Dịu thò tay xé một tờ lịch trên tường ngao ngán bảo:
- Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết. Em ngán Tết như thể đàn ông các anh nhìn thấy phụ nữ nung núng mỡ ấy.
- Cả một năm có vài ba ngày Tết mà em cứ kêu hoài. Đàn bà là tâm hồn của ngôi nhà. Em không phấn khởi chồng con cũng mất vui.
- Đàn ông các anh Tết đến chỉ nhậu nhẹt, say lại lăn ra ngủ thì dĩ nhiên thích Tết. Cứ thử ba ngày Tết chỉ cắm đầu trong bếp như em xem có còn thích Tết nổi không?
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Triệu chỉ cười, đề tài muôn thuở của chị em phụ nữ ấy mà. Cứ gần Tết là thấy tiếng thở than. Nhiều lúc Triệu cũng muốn giải phóng cho vợ mình khỏi những gò bó, vất vả trong ngày Tết. Nhưng khổ nỗi phong tục bao đời nay vẫn vậy, nề nếp gia đình cũng đâu dễ đổi thay.
Trong nhà còn có bố mẹ già, Triệu lại là con cả. Bốn đứa em ở xa, Tết năm nào nhà cũng không ngớt khách. Vợ chồng đứa này đi thì đứa kia lại về, còn chưa kể khách cơ quan, anh em chiến hữu. Dịu mà không vào bếp thì lấy ai nấu nướng, không lẽ để mẹ già lụi cụi nấu một mình. Lo nhất là khoản nấu hai mâm cỗ cúng mỗi ngày.
Lệ nhà này là thế, mẹ Triệu bảo âm cũng như dương, đừng chỉ lo ăn chơi mà để cho tổ tiên khói hương nguội lạnh. Sáng nào dậy cũng thấy vợ lúi húi trong bếp Triệu nghĩ cũng thương. Có hôm mười giờ đêm người Dịu vẫn nhớp nháp toàn dầu mỡ. Bộ váy năm ngoái Triệu mua tặng, cả dịp Tết Dịu chẳng có cơ hội mặc lấy một lần. Nhưng năm nay khác rồi, chắc chắn Dịu sẽ có thời gian tận hưởng những ngày Tết cổ truyền.
Trong bữa cơm tối, Triệu cười bí hiểm bảo “Tết này anh có quà khủng cho em, bảo đảm thích mê”. Dịu không nói gì, nghe đến Tết đã thấy không vui. Tâm trí Dịu còn quẩn quanh trong những mường tượng xa xôi về dãy núi đá vôi, một dòng sông xanh và bầu trời cũng xanh bất tận.
Hình ảnh về một vùng đất nào đó được một người nào đó chụp quăng lên facebook đã khiến Dịu xốn xang, choáng ngợp. Đời Dịu mãi quẩn quanh với những điều vụn vặt bộn bề, biết khi nào mới được đến một nơi như thế. Để trầm mình trong nắng lạnh và thứ bình yên hiếm hoi của đời người.
Ở đời có một kiểu bi kịch lặng thầm. Không bệnh tật, nợ nần, chia lìa, phản bội mà lòng vẫn rã rời tan tác đấy thôi. Mà có phải vì Tết sắp đến nơi nên tâm trạng Dịu càng bất ổn? Ngoài đường người ta bắt đầu rủ nhau đi mua hoa chơi Tết…
Hai ba tháng chạp, buổi trưa Dịu tranh thủ về nhà cúng ông Công ông Táo. Bố mẹ chồng về quê tảo mộ, không có ai nấu nướng nên đồ cúng Dịu đã đặt sẵn, cứ đúng giờ người giao hàng mang đến là bày lên bàn thờ. Chỉ còn thiếu mấy con cá chép đỏ là đầy đủ. Dịu tính tạt qua chợ thì nhận được cuộc điện của Triệu “Em về nhà nhận quà khủng nhé”.
