Một làn sóng lớn như thể muốn nhấn chìm ba chiếc thuyền đánh cá, trên đầu ngọn sóng, bao quanh các chóp bọt nước biển kéo dài như móng vuốt, đe dọa những người chèo thuyền bên dưới. Một cảnh tượng hùng tráng về cuộc đấu tranh của con người trước hiểm họa từ thiên nhiên, lấn át ngọn núi Phú Sĩ thiêng liêng ngay phía sau ngọn sóng… Đó là bức tranh The Great Wave off Kanagawa - Ngọn sóng khổng lồ Kanagawa, một bản in khắc gỗ của nghệ sĩ người Nhật Bản Katsushika Hokusai, một trong những tác phẩm nghệ thuật châu Á mang tính biểu tượng nhất thế giới.
Ngọn sóng khổng lồ ở Kanagawa - Tranh khắc của Katsushika Hokusai |
Hokusai đã dành phần lớn cuộc đời của mình ở quận ven sông Sumida, Tokyo, và có lẽ, Ngọn sóng khổng lồ ở Kanagawa là tác phẩm đầu tiên trong loạt tranh “Ba mươi sáu quang cảnh núi Phú Sĩ” - một nghiên cứu điêu luyện về ngọn núi cao và đáng kính nhất của Nhật Bản. Các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ nổi tiếng bao gồm những người theo trường phái ấn tượng Pháp như Edgar Degas và Claude Monet và họa sĩ bậc thầy người Hà Lan Vincent van Gogh, đều ngưỡng mộ tác phẩm này.
Nhiều người cho rằng bức tranh Ngọn sóng khổng lồ ở Kanagawa là “bản chất” của văn hóa Nhật Bản. “Bóng dáng mạnh mẽ của ngọn núi và hình dạng của sóng chạm ngay vào trái tim của người xem”, Atsuko Okuda, người phụ trách chính của Bảo tàng Sumida Hokusai ở Nhật Bản nói.
Mô hình thu nhỏ họa thất của Hokusai tại Bảo tàng Edo-Tokyo. |
Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình, Katsushika Hokusai đã tạo ra khoảng 30.000 tác phẩm mỹ thuật. Trong đó, bản in mộc Ngọn sóng khổng lồ ở Kanakawa được sản xuất cho đến 60 năm sau khi Hokusai bắt đầu sáng tạo nghệ thuật.
Trong sự nghiệp của Hokusai, các chính sách nghiêm ngặt của chính phủ Nhật Bản đã ngăn chặn mọi hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa, đồng thời cấm người dân và người nước ngoài tự do ra vào nước này. Khi Nhật Bản mở cửa vào những năm 1850, châu Âu đã nhanh chóng nắm bắt nghệ thuật Nhật Bản, đặc biệt là tác phẩm của Hokusai đã rơi vào tay một số nghệ sĩ phương Tây nổi tiếng nhất trong lịch sử, kể cả Claude Monet, người đã thu thập 23 bản in của nghệ sĩ Nhật Bản.
Sự ảnh hưởng của mỹ thuật Nhật Bản ra nước ngoài ngày càng tăng thể hiện rõ trong kiệt tác của Hokusai, với sắc thái phong phú của màu xanh được sử dụng trong các bản in. Màu xanh biển đậm là màu tổng hợp được tạo ra vào thế kỷ 18, được đánh giá cao về độ sâu và độ bền. Việc Hokusai sử dụng màu sắc chủ đạo này trong tác phẩm nhằm mô tả Nhật Bản trên đỉnh của sự thay đổi. Dù ngọn sóng trong tranh vờn cao cho thấy sự bất ổn và nguy hiểm nhưng nó cũng gợi ra tiềm năng và triển vọng.
Chân dung Hokusai - Tranh của Keisai Eisen |
Vào những năm 1860, sự phát triển của nghệ thuật ukiyo-e (một thể loại nghệ thuật phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ XVII - XIX tại Nhật Bản) ở châu Âu dẫn đến một niềm đam mê nghệ thuật Nhật Bản ở phương Tây, được gọi là “Japonisme” - trường phái Nhật Bản. Các màu sắc và đường viền đậm được tìm thấy trong một bức tranh vẽ cô gái Nhật của Van Gogh cho thấy ảnh hưởng của các bản in khắc gỗ của Nhật Bản.
Katsushika Hokusai, được cho là sinh vào ngày 30-10-1760, một họa sĩ theo nghệ thuật Ukiyo-e và nhà in Katsushika. Hokusai sử dụng 30 bút danh trong suốt sự nghiệp của mình. Trong số này, tên Hok Hokusai có nghĩa “Họa thất phía bắc”. Hệt như việc thay đổi bút danh, Hokusai không bao giờ thích ở một nơi quá lâu, và đến cuối đời, ông đã tái định cư tổng cộng… 93 lần. Bởi Hokusai được cho là ghét phải dọn dẹp, và thường để nhiều nơi ở của mình tích tụ bụi bẩn trước khi không thể chịu đựng chúng được nữa, ông phải bỏ đi.
Sắc màu và đường viền đậm trong bức tranh Thiếu nữ Nhật của Van Gogh cho thấy ảnh hưởng các bản in khắc gỗ của Nhật Bản. |
Trong thế kỷ 19 ở Nhật Bản, học đọc và viết cũng có nghĩa là học vẽ và Hokusai nhanh chóng bắt đầu thể hiện tài năng nghệ thuật khi chỉ mới 6 tuổi. Ở tuổi thiếu niên, Hokusai làm nhân viên bán hàng trong thư viện, và sau đó anh trở thành một thợ mộc khắc gỗ, nơi anh học được kiến thức và kỹ năng mà sau này dẫn dắt anh tạo ra những tác phẩm trong sự nghiệp 70 năm hoạt động nghệ thuật nổi tiếng nhất cho đến ngày nay.
HOÀNG ĐẶNG (theo CNN)