Từ tình yêu quê hương, nguồn cội

.

“Nhớ thuở xưa vua Hùng Vương dày công dựng nước/ Tiền nhân ta mới đặng lập nghiệp khai cơ/ Công đức cao dày, uy nghi sáng tỏ, vật tạo bởi trời, người sinh vì tổ/ Khi xưa đất Bắc trấn thủ Quảng Nam dinh cần lao há dễ quên ơn/ Thiết lập làng Bàu Trác sau cải Thái Lai xã hiệu/ Cũng có vị khai cơ, cũng có ngài khai khẩn...”

Ông Đỗ Hữu Thanh tự hào giới thiệu bia lịch sử đình làng Thái Lai. Ảnh: T.T
Ông Đỗ Hữu Thanh tự hào giới thiệu bia lịch sử đình làng Thái Lai. Ảnh: T.T

Trong ánh nắng như rót mật ngày đầu xuân, ở đình làng Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), ông Đỗ Hữu Thanh, Trưởng Ban quản lý đình làng say sưa đọc bài văn tế của lễ hội đình làng quê hương như thế. Bài văn tế thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước; lòng biết ơn, niềm tự hào tổ tông, nguồn cội. Bài tế do chính ông và anh trai dốc sức soạn thảo, rồi trở thành hồn cốt phần lễ của lễ hội đình làng ngót 19 năm, từ khi người làng Thái Lai quyết định lấy ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch (thay vì 12-3 âm lịch trước đây) làm ngày mở hội đình làng. 

Là hậu duệ của tiền hiền họ Đỗ - một trong ba vị tiền hiền có công khai khẩn làng Thái Lai ngày nay là Mai Đại Loan, Đỗ Văn Mẫn, Nguyễn Văn Đời, ông Đỗ Hữu Thanh có niềm đam mê đặc biệt với Nho học. Ông lần mò học chữ Hán từ những năm bao cấp, rồi dịch lại những văn bản, văn tự do dòng họ còn lưu giữ được về làng. Càng dịch, ông Thanh càng tự hào, thấm thía truyền thống quê hương. Lễ hội đến, ông cũng là người lo liệu những nghi thức cúng kính, cố vấn sắp xếp, tổ chức lễ hội sao cho khoa học, không rình rang mà vẫn bảo đảm những giá trị gốc. Xong lễ hội thì lo tranh thủ truyền dạy các lễ nghi cho thế hệ trẻ, thành thử quanh năm ông Thanh hầu như chẳng có ngày thảnh thơi. Ông chính là một trong những đại diện tiêu biểu của những người dân chân chất - chủ nhân của các lễ hội đình làng trên địa bàn huyện Hòa Vang giàu truyền thống này. Những việc ông đang làm vừa là nghĩa vụ, cũng là niềm vinh dự với làng, với tổ tông.

Theo ông Thanh, lễ hội đình làng ngày nay dù được tinh gọn nhiều thủ tục so với ngày xưa nhưng có những thứ vẫn phải bất di bất dịch, phải lo cho chu toàn. Ví như chỉ tính trong ban lo phần lễ, Ban quản lý đình làng cũng phải khá “đau đầu” để chọn ra những người có năng lực, uy tín làm chánh bái, hai bồi bái, ông văn, ông xướng... Ngay cả người đánh trống, khua chiêng lễ hội cũng được đại diện làng lựa chọn kỹ lưỡng, chứ không tùy tiện. Riêng vai chánh bái sẽ được làng họp bàn, quyết định cuộc họp vào ngày 24 tháng Chạp hằng năm. Trước khi diễn ra lễ hội, sẽ có những cuộc họp quan trọng do trưởng thôn chủ trì với sự có mặt của các bậc cao niên, chức sắc làng, đại diện các đoàn thể để chọn ra Ban tổ chức lễ hội; nghiên cứu chọn lựa, phân công những người tổ chức các trò chơi phù hợp, bảo đảm phần hội diễn ra vui tươi, tiết kiệm. Trưởng thôn Thái Lai Đỗ Tư thừa nhận, dù lễ hội đình làng này được tổ chức thường niên, song năm nào ông cũng lo lắng, hồi hộp đến “mất ngủ”. “Mệt thì có mệt nhưng rất vui và tự hào”, ông Đỗ Tư thổ lộ.

Qua làng Túy Loan (xã Hòa Phong) nức tiếng - nơi có lễ hội của đình làng hàng trăm năm tuổi, những bậc cao niên như cụ Nam Khôi, Đặng Nga, Đặng Công Ngọc, Đặng Công Trận... luôn được người làng nhắc kể trong niềm tự hào. Họ chính là những “bảo tàng sống”, là “linh hồn” của các lễ hội đình làng nơi đây. “Mấy cụ dù tuổi cao sức yếu nhưng bao giờ cũng hết lòng vì việc làng, vì quê hương. Đối với các cụ, đó dường như là niềm vui, là lẽ sống”, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Ngô Văn Nhân xúc động nhận xét.

Theo ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, chừng 10 năm trở lại đây, lễ hội đình làng trên địa bàn huyện có sự chuyển biến, khởi sắc khi đời sống người dân ngày càng được nâng lên, và đặc biệt khi người dân được trao quyền làm chủ lễ hội địa phương mình thay vì chính quyền đứng ra tổ chức như trước đó. Trong tinh thần trách nhiệm cùng niềm tự hào, đối với người dân địa phương, lễ hội đình làng đã trở thành điểm tựa tinh thần gắn kết cộng đồng, nơi lưu giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp, đồng thời cũng là nền tảng xây dựng những giá trị mới. Và, không có những người như ông Đỗ Hữu Thanh, các cụ Nam Khôi, Đặng Nga, Đặng Công Ngọc, Đặng Công Trận, những Trưởng thôn tâm huyết như ông Đỗ Tư... và đặc biệt những người dân không tên không tuổi tình nguyện đóng góp kinh phí, lo dọn vệ sinh, trang trí, tổ chức những trò chơi dân gian..., thì những giá trị đẹp của lễ hội đình làng Hòa Vang khó được bảo tồn.

Theo ông Đặng Nga, Hội chủ làng Túy Loan, thì dù nông thôn ngày nay không còn như trước, nhưng mỗi dịp Tết đến, Xuân về, tiếng trống lễ hội đình làng vẫn “thúc giục” lòng người. “Đó không chỉ là dịp để người người, nhà nhà thành kính cầu nguyện một năm mới an bình, mùa màng tươi tốt, mà lễ hội chính là hồn của quá khứ, của văn hóa làng xã từ bao đời, là nền tảng của tình yêu quê hương, đất nước bền vững”.

THANH TÂN
 

;
;
.
.
.
.
.