Dịu về đến cửa thấy một đôi dép lạ, bước vào nhà thấy có chậu cá chép, ngó vào bếp thấy có người đang lúi húi dọn dẹp. Còn chưa kịp hiểu chuyện gì thì Triệu lại điện hỏi “Em đã nhận được quà anh tặng chưa nào? Ô-sin trông nhanh nhẹn đấy chứ? Biết anh kiếm đâu không? Hôm về quê giỗ họ, anh nhờ tìm hộ đấy”. Người đàn bà chắc tầm ngoài sáu mươi tuổi, dáng gầy gò, khắc khổ vừa ngẩng lên nhìn Dịu cười ngượng ngập. Chưa gì Dịu đã thấy ở người đàn bà này cái nét chân chất, mộc mạc quê mùa. Dịu như thấy bóng dáng mẹ đang hiện ra trước mắt, gần gũi và xúc động. Dịu bảo:
- Cô mới xuống sao không nghỉ ngơi mà đã vội làm việc nhà rồi?
- Cô không say xe nên cũng chẳng mệt mỏi gì. Ngồi không cũng buồn nên dọn dẹp loanh quanh. Cậu Triệu đón cô từ bến xe về nhà rồi lại vội đi luôn. Lúc đi qua chợ cô có mua mấy con chép đỏ, lát cháu cúng ông Công ông Táo. À mà cô tên Hợi.
- Vậy là Tết này cô ở lại nhà cháu đúng không? Các con cô có phiền lòng không ạ?
- Con cô đều ở xa. Nhiều năm nay không đứa nào về quê ăn Tết.
Dịu nhận ra hình như mình vừa hỏi điều không nên hỏi. Người ta có thể rời quê đi làm ăn xa cả năm nhưng cứ đến Tết thì nhất định về nhà. Bởi Tết là những ngày sum họp gia đình và nhớ về nguồn cội. Đồng nghiệp ở cơ quan Dịu chẳng phải vẫn than thở về việc đã trả lương rất cao mà người giúp việc vẫn kiên quyết không ở lại làm thêm ngày Tết đấy thôi.
Vậy nên những người phải rời quê đi làm thuê vào những ngày này hẳn đều vì miếng cơm manh áo. Quà của Triệu không dưng khiến Dịu thấy bùi ngùi. Dịu lớn lên ở quê, từng đói xót lòng những năm hạn hán mất mùa.
Từng ngồi khóc như mưa nhìn chuồng gà mấy trăm con của mẹ tự dưng lăn ra chết. Biết đâu bà già đang ở đây là vì lợn rớt giá, hay vụ dưa lưới vừa rồi không có người mua. Các con của bà hẳn cũng vì vất vả mưu sinh nên không có điều kiện về quê ăn Tết. Nhìn người giúp việc dọn mâm cỗ cúng đâu ra đấy Dịu biết Tết năm nay mình vừa đỡ cực mà cũng đỡ buồn.
Dịu không thích bày vẽ, Tết càng đơn giản càng đỡ nhọc. Thực phẩm đều được đặt chỗ quen, cần bao nhiêu cũng có. Mệt nhất vẫn là khoản dọn dẹp, nhìn ba tầng nhà chỗ nào cũng muốn sắp xếp lại cho gọn gàng.
Mọi năm Dịu phải lên dây cót tinh thần trước vài ngày nhưng năm nay thì khác. Bà Hợi dọn một lèo từ sáng tới chiều là đâu ra đấy, chẳng ai phải phàn nàn. Nhiều lúc Dịu nghĩ thương, nhắc bà làm ít thôi cho tay chân nghỉ ngơi một lúc.
