Bệnh tự kỷ ở Đông Nam Á

.

Trung tâm mua sắm Sunway Putra trở thành “trung tâm tự kỷ thân thiện” đầu tiên ở Malaysia sau khi công bố hàng loạt tính năng phục vụ cho những người mắc chứng tự kỷ có cơ hội tham gia vào hoạt động cộng đồng nhiều hơn. Riêng ngày thứ ba trở thành “ngày mua sắm tự kỷ thân thiện” để các gia đình có người tự kỷ thưởng thức không gian đèn sáng mờ, âm nhạc dịu dàng, bãi đậu xe riêng biệt, hỗ trợ mua sắm, giảm giá và được ưu tiên khi xếp hàng thanh toán tại quầy.

Một trẻ tự kỷ ở Singapore đang tập vẽ.
Một trẻ tự kỷ ở Singapore đang tập vẽ.

Tự kỷ là một khuyết tật phát triển phức tạp trong 3 năm đầu đời do rối loạn thần kinh gây ảnh hưởng tới hoạt động của não trong lĩnh vực giao tiếp xã hội. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính tỷ lệ 1/160 trẻ em bị tự kỷ, bắt đầu từ thời thơ ấu kéo dài tới tuổi thiếu niên và trưởng thành. Những người này thường khó khăn trong việc liên hệ với thế giới bên ngoài. Nguyên nhân mắc bệnh chưa được xác định chắc chắn, phương pháp chữa bệnh này tới nay vẫn chưa tìm ra và các chương trình đào tạo kỹ năng chỉ giúp giảm bớt khó khăn cho người tự kỷ khi bước ra xã hội.

Mức độ nhận thức về bệnh tự kỷ của người dân Đông Nam Á đã tăng trong những năm gần đây. Dần dần có nhiều sáng kiến được thực hiện và nhiều tổ chức được thành lập khắp khu vực để tăng cường khả năng hỗ trợ cho người mắc bệnh.

Malaysia có hơn 300.000 người mắc bệnh tự kỷ, Singapore là 50.000 người, Indonesia ước khoảng 638.000 người, Philippines tăng từ 500.000 người hồi năm 2008 lên gấp đôi vào năm 2014… Tuy nhiên, con số thống kê người mắc bệnh tự kỷ ở Đông Nam Á trên được coi là vẫn còn thiếu sót do việc thu thập thông tin và khả năng nhận thức của người dân ở vùng nông thôn còn thấp nên chắc chắn đó chưa phải là số lượng thực tế.

Mạng lưới tự kỷ Đông Nam Á được thành lập năm 2010, gồm các tổ chức hỗ trợ gia đình có người tự kỷ từ các quốc gia thành viên. Đó là nền tảng để hợp tác trong việc phát triển các chương trình không phân biệt đối xử để hỗ trợ người mắc bệnh. Đại hội thể thao tự kỷ Đông Nam Á lần thứ tư, diễn ra hồi năm ngoái ở Jakarta, Indonesia thu hút 220 trẻ em mắc bệnh từ khắp nơi trong khu vực về thi đấu bơi lội và điền kinh. 10 quốc gia thành viên khu vực đã ký Tuyên bố Thimphu (thủ đô Bhutan) năm 2017 nhằm tập trung vào việc tích hợp nhu cầu của những người mắc bệnh tự kỷ và gia đình họ vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và y tế quốc gia.

Trong lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Đông Nam Á lần thứ 33 tại Singapore hồi tháng 11 năm 2018, lãnh đạo khu vực đã trao giải thưởng cho bà Erlinda Uy Koe, Chủ tịch Hội Tự kỷ Philippines (ASP). Hội này đã có đến 96 chương trình trên toàn quốc nên được coi là tổ chức khuyết tật hoạt động sôi nổi nhất Philippines. Giải thưởng này nhằm công nhận những thành tựu, đóng góp đầy cảm hứng của cá nhân hay tổ chức để thúc đẩy bản sắc khu vực, tinh thần Đông Nam Á.

Dự án bản đồ tự kỷ Đông Nam Á đang được thực hiện để xác định mật độ người mắc bệnh ở vùng quốc gia, khu vực. Thông qua đó nhằm xây dựng hồ sơ quốc gia làm nguồn dự liệu chính xác về tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ, tạo cơ sở cho việc trao đổi hợp tác giữa các tổ chức được thuận lợi và hiệu quả hơn. Quan trọng hơn, các tổ chức đang nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng luật pháp, chính sách nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền cho người mắc bệnh tự kỷ ở Đông Nam Á.

ANH THƯ (theo ASEAN Post)

;
;
.
.
.
.
.