Lưu giữ cho mai sau

.

Mấy hôm trước lễ hội, cụ Đặng Khôi (còn gọi là Năm Khôi (ảnh), sinh năm 1927), trưởng ban tổ chức lễ hội đình làng Túy Loan tất bật đi ra đi vào khuôn viên đình làng để đốc thúc nhân công quét tước vệ sinh, lau dọn ban thờ, cạo rêu bia mộ, dựng lều trại… Sự lo lắng trước mỗi độ diễn ra lễ hội đình làng Túy Loan (vào chiều mồng 9 tháng Giêng) đã theo ông 20 năm nay.

Tìm ông Năm Khôi những ngày trước lễ hội thật khó. Với chiếc xe đạp cũ, ông lọc cọc đạp đi khắp nơi. Ông bảo, “tình trạng” này kéo dài cả tháng rồi chứ không phải chỉ “mấy hôm trước lễ”. Trước đó thì ông đi gõ cửa các đơn vị để xin kinh phí tổ chức lễ hội. Có bữa ông đi xuống tận Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh để xin 2 đêm diễn. Chưa hết, ông còn phải đi vận động từng nhà dân ở 2 thôn Đông, Tây của làng Túy Loan nhờ họ cử người ra dọn dẹp vệ sinh sân đình… Đạp xe đi quanh cả ngày, đêm về chân tay mỏi nhừ. Hỏi ông sao không “phó mặc” cho con cháu trong làng tự đứng ra tổ chức, ông móm mém cười: “Mục đích của tổ chức lễ hội là duy trì văn hóa của dân tộc; đồng thời, đây cũng là dịp để con cháu của làng gặp gỡ, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Người già luôn luôn muốn tổ chức lễ hội để con cháu quay về với cội nguồn”.

Theo ông Khôi, sự kiện lễ hội đình làng Túy Loan năm nay mang ý nghĩa đặc biệt. Nó đánh dấu đúng 20 năm đình làng Túy Loan được công nhận Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Dưới mái đình rêu phong cổ kính, ông trầm ngâm nhớ lại: “Hồi năm 1994, cùng với đình làng Bồ Bản, miễu thờ Ông Ích Đường, đình Cẩm Toại, lăng mộ Đô thống chế Lê Văn Hoan, Trường tiểu học An Phước, thì đình làng Túy Loan cũng nằm trong danh sách các di tích cần được bảo vệ, phục hồi. Tôi đã làm hồ sơ đi gửi khắp nơi để đình làng Túy Loan được công nhận bởi giá trị lịch sử của nó quá lớn. Và đến năm 1999 thì đúng như dự đoán, đình làng Túy Loan được công nhận di tích lịch sử, kiến trúc cấp quốc gia. Từ đó, lễ hội đình làng được duy trì. Tôi cũng đứng ra làm trưởng ban quản lý đình làng cho đến nay”.

Trải qua bao biến thiên lịch sử, đình Túy Loan tuy không giữ được nguyên trạng nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghi. Văn bia đặt trong đình có bài ký của TS. Nguyễn Khuê, người Thanh Trì (Hà Nội) ghi lại sự việc lập đình. Bài ký có đoạn: “Đình gồm một tòa chính tẩm, một tòa tiền đường đều làm bằng gỗ quý và lợp ngói. Trước sân có xây trụ biểu, bình phong trông rất xán lạn. Ngoài ra còn xây một ngôi từ đường ở bên trái để làm chỗ thờ các vị tiền hiền”.

Ở tuổi xưa nay hiếm, ông Khôi vẫn nhớ như khuôn từng công việc phải chuẩn bị trước lễ hội. Ông nói vanh vách: “Lễ hội đình làng Túy Loan diễn ra vào chiều ngày mồng 9 và ngày mồng 10 tháng Giêng. Đó là thời khắc mà đất trời vẫn còn xuân, lòng người đang phơi phới. Phần lễ diễn ra vào ngày mồng 9 gồm có lễ rước sắc từ Nhà thờ phái nhì (thủ sắc ngày xưa), trong đó có kiệu hoa, chưng hoa, đội lính mang lão bộ (bộ vũ khí ngày xưa bảo vệ sắc phong và dân làng). Ngày xưa lễ rước đi quanh làng nhưng giờ chỉ đi nửa làng; sau đó, về đình an tọa. Đến tối thì có tổ chức văn nghệ mời các đoàn tuồng, văn công và người dân tham gia biểu diễn.

Phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian vui nhộn như vật tay, kéo co, đi cà kheo, gói bánh tét, đua ghe diễn ra ngay trước sân đình… Đặc biệt, trong phần hội không bao giờ thiếu phần thi tráng và nướng bánh tráng - món nghề gia truyền nức tiếng của làng Túy Loan. Các thôn thường cử ra các cô gái khéo tay nhất trong trang phục bà ba để tham gia cuộc thi này”. Lo lắng đến mất ăn mất ngủ là thế nhưng với ông Khôi, cứ mỗi độ tháng Chạp và tháng Giêng - mùa chuẩn bị và diễn ra lễ hội, ông lại thấy người khỏe hẳn ra. Ông hăng say lao vào chuẩn bị, lọ mọ dậy từ sáng sớm để có mặt ở sân đình. Nhìn thấy con cháu ra vào đình dọn dẹp, quét tước, lòng ông reo vui. Chỉ cần đến ngày hôm ấy, con cháu về dự đông vui là ông mãn nguyện.

Không chỉ đau đáu với công tác chuẩn bị, ông Khôi còn lo lắng cho bài phát biểu vào hôm diễn ra lễ hội. Bài phát biểu được ông viết tay, viết rồi xóa, sửa tới lui không biết bao nhiêu lần. Cao hứng, ông đem ra đọc một đoạn cho chúng tôi nghe: “Đình làng Túy Loan là làng có nhiều tộc phái, được phân làm 4 thôn với 1.200 hộ. Điều đáng mừng là qua bao lần tổ chức, bà con đã tạo được sự đoàn kết, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, giữ gìn thuần phong mỹ tục…”. Ông Khôi đã lớn lên và gắn bó với làng suốt chín chục năm qua, uống dòng nước sông Túy Loan lượn lờ trôi; mái ngói, sân đình này như ngôi nhà thứ hai của ông. Từng ngóc ngách, từng chỗ gạch rơi vỡ, những nét chữ bị mờ trên bia ông đều nhận ra đầu tiên. Ông là ánh lửa bập bùng cháy giữa đình mà khó ai có thể thay thế. Ông bảo rằng, chẳng phải riêng ông mà thế hệ kế cận sẽ gìn giữ, lưu truyền và phát huy những nét đẹp của văn hóa làng. Dù bao nhiêu điều đã đổi thay trên quê hương nhưng mái đình, cây đa, bến nước vẫn còn. Những giá trị tốt đẹp sẽ trường tồn với thời gian.

Rời mái đình cổ kính với cây đa in bóng, tôi nghe như lời ông hát văng vẳng: “Ai về nơi hướng Phú Hòa / Túy Loan hiền dịu cầu qua hai đường / Đường lên nơi cấm Chu Hương / Đường vào Bàu Thị thân thương hiền lành / Cánh đồng giữa lúa xanh biêng biếc / Sóng lăn tăn chi biết bao tình / Tình vui tình đẹp tình xanh / Tình ta gửi trọn cho đình làng ta / Túy Loan quê đẹp hiền hòa / Ai về xin hãy ghé qua thăm đình”.

Hải Âu


 

;
;
.
.
.
.
.