Nhưng bà bảo “Rảnh rỗi đâm ra hay nghĩ ngợi. Cũng chỉ mong có việc mà làm”. Dịu cảm giác bà già có một nỗi khổ tâm gì đó khó nói lên lời. Mấy lần hai cô cháu ngồi ngoài ban công nói chuyện quê nhà Dịu tính định hỏi mà lại không nỡ hỏi. Sống đến tuổi ấy hẳn buồn vui ăm ắp, chạm vào đâu cũng có thể vỡ bờ. Bà già thường khiến Dịu nhớ đến người mẹ quá cố của mình. Nếu còn sống thì giờ này mẹ Dịu chắc đang ngồi gói bánh. Hoặc đang ngào vài mẻ mứt quất, mứt dừa. Mẹ cũng chẳng bao giờ để chân tay nghỉ ngơi. Mẹ chạm vào đâu thì Tết về đến đó.
Từ bãi đất cằn ngoài ngõ mẹ giúp chúng nở hoa. Bãi cỏ hoang ngoài vườn sau một tháng đã mơn mởn rau xanh. Tụi Dịu về thích mê, hái những rổ rau to nấu lẩu. Để có vài cân măng khô vừa ăn Tết vừa mang biếu thông gia thì suốt mùa đông mẹ tất bật với mấy bụi mai ở ngoài rừng. Có khi mẹ luồn qua sương sớm đi đào măng để về kịp thái ra, luộc chín, chờ nắng lên là mang xuống bờ đá mà phơi. Bàn tay mẹ quanh năm nhăn nheo đen đúa.
Có một điều Dịu không hiểu nổi sao cả đời mẹ cứ thích sống cho người khác mà không hề nghĩ đến bản thân. Ngay cả trong ngày Tết, mẹ chỉ cần bớt đi vài món là có thời gian nghỉ ngơi đi chúc Tết họ hàng. Nhưng mẹ lúc nào cũng sợ các con thiếu thốn. Mẹ vào bếp nấu tất cả những món mà người thân muốn nhưng có khi trên mâm lại chẳng có món nào mẹ thực sự muốn ăn.
- Mẹ cháu không thấy mệt, cũng không muốn nghĩ gì cho bản thân mình. Đó là vì bà ấy thấy hạnh phúc. Cô cũng chỉ mong sao có con cháu quây quần để mà tất bật. Bao năm nay con cái cô không về quê ăn Tết. Chúng mải mê kiếm tiền. Chúng cứ nghĩ Tết đến mỗi đứa gửi cho mẹ ít tiền là đủ đầy rồi. Khi chỉ có một mình bàn tay của người mẹ không làm ra Tết. Chỉ vịn đầu gối mình để đứng lên khỏi chiếc ghế cũng thấy khó nhọc rồi.
- Vậy mà cháu nhiều khi muốn thoát khỏi gia đình để sống cho mình những phút giây thư thái. Mà chẳng phải riêng cháu đâu cô…
- Chắc tại vì cuộc sống thành thị quá ngột ngạt. Ở quê thì ra đồng nhìn lúa thấy vui, về nhà ngó xó bếp mảnh vườn là thấy ấm.
- Áp lực đời sống chỉ là một phần thôi. Có lẽ bởi cách nghĩ của chúng cháu bây giờ khác thế hệ của cô nhiều quá.
Bà già không nói gì vì kịp nhớ ra nồi cá kho đang đun dưới bếp. Tết ăn mãi thịt thà ngán lắm, làm nồi cá kho dưa có khi lại ngon cơm. Mới ba mươi nhà đã đông khách khứa tới chơi. Triệu bảo “Nhà có osin rồi em cứ mặc váy đẹp lên nhà trên tiếp khách”. Nhưng Dịu thà ở dưới bếp còn hơn ngồi ở đó nói với nhau những lời chúc tụng sáo rỗng. Nhân viên của Triệu toàn người khéo léo, nói cả trăm câu mật ngọt mà chẳng câu nào thấy chân thành. Họ đến để biếu quà, để nhờ vả, để rủ rê Triệu vào một vụ làm ăn nào đó. Dịu ngồi dưới bếp nghe tiếng cơm sôi lục bục. Trước mặt Dịu bỗng hiện ra hình ảnh căn bếp tuềnh toàng của mẹ. Nồi cơm được nấu trên bếp củi, mùi gỗ bạch đàn hăng hắc tỏa ra theo từng đợt khói. Lũ trẻ ùa vào bếp nhúp nháp chảo mứt dứa vừa dẻo vừa thơm. Chúng ngồi quây quanh bếp lửa hơ tay. Vài người hàng xóm ghé chơi kể chuyện lợn mới đẻ, lúa ngoài đồng đã bám rễ cứng chân, ra giêng trong làng có thêm vài đám cưới. Mẹ mất đi, những cái Tết bình dị cũng xa dần đời Dịu.
