Thím ở quê ra thăm con là bạn của tôi, lần nào cũng đem cho tôi vài thứ mà thím nhặt nhạnh trong vườn nhà. Khi thì mớ cải non chừng một tuần tuổi mà thím nói là để cho con làm mì Quảng ăn cho có vị. Khi thì cái bắp chuối sứ thím mới cắt hôm qua kịp cho buồng đậu trái đúng Tết, để làm cho sắp nhỏ mỗi đứa một hũ dưa chuối ăn Tết cho đỡ ngán thịt heo, và dĩ nhiên là tôi cũng có phần.
Ảnh: LƯU BÌNH |
Mỗi thứ quà của thím đem ra lần nào, tôi cũng nâng niu như đó là của mẹ mình làm ra. Nó gói trong đó ân tình của người trồng trọt, chăm bón, của đất đai quê nhà. Chỉ mớ rau, mấy củ khoai, củ sắn hay cái búp măng vừa nhú, thím nói nhớ gọt sạch rồi luộc cho bớt đắng, kho cá, xào thịt hay nấu canh chua đều ngon. Của quê mình cái chi cũng là đồ sạch hết. Không bao nhiêu tiền, ăn lấy thảo cho thím vui.
Mảnh vườn của thím nhỏ thôi, chỉ chừng vài trăm mét vuông, nhưng mùa nào thức ấy. Mùa hè, thím vỡ đất trồng khoai lang, bầu, bí.
Những ngày cuối đông này, thím gieo cải cay, tần ô, rau thơm, xà lách để Tết có rau cho con ăn và san sẻ cho hàng xóm, láng giềng. Màu xanh mướt của rau tần ô, xanh đậm của mấy luống hành, mùi thơm dịu của ngò làm mảnh sân trước nhà thím như sáng bừng lên trong không gian ảm đạm của mùa đông. Một mình thím cặm cụi suốt ngày ngoài vườn, khi thì cột lại cái hàng rào tre cho bọn gà không bới đất; khi thì tách luống xà lách ra cấy riêng. Mỗi luống rau cho một mùi vị riêng, yêu thương riêng, mà hình như nó là một phần của hương vị quê nhà, của những bà mẹ quê tần tảo sớm trưa.
Và cũng mùa nào thức ấy, tôi cũng đều được nhận những món quà mà thím đã mất bao công sức chăm bón. Mỗi lần thấy thím khệ nệ xách đồ quê ra, tôi thấy ái ngại vì tuổi thím ngày một cao, đi đứng đã khó còn đèo thêm quà cáp cho bạn bè của con. Thím cười hồn hậu, tụi bay lo làm việc ở thành phố, thời gian đâu mà về quê, thím còn khỏe, còn động tay động chân được, làm được cái gì cho con thì làm. Biết ra sao ngày sau hả con?
Nghe thím nói mà thấy chạnh lòng. Ba của bạn tôi đã ra đi sau cơn bạo bệnh. Đám tang xong, ngôi nhà vốn quạnh quẽ vì chỉ có hai người già với nhau lại càng thêm hiu hắt. Ba đứa con của chú thím có gia đình và việc làm ở thành phố, thỉnh thoảng cuối tuần mới đèo nhau về quê thăm nội. Bạn tôi sợ mẹ ở một mình buồn và lỡ đêm hôm trái gió trở trời, cứ nằng nặc mời mẹ ra ở cùng. Nhưng năm lần, bảy lượt bà đều từ chối. Lý do từ chối thật khó ai có thể nài thêm.
Có lần tôi cũng đã thử khuyên, thím ra phố ở với con cháu đi. Tuổi thím ngày càng lớn, ở một mình không nên. Thím cười xởi lởi, bà con lối xóm đầy ra đó, lo chi con. Thím ở để trả nghĩa cho bà con. Hồi ổng đau rồi mất, bà con lo lắng thăm hỏi hằng ngày rồi chung tay lo đám, coi việc nhà thím như việc nhà họ. Từ lúc làm đám tang cho đến lúc lo xong hậu sự, không có bà con lối xóm, thím biết nhờ ai. Giờ bỏ nhà ra phố ở với con, để nhà không ai hương khói tội ổng mà lại bất nghĩa với xóm làng. Thôi kệ, sống cái nhà, già cái mồ. Mấy đứa nhà thím cứ lo công việc, con cái tụi hắn. Thím còn khỏe ngày nào còn cuốc được đất trồng rau, nuôi gà. Có chút chi san sẻ với bà con lối xóm cho họ vui. Ở quê mà không biết người, biết ta không sống được với ai đâu con. Bà con giúp mình lúc ốm đau, hoạn nạn, mình cũng phải làm sao cho có nghĩa, có tình, chớ dứt áo ra thành phố sống, coi sao được.
Với cách nghĩ đó, thím an nhiên sống giữa làng quê và vui với niềm vui chia sẻ cùng làng xóm. Mỗi lần nhà có giỗ, có đám, bà con lối xóm lại cùng chung tay với thím nấu nướng, dọn dẹp. Tôi là khách của nhà thím mà cũng như là khách chung của làng. Và lần nào về quê thím ăn giỗ, tôi cũng tay xách nách mang đủ thứ quà mà thím và bà con hàng xóm đem ra tận xe. Những thơm thảo đó luôn nhắc tôi nhớ về tình làng, nghĩa xóm.
Chiều nay nhận được giỏ rau cải thím gửi con trai đem ra cho tôi với lời dặn, rau mẹ trồng đó, đem cho chị cất để dành luộc hay nấu canh ăn dần, rau vườn nhà không thuốc, không phân; cứ ăn hết rồi mẹ lại gửi thứ khác. Nhận quà của thím mà tôi bồi hồi. Nhớ mãi lời nói chân chất, mộc mạc của bà mẹ quê: “Sống phải có trước, có sau con à. Bà con tốt với mình, mình phải ráng sống sao cho tốt để trả nghĩa với bà con, làng xóm”. Và tôi cũng nhận ra, cuộc sống đẹp hơn lên bởi những tấm lòng thơm thảo ấy.
Kim Em