Kabuki - nhà hát truyền thống trong thời hiện đại

.

Xuất hiện tại Nhật Bản vào đầu thế kỷ 17, kabuki là một hình thức nhà hát truyền thống Nhật Bản đã làm hài lòng khán giả trong hàng trăm năm qua. Giờ đây, nhờ nắm bắt công nghệ mới, nền văn hóa này đang tiếp cận khán giả toàn cầu.

Nhà hát truyền thống Kabuki-Za ở Tokyo.
Nhà hát truyền thống Kabuki-Za ở Tokyo.

Kabuki được cho là xuất hiện từ năm 1673, thời kỳ hoàng kim của nó kéo dài từ năm 1770 đến năm 1780. Kabuki phát triển và phổ biến rộng rãi, nhiều vở kịch được công nhận cho đến ngày nay.

Khi mới hình thành Kabuki, các nhà hát có những màn trình diễn toàn nữ với tên gọi “onna kabuki”, hoặc những người đàn ông được biết đến với tên “yaro kabuki”. Nhiều diễn viên xuất thân từ những gia đình có truyền thống diễn xuất và họ học nghề từ khi còn rất trẻ. Đối với những người muốn học kabuki, cách duy nhất để có thể thực hiện, phải là một thành viên trong những nhóm gia đình diễn viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, mọi người từ các tầng lớp xã hội đã có thể học tại Nhà hát Quốc gia ở Tokyo, nơi đào tạo cho những người trẻ học kabuki mà không cần thiết có liên hệ,  thân thuộc với gia đình diễn viên.

Một trong những mặt nạ nhân vật của Kabuki.
Một trong những mặt nạ nhân vật của Kabuki.

Cũng trong thời kỳ này, các yếu tố  phong cách và các hình tượng nhân vật được thiết lập. Nhà viết kịch Namiki Shozo đã tạo ra nhiều cải cách sân khấu được sử dụng trong các chương trình, chẳng hạn như hệ thống dây cáp, cho phép các diễn viên bay qua sân khấu hoặc mái nhà cho khán giả xem.

Namiki Shōzō (1730-1773), nhà viết kịch nổi tiếng của Nhật Bản, người đã sáng tác khoảng 100 tác phẩm cho Bunraku (nhà hát múa rối Bunraku, còn được gọi là Ningyō jōruri, là một hình thức của nhà hát múa rối truyền thống Nhật Bản, được thành lập tại Osaka vào đầu thế kỷ 17) và cho nhà hát truyền thống kabuki. Shōzō cũng được ghi nhận là đã phát minh ra giai đoạn quay vòng, một trong nhiều thủ thuật của stagecraft (nghệ thuật viết và dựng kịch) được sử dụng rộng rãi trong Kabuki, và việc sử dụng sân khấu tháo ráp tiện dụng.

Shōzou rời sân khấu múa rối Bunraku vào năm 1751; ông chuyển thể các vở kịch từ Bunraku sang kabuki và vì thế,  có khả năng nhiều vở kịch kabuki của Shōzou bắt đầu như những tác phẩm múa rối. Namiki Shōzō sáng tác khoảng 100 vở, chủ yếu là “Jidai-mono” (kịch lịch sử).

Có một loạt các chủ đề mà kabuki đề cập bao gồm hiện thực đến phiêu lưu, thần thoại giả tưởng. Thông thường các vở kịch phổ biến nhất miêu tả một cuộc đụng độ giữa các tầng lớp xã hội  qua phong cách “Shosagoto”. Những vở kịch theo phong cách này tập trung vào âm nhạc và nhảy múa. Rất hiếm khi các vở kịch kabuki, thuộc bất kỳ phong cách nào, giải quyết các vấn đề thời sự. Chủ đề chính của họ thường là sự chiến thắng kinh điển giữa cái thiện đối với cái ác và đức hạnh với sự gian dối.

Tranh khắc gỗ thế kỷ 18 mô tả Nhà hát truyền thống Kabuki.
Tranh khắc gỗ thế kỷ 18 mô tả Nhà hát truyền thống Kabuki.

Đối với kabuki, điểm đặc biệt nhất là khuôn mặt vẽ của những người biểu diễn và trang phục, được xem là một hình thức nghệ thuật, nơi truyền tải cảm xúc được coi là quan trọng hơn tất cả. Những cách thức trang điểm giúp khán giả nhận biết các nhân vật trong xã hội, làm cho các nhân vật mạnh mẽ nổi bật giữa đám đông. Các nhân vật chính sẽ có phong cách trang điểm bằng những gam màu tinh khiết, gắn liền với sự tinh tế và quý phái, trái ngược hoàn toàn với tông màu chung chung, trung tính của các nhân vật miêu tả thường dân và người hầu. Các dấu nhấn đỏ và xanh trên các mặt nạ được sử dụng để phóng đại đặc điểm trên khuôn mặt và cho biết họ là anh hùng hay nhân vật phản diện đối với khán giả - màu đỏ dành cho anh hùng và màu xanh tiêu biểu nhân vật phản diện.

Shido Nakamura - diễn viên nhà hát truyền thống kabuki trình diễn vở Hanakurabe Senbonzakura (Ngàn cây anh đào xưa và nay) ở Tokyo, Nhật Bản.
Shido Nakamura - diễn viên nhà hát truyền thống kabuki trình diễn vở Hanakurabe Senbonzakura (Ngàn cây anh đào xưa và nay) ở Tokyo, Nhật Bản.

Trang phục được sử dụng trong kabuki có thể từ phong cách phong kiến Jidaimono - là những vở kịch kabuki có cốt truyện và nhân vật lịch sử, thường là những trận chiến samurai nổi tiếng. Điều này trái ngược với phong cách Sewamono - các vở kịch đương đại, thường tập trung vào các vấn đề phổ biến trong nước. Jidaimono thường được dịch là “vở kịch thời gian”. Trang phục được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, thường để truyền tải thông điệp đến khán giả; các màu sắc khác nhau hoặc thậm chí các chi tiết thêu trên trang phục có thể mang ý nghĩa tượng trưng, miêu tả một thông điệp bí mật cho những khán giả biết những gì cần tìm.

Với sự ra đời của công nghệ hiện đại, kabuki hiện đang tiếp cận khán giả quốc tế. Trong những năm gần đây, kabuki đã được một số đoàn lưu diễn vòng quanh thế giới ở Mỹ, châu Âu và Nga.

H.Đ (theo Independent)

;
;
.
.
.
.
.