Mẹ chồng Dịu thích có người bầu bạn. Con cháu đông đủ đấy nhưng hình như bà vẫn thấy buồn. Từ khi có người giúp việc mẹ chồng Dịu vui hẳn. Thỉnh thoảng lại xuống bếp chuyện trò tỉ tê. Có khi Dịu bắt gặp cảnh tượng hai người già ngồi im lặng bên nhau. Không cần đến ngôn từ, chẳng một lời thổ lộ. Hai mái đầu bạc ấy kể cho nhau nghe bằng tiếng thở dài. Mặc kệ ở nhà trên khách khứa ồn ào. Tiếng cụng li leng keng. Lời chúc tụng trên môi người còn nồng men rượu. Thỉnh thoảng Triệu lại ới xuống bếp dặn nấu thêm thức ăn hoặc mang thêm ly cốc. Bà Hợi lại bật bếp, phi tỏi thơm lừng, bát đũa va vào nhau lời xôn xao năm mới. Những lúc ấy trông bà vui vẻ, hoạt bát hơn. Kiếm được người giúp việc như bà đâu có dễ. Không nề hà so tính thiệt hơn. Một cái Tết quá chu toàn cũng là nhờ tay bà vun vén. Dịu rất muốn giữ người ở lại nhưng mà bà thì kiên quyết muốn về.
- Thật ra cô xuống đây giúp việc không phải vì hoàn cảnh quá khó khăn. Triệu là cháu trong họ tộc. Cậu ấy có đóng góp nhiều trong việc mồ mả thờ cúng tổ tiên. Hôm nghe cậu ấy nói rất cần người giúp việc trong mấy ngày Tết cô liền nhận lời ngay. Các con cô đều làm ăn xa, có đứa đi xuất khẩu lao động đã mấy năm rồi. Ở nhà một mình chỉ thêm buồn. Anh em hàng xóm kéo đến chơi một lúc rồi về. Không con cháu chẳng biết làm gì cho hết ba ngày Tết. Cô xuống đây là để tìm những quây quần xum họp.
Dẫu không phải của mình.
- Hay là cô cứ ở đây với chúng cháu cho vui. Việc cũng không có gì nặng nhọc.
- Cô còn gần mẫu ruộng đang chờ trồng rau vụ mới. Cá dưới ao cũng sắp đến ngày kéo lưới. Cửa nhà không bỏ bê lâu được, nhỡ các con về chúng lại buồn.
Dịu ngồi lặng lẽ trong căn nhà đã thưa vắng khách. Nhìn những cánh đào tàn rụng đầy xuống đất. Đã rất lâu rồi Dịu mới có được cảm giác bình yên vào ngày Tết thế này. Cuộc đời kể cũng lạ, người chạy trốn kẻ kiếm tìm. Ồn ào với người này có khi lại là niềm vui vầy ước ao với một người nào khác. Lúc nhìn cô Hợi leo lên chuyến xe khách để về quê Dịu thấy bùi ngùi quá. Bàn tay nhăn nheo vẫy sau cửa kính xe đã khuất dần mà Dịu còn đứng đó. Ở bên đường người ta bắt đầu mang cành đào vứt ra trước cửa. Tết đã hết rồi ư? Guồng quay một năm mới thực sự đã bắt đầu…
Vũ Thị Huyền Trang