào tạo cho sinh viên kỹ năng, kiến thức và thái độ làm việc trong môi trường quốc tế tại doanh nghiệp Nhật.
Về phía đối tác Esuhai, công ty được tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp Nhật và các cơ sở đào tạo tại Việt Nam.
Về phía sinh viên, các em được sang nước ngoài nhưng không phải nộp thêm học phí gì cho trường mà chỉ chịu phí 35 triệu đồng/sinh viên cho suốt thời gian thực tập. Đây là chi phí cho việc mua vé máy bay, làm visa, chi phí phỏng vấn và kinh phí đào tạo tiếng Nhật.
Sinh viên được nhận chứng chỉ thực tập tại doanh nghiệp Nhật, kết quả này được VAVC thừa nhận như là một học kỳ thực tập. Sau khi tốt nghiệp về nước, sinh viên sẽ được doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam thu nhận làm việc.
Sinh viên có cơ hội trải nghiệm trong môi trường làm việc quốc tế, được trang bị thêm ngoại ngữ và đặc biệt có thu nhập, tích lũy cao trong thời gian ngắn. Vì thế, ông Sinh cho rằng các sinh viên này tốt nghiệp như mọi sinh viên khác, chỉ khác là “thực tập tại Nhật, có hưởng lương cao”.
Phải biết “lận lưng” ngôn ngữ nước sở tại
Nghị quyết HĐND thành phố Đà Nẵng nêu rõ trong năm 2018 tập trung “nghiên cứu và mở rộng thị trường lao động nước ngoài”, nhưng đến nay, trong số 1.739 lao động làm việc ở nước ngoài (do các trung tâm giới thiệu việc làm thành phố thực hiện) chỉ có 244 lao động là người dân thành phố làm việc ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Hàn Quốc.
Vì sao có con số quá ít ỏi này, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng giải thích: “Lao động ở Đà Nẵng tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) quá ít, theo chúng tôi có mấy nguyên nhân.
Thứ nhất, người dân (trong đó chủ yếu là thanh niên) ở Đà Nẵng chưa có thói quen khám phá, chưa mạnh dạn thay đổi tư duy cuộc sống; chỉ có tư tưởng bằng lòng với thực tại học gần nhà, làm gần nhà và nhận được thu nhập ngay dù có ít và không bền vững.
Thứ hai, công tác tuyên truyền tuy có nhiều trên các kênh thông tin đại chúng, nhưng tuyên truyền trực tiếp cho người dân chưa sâu rộng (người dân không chịu đi nghe tập trung qua các buổi tuyên truyền phổ biến XKLĐ của các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp XKLĐ, tuyên truyền ở tổ dân phố địa phương chưa rõ ràng; trong khi một số thông tin không tốt về XKLĐ lại có nhiều trên mạng xã hội)”.
Hiện trên địa bàn thành phố có một số trường, cơ sở đào tạo đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của các nước có tiếp nhận lao động của Việt Nam như: Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… và kết nối với các tập đoàn, đơn vị các nước sở tại để liên kết đào tạo và đưa đi XKLĐ.
Đây là một kênh quan trọng để đẩy mạnh XKLĐ của thành phố Đà Nẵng. Ông An tin rằng, phương thức này sẽ đem lại cho Đà Nẵng kết quả XKLĐ khả quan hơn trong thời gian đến.
Ít tham gia XKLĐ còn bởi là vấn đề ngoại ngữ, nhiều học viên vấp phải “rào cản” này đã bỏ học giữa chừng. Để phá dỡ rào cản, Trường CĐ Phương Đông đào tạo tiếng Nhật, Đức, Anh ngay tại trường; VAVC đào tạo tiếng Nhật thông qua đối tác.
Trong khi đó, một số cơ sở đào tạo nghề, như Trung tâm Giáo dục dạy nghề Đà Nẵng tuyển sinh tiếng Hàn theo Thông báo số 5032/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 27-11-2018 về kỳ thi và phối hợp tổ chức đăng ký dự thi tiếng Hàn theo chương trình EPS trong ngành nông nghiệp, nhưng đến ngày 19-12-2018, vẫn chưa có một học viên nào đăng ký. “Trong khi năm 2017, trung tâm đã mở lớp tiếng Hàn giao tiếp cho 30 học viên có nhu cầu XKLĐ sang Hàn Quốc”, ông Võ Vạn, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin.
Xem thế, hành trang cho người ra nước ngoài làm việc không chỉ có tay nghề giỏi mà còn phải biết “lận lưng” ngôn ngữ của nước sở tại.
VĂN THÀNH LÊ