BẢO TÀNG ĐIÊU KHẮC CHĂM ĐÀ NẴNG

Đôi điều về Đài thờ Đồng Dương - Bảo vật quốc gia thứ 4

.

Đài thờ Đồng Dương hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vừa được công nhận là báu vật quốc gia, theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là hiện vật thứ 4 của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được công nhận là bảo vật quốc gia.

Đài thờ được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm và một số mặt pa-nô tiêu biểu của Đài thờ Đồng Dương. Ảnh: V.V.T
Đài thờ được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm và một số mặt pa-nô tiêu biểu của Đài thờ Đồng Dương. Ảnh: V.V.T

Hiện nay tất cả các đền tháp Chăm còn đứng vững tại miền Trung Việt Nam đều là những đền tháp Hindu giáo. Tuy nhiên, những cứ liệu văn khắc và khai quật khảo cổ cho thấy Phật giáo đã có thời kỳ phát triển ở vương quốc Champa bên cạnh Hindu giáo. Đặc biệt, cuộc phát quang và khai quật năm 1902 tại làng Đồng Dương, tỉnh Quảng Nam đã phát lộ dấu tích một quần thể công trình Phật giáo quy mô lớn của Champa.

Di tích này được nói đến trong các tài liệu công bố sau đó với tên gọi là “Di tích Đồng Dương” hay “Phật viện Đồng Dương”. Một số hiện vật thu thập được từ Phật viện Đồng Dương đã được chuyển về Đà Nẵng từ năm 1935 và đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng; trong số đó có một đài thờ lớn có chạm nổi các hình ảnh về cuộc đời Đức Phật Thích-ca-mâu-ni. Đó chính là Đài thờ Đồng Dương, vừa được công nhận là báu vật quốc gia!

Đài thờ này được tìm thấy trong tình trạng đã bị đổ nát trong ngôi tháp chính của khu vực I của di tích. Dựa trên miêu tả và các ảnh chụp, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã lắp đặt lại đài thờ và trưng bày tại Bảo tàng.

Trong công trình nghiên cứu về nghệ thuật Chăm xuất bản năm 1963, Jean Boisselier đã so sánh các bức ảnh của đài thờ này với các bức chạm nổi ở di tích Phật giáo Borobudur (Indonesia) và cho rằng các nghệ nhân Chăm đã chạm khắc các cảnh trên đài thờ Đồng Dương theo chủ đề trong các kinh, truyện về cuộc đời Đức Phật. Ông chỉ ra ý nghĩa một số pa-nô thể hiện cảnh Hoàng hậu Maya sinh Thái tử ở vườn Lâm Tỳ Ni, cảnh Thái tử trong cuộc thi bắn cung, Thái tử cắt tóc và thay y phục, cảnh người hầu Chandaka và con ngựa Kanthaka quay về kinh thành, về đội quân của Ma vương và các con gái…

Trong cuốn sách Phật viện Đồng Dương xuất bản năm 2015, tác giả Ngô Văn Doanh đã đưa ra cách giải thích ba mặt của đài thờ mô tả ba giai đoạn của cuộc đời Đức Phật. Đó là những hình ảnh chạm khắc ghi lại sự kiện Bồ tát từ cõi trời Đâu suất hạ sanh xuống cõi Ta bà, cảnh Đức Phật đản sanh ở vườn Lâm Tỳ Ni, theo như ghi chép trong các kinh truyện Phật giáo. Các bức chạm khắc trên mặt bắc của Đài thờ kể về quãng đời Thái tử Tất Đạt Đa trưởng thành và xuất gia. Pa-nô tả cảnh Thái tử ra đi, từ bỏ cuộc sống kinh thành…

Mặt nam của đài thờ là các cảnh về quá trình tu tập và giác ngộ của Ngài Thích-ca-mâu-ni. Kinh Đại Trang Nghiêm (Lalitavistara sutra) kể Đức Thích-ca-mâu-ni trải qua thời gian dài học đạo với nhiều tu sĩ và 6 năm tu khổ hạnh, sau cùng Ngài từ bỏ lối tu ép xác để trở về con đường trung đạo, đi đến cánh rừng Gaya ngồi dưới gốc cây bồ đề tập trung thiền định và chứng ngộ. Trong khi chư thần các cõi trời tụ hội chào mừng thành quả giác ngộ của Đức Thích ca thì Ma vương cùng đội quân Ma vương dùng nhiều phương cách quấy nhiễu. Cuối cùng sức mạnh tự tâm của Đức Giác ngộ đã hàng phục ma vương.

Các tài liệu lịch sử và chứng cứ khảo cổ học cho thấy Phật giáo du nhập vào Champa khá sớm và đã phát triển từ thế kỷ 7, thể hiện qua ghi chép về cuộc đánh phá của Trung Quốc vào Champa năm 605, thu giữ nhiều kinh sách và tượng Phật. Cho đến thế kỷ 10, các nội dung ghi trên văn bia và các tượng Phật tìm thấy ở các di tích Champa cho thấy sự xuất hiện của các tông phái Phật giáo như Kim cương thừa, Mật tông (Nandana Chutiwongs 2005). Ở di tích Đồng Dương, cũng đã tìm thấy tượng Phật Tì-lô-giá-na, là Pháp thân của Phật Thích-ca-mâu-ni, và tượng đồng Laskmindra Lokesvara, là một hiện thân của Bồ tát Quán Thế Âm trong Phật giáo Đại thừa. (Nguyen 2005, Woodward 2011). Đài thờ ở di tích Chăm tại Đồng Dương với các hình ảnh chạm khắc về sự tích đản sanh và giác ngộ của Đức Phật Thích-ca-mâu-ni là một hiện vật hiếm hoi, chứng minh cho sự phát triển của Phật giáo trong thời kỳ này.

Di tích Đồng Dương là một trung tâm tu hành và thờ tự Phật giáo quan trọng của Champa. Một bản văn khắc tìm thấy ở Đồng Dương cho biết Phật viện được xây dựng vào cuối thế kỷ 9. Hiện nay toàn bộ kiến trúc của Phật viện không còn nữa, chỉ còn lại dấu vết nền móng và nhiều hiện vật, tượng thờ đã được đưa về các bảo tàng. Hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia là một đài thờ có kích thước lớn nhất trong loại hình đài thờ Champa được phát hiện.

Về mặt nghệ thuật, đây là một tác phẩm kể chuyện bằng điêu khắc còn được bảo tồn khá hoàn chỉnh, với các thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của Champa. Đặc biệt cách sử dụng các pa-nô đặc tả xen kẽ với các bức chạm chi tiết minh họa cho chủ đề là một bố cục sáng tạo, ít thấy ở các nơi khác. Đường nét điêu khắc và hoa văn trang trí trên đài thờ được xem là tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật căn bản trong lịch sử phát triển nghệ thuật điêu khắc Champa, được giới chuyên môn gọi tên là “phong cách Đồng Dương”.(*)

Võ Văn Thắng

(*) Bài viết này có sử dụng nội dung của mục “Đài thờ Đồng Dương” trong tập sách Vibrancy in Stone, Trần Kỳ Phương, Võ Văn Thắng và Peter Sharrock biên tập, Nxb River Books Thái Lan, 2017.

;
;
.
.
.
.
.