Từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, khắp huyện Hòa Vang lại vào mùa lễ hội. Mở đầu là lễ hội đình làng Túy Loan (mồng 9, mồng 10 tháng Giêng) và những lễ hội lớn nhỏ khác như: lễ hội Mục đồng (khoảng 3-4 năm/1 lần tại đền Thần Nông, làng Phong Nam, xã Hòa Châu), lễ hội đình làng Bồ Bản (3 năm 1 lần)… Trong các lễ hội, bên cạnh phần nghi lễ linh thiêng, trang trọng thì những trò chơi dân gian vui nhộn, gần gũi là một hoạt động không thể thiếu.
Lễ hội đua ghe truyền thống tại Túy Loan được tổ chức thường niên trong khuôn khổ lễ hội đình làng Túy Loan. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ |
Ghé lại Túy Loan vào những ngày đầu Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, dễ dàng nhận ra được sự háo hức, mong chờ của người dân cũng như sự tất bật của ban tổ chức cho lễ hội đình làng Túy Loan vào hai ngày mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng. Nhiều người dân bảo rằng, dịp Tết, vui nhất là mồng 9, mồng 10 chứ không phải là 3 ngày Tết.
Đến với lễ hội, người dân không chỉ được chứng kiến, tham gia vào những nghi lễ truyền thống: Lễ ngưỡng vọng cung nghinh chư vị thần Sắc, lễ rước sắc phong, mà còn được vui chơi với những trò chơi dân gian. Ông Nguyễn Thông, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đình làng Túy Loan năm 2019 cho hay: “Trong phần trò chơi dân gian năm nay, chúng tôi tổ chức các trò chơi: nướng bánh tráng, gói bánh tét, đi cà kheo, kéo co, thi bắt lươn. Ngoài ra, còn có hô hát bài chòi. Số lượng trò chơi sẽ còn tùy vào điều kiện kinh phí và thời gian tổ chức, có năm chỉ tổ chức 4-5 trò chơi, có năm lại tổ chức 6-7 trò chơi”.
Trò chơi dân gian được tổ chức tại các lễ hội đình làng ở huyện Hòa Vang lần đầu cách đây chừng 20 năm, gồm nhiều trò chơi đã có từ xa xưa như: leo chuối, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy,… và các trò chơi nhằm tôn vinh các làng nghề truyền thống ở Hòa Phong cũng như món ăn truyền thống dịp Tết như: gói bánh tét, tráng bánh và thi nướng bánh tráng. Còn về hô hát bài chòi thì được đưa vào phần hội từ năm 2013, do Câu lạc bộ Bài chòi Sông Yên biểu diễn. “Tính đến nay, Hòa Vang là một trong số ít địa phương còn duy trì được các trò chơi dân gian độc đáo”, ông Lê Đinh Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Hòa Vang nhận định.
Chị Đặng Thị Thúy Điệp (sinh năm 1998, ngụ thôn Túy Loan Tây 2, xã Hòa Phong) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, đến mồng 9, mồng 10 tháng Giêng, tôi đều đi lễ hội đình làng Túy Loan. Tôi đã tham gia khá nhiều trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, bắt lươn,… Còn những trò như nướng bánh tráng, gói bánh tét thì chủ yếu là mấy cô, mấy bác gái chơi, còn đám trẻ chúng tôi chỉ phụ thổi lửa và những việc vặt; hay trò leo chuối thì rất khó nên tôi cũng chưa bao giờ chơi. Nhưng cho dù tham gia chơi hay chỉ nhìn mọi người chơi thì các trò chơi đều đem đến cho tôi một sự hứng thú”.
Thời gian gần đây, quy mô, tầm vóc của các trò chơi cũng không ngừng được nâng lên, tiêu biểu như lễ hội đua ghe truyền thống trên sông Túy Loan được tổ chức trong lễ hội đình làng Túy Loan. Từ một lễ hội của 4 thôn Túy Loan (thôn Túy Loan Đông 1, thôn Túy Loan Đông 2, thôn Túy Loan Tây 1, thôn Túy Loan Tây 2), từ năm 2016, lễ hội đua ghe trở thành lễ hội cấp huyện.
Ông Ngô Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho hay: “Ngày trước, lễ hội đua ghe truyền thống ở Túy Loan chỉ diễn ra trong phạm vi các thôn ở Túy Loan. 4 thôn Túy Loan chia làm 4 đội và thi với nhau. Thời gian sau vì thấy tốn kinh phí nên 4 thôn Túy Loan gom lại thành 2 đội và mời các thôn khác ở xã Hòa Phong tham gia cùng. Từ năm 2016 đến nay, lễ hội trở thành lễ hội cấp huyện nên xã Hòa Phong đóng vai trò là 1 đội thi rồi mời các xã khác trên địa bàn huyện cùng tham gia”.
Thi gói bánh tét, một trong những trò chơi dân gian thường được tổ chức trong phần hội của lễ hội đình làng Túy Loan. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ |
Một đội đua ghe gồm 11-12 vận động viên nam, từ 20 đến 35 tuổi. Để có một thể lực tốt nhất cho ngày đua, các vận động viên được chọn đã tranh thủ tập luyện cùng nhau từ những ngày cuối năm và ngay sau 3 ngày Tết lại bắt đầu tập luyện lại đến sát ngày đua.
Anh Võ Văn Toàn (sinh năm 1996, ngụ thôn Thạch Bồ) từng tham gia đua ghe cho hay: “Để chuẩn bị cho lễ hội đua ghe, chúng tôi bắt đầu tập luyện từ 20 đến 29, 30 tháng Chạp; rồi khoảng từ mồng 5 Tết là bắt đầu luyện tập lại cho đến ngày đua. Đua ghe tốn rất nhiều sức nên nếu không luyện tập, có sức khỏe tốt thì khó mà hoàn thành quãng đường đua cùng những người đồng đội của mình. Tôi cảm thấy rất phấn khích, hào hứng với lễ hội truyền thống này”.
Cũng từng tham gia vào đua ghe, ông Nguyễn Thông chia sẻ: “Ghe tới đâu thì bà con đứng dọc bờ sông Túy Loan lại hô hào, cổ vũ đến đó. Người thôn nào thì cổ vũ thôn đó. Vui và nhộn nhịp lắm”.
Những trò chơi dân gian như một thông điệp khá đầy đủ về đời sống văn hóa tinh thần, về lối sống, nếp nghĩ, nguyện vọng của toàn thể cộng đồng. Như lễ hội đua ghe ở Túy Loan vốn xuất phát từ vị trí của làng là một nơi thấp trũng, mùa mưa lại lụt nên lễ hội như một lời cầu nguyện cho một năm mưa thuận gió hòa và ngày nay nó còn có ý nghĩa là dịp để thanh niên thi tài trên sông nước cũng như rèn luyện sức khỏe; hay như trò nướng bánh tráng để nhằm tôn vinh làng nghề bánh tráng truyền thống từ xưa đến nay ở Túy Loan.
Các trò chơi dân gian nằm trong phần hội, góp phần tạo nên một cấu trúc thống nhất, hoàn chỉnh cho lễ hội. Nhờ đó người dân khắp nơi đến ngày là tìm về hội làng, như muốn sống trong những ngày được cười hết mình với những niềm vui trọn vẹn.
MAI HIỀN