Với tỉ lệ gia tăng bệnh ung thư như hiện nay, tầm soát là cách tốt nhất giúp phát hiện và diệt trừ ung thư từ giai đoạn mầm mống. Dù vậy, trên thực tế, nhiều người không thể làm hết các xét nghiệm cần thiết do chi phí tầm soát khá đắt đỏ và đa số không được bảo hiểm y tế thanh toán.
Tất cả mọi người đều có thể tầm soát ung thư, đặc biệt những người có nguy cơ mắc bệnh cao như hút thuốc lá; nghiện rượu; nhiễm virus viêm gan B, HPV; tiền sử gia đình có người mắc bệnh,… (Ảnh do Bệnh viện Phụ nữ cung cấp) |
“Khỏe mạnh bình thường, tới bệnh viện làm chi?”
Tuyết (tên nhân vật đã được thay đổi) ngồi bó gối. Đầu ngửa lên trần nhà. Thi thoảng, trong đôi mắt nhắm nghiền chảy ra dòng lệ ấm nóng. Mấy chị cùng phòng chép miệng: “Nó lại nhớ con đó. Tội nghiệp, thằng cu mới 6 tuổi đã phải xa cha mẹ. Ông bà nội ngoại cũng không ở gần. Giờ đang nhờ hàng xóm nuôi giùm”. Cái chép miệng, xót xa thương cảm đến rồi đi. Ai nấy lại trở về với cơn đau thể xác và niềm quay quắt của riêng mình. Thi thoảng lại nghe tiếng thở hắt ra nơi giường nào đó.
Cái nắng buổi chiều muộn yếu ớt hắt qua song cửa càng khiến không khí của căn phòng 501 khoa Ngoại 3, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng thêm buồn bã. Phòng toàn phụ nữ mà vắng hẳn tiếng ríu rít chuyện trò. Mãi đến khi ngoài hành lang vang lên tiếng í ới gọi nhau đến giờ lấy cháo, mấy chị mới lục tục trở dậy, cầm tô, chén đi ra ngoài.
Tuyết không đi. Chị vẫn ngồi như thế kể từ lúc tôi bước vào phòng. Tuyết sinh năm 1978, quê huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Một buổi chiều tháng 3-2013, trong lúc vui đùa cùng con, thằng bé nhỡ đụng tay khiến một bên ngực Tuyết đau nhói. Tuyết mơ hồ nghĩ đến ung thư. Chị một mình khăn gói vào Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra. Ung thư vú giai đoạn 2.
Chồng Tuyết làm phụ hồ. Nghe vợ mắc căn bệnh quái ác trong người, anh bủn rủn tay chân. Tuyết nhất quyết không cho chồng theo chăm sóc mình. Chị muốn anh ở nhà lo cho con. Chỉ đến tháng 8 năm 2018, khi không thể gắng gượng, chị mới để anh bên mình, đứa con nhỏ ở nhà bơ vơ. Hiện tại, cục bướu to ngang cổ chèn ép lên thanh quản khiến giọng nói Tuyết méo mó. Dù vậy, trừ những lúc buồn vì nhớ con, Tuyết rất thích nói. Có lẽ vì chị biết, cơ hội sống của mình chẳng còn bao lâu nữa. Bệnh viện trả về rồi. Hỏi Tuyết trước khi bị tác động đau ở vùng ngực, Tuyết đã bao giờ đi khám tầm soát vú, chị cười như mếu: “Tiền mô mà đi. Ở quê có biết tầm soát là chi đâu!”.
Nghe Tuyết nói, một vài chị trong phòng đồng tình: “Chúng tôi quanh năm lo làm tối mắt tối mũi làm chi mà nghĩ tới chuyện đi tầm soát ung thư. Với lại, phải đau cái chi trong người thì mới đi bệnh viện chớ người khỏe mạnh bình thường thì tới bệnh viện làm chi”.
Bà Nguyễn Thị K.Đ (trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) - người lớn tuổi nhất phòng ngậm ngùi: “Bởi vậy, chỉ có người nghèo là hay mắc bệnh chớ người giàu có tiền họ đi kiểm tra, tầm soát miết thì lấy chi bệnh tiến triển nặng như mình”. Bà Đ. bị ung thư vú giai đoạn 3. Bà sống một mình, không con cái, người thân. Buôn bán lặt vặt sống qua ngày, bà tích cóp mỗi ngày một ít để dành nhỡ đau ốm thì có tiền mà khám bệnh, thuốc men. Đó là tiền để dành khi bệnh nặng. Còn những lúc thấy đau trong người, thậm chí nổi u, hạch