Tên sách là Phẩm cách cha mẹ, nhưng đây xứng đáng là một “cẩm nang cho các bậc cha mẹ” vì bạn có thể tìm thấy trong sách gần như tất cả những điều mà những người làm cha, làm mẹ cần trong quá trình nuôi dạy con, từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.
Bìa sách Phẩm cách cha mẹ. Ảnh: Internet |
Tác giả cuốn sách là một nhà giáo dục có uy tín ở Nhật Bản hiện nay - bà Bando Mariko, sinh năm 1946, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Nữ sinh Showa. Sách đã được bán tới 900.000 cuốn tại Nhật Bản.
Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia hiện đại hóa nhanh chóng nhưng có lẽ còn nổi tiếng hơn về cách sống, cách ứng xử mẫu mực với đồng loại và thiên nhiên. Chúng ta còn nhớ sau trận động đất kinh hoàng vì sóng thần năm 2011, những người dân Nhật Bản đã nhường nhịn, tôn trọng những quy tắc ứng xử trong đời sống xã hội như thế nào. Có được điều đó, chính là nhờ các thế hệ cha mẹ người Nhật đặc biệt coi trọng việc giáo dục con cái, từ những điều tưởng như nhỏ nhặt. Bà Bando Mariko đã viết cuốn sách này từ những trải nghiệm bản thân kết hợp với tri thức của một nhà giáo dục nhiều kinh nghiệm.
Cuốn sách có 7 chương: Giáo dục sinh mệnh; Giáo dục phép tắc cư xử; Giáo dục nhân tính; Sự tiếp xúc với trường học; Giáo dục trẻ tuổi “teen”; Cách tiếp cận thông tin; Duy trì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái khi các con đã trưởng thành. Bảy chương sách với 66 điều cha mẹ muốn dạy con cái, khiến cuốn sách gần như một công cụ tìm kiếm đắc lực cho các bậc cha mẹ.
Chẳng hạn, hầu như ai cũng biết rằng, việc đáp ứng nhu cầu, phục tùng cảm xúc của trẻ “vô điều kiện” sẽ dễ làm trẻ “leo thang” các đòi hỏi, nhưng “đối phó” thế nào là cả vấn đề không đơn giản. Phẩm cách cha mẹ, có những lý giải về mặt tâm lý khá tinh nhạy: “Hạnh phúc của con người là thứ mà bản thân người đó có được khi trải qua gian khổ... Niềm vui là thứ mà càng khó có nó trong tay thì khi có nó, người ta sẽ càng cảm thấy sung sướng. Việc mua cho con món đồ con thích ngay khi con muốn sẽ tước đi niềm vui của con...”.
Hơn thế, tác giả còn hướng dẫn các bậc bố mẹ “tạo ra khoảng thời gian giúp trẻ suy nghĩ, bình tĩnh lại” bằng cách hẹn, ví như “Bố/mẹ sẽ mua cho con vào lần sinh nhật tới” hay “Tết, bố/mẹ sẽ mua cho con”… Như thế, sẽ giúp trẻ vốn dễ thay đổi nhu cầu, sẽ suy nghĩ kỹ xem bản thân có thực sự thích món đồ đó hay không; và nhiều khi trẻ sẽ thay đổi và “việc trẻ hối hận nghĩ rằng “giá như mình chọn cái kia sẽ tốt hơn” sẽ trở thành trải nghiệm tốt và trẻ cũng sẽ học được về trách nhiệm cá nhân”.
Dạy con biết nhận lỗi, tính trách nhiệm, cuốn sách nêu trường hợp nhiều cha mẹ thường do quá lo lắng khi thấy con phạm lỗi đã mau mắn nói: “Tôi thành thật xin lỗi! Xin lỗi vì đã làm phiền đến nhà bác”. Nhưng như thế, vô tình cha mẹ sẽ không làm cho trẻ nhận trách nhiệm cho những việc mình gây ra. Cuốn sách còn cung cấp những bài học thú vị về dạy con những ứng xử lịch sự, phải phép khi lên tàu xe hay đến chỗ đông người…
Tất cả đầu chuyện nhỏ, rất nhỏ - sẽ có người cho là “vụn vặt”, nhưng giáo dục con như thế mới có thể tạo nên những con người luôn có trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, nhất là khi thế giới và lớp trẻ có xu hướng đề cao tự do cá nhân.
“Luôn giữ lời hứa”, “Khiếm tốn vừa phải”, “Dạy con không bắt nạt người khác”, “Nếu trẻ gặp rắc rối”, “Coi trọng tổ tiên”, “Không cần đặt ti-vi trong phòng của con”, “Khi con kết hôn”, “Về tiền bạc và tài sản”, “Chăm sóc cha mẹ”, “Phẩm cách của di chúc”… Hay một vấn đề như định hướng, lựa chọn nghề nghiệp cho con, tác giả đặt ra nhiều tình huống để mỗi người tùy điều kiện cụ thể mà vận dụng, v.v…
Không thể giới thiệu hết 66 điều cha mẹ muốn dạy con cái được tác giả thể hiện rất chi tiết từ nhiều góc độ trong Phẩm cách cha mẹ. Song, tin rằng với những gì vừa dẫn ra, Phẩm cách cha mẹ là cuốn sách đáng đọc, khi chúng ta ngày càng nhận thức vai trò quan trọng của gia đình trong việc xây dựng con người và cả đất nước trong thời đại mới…
Nguyễn Khắc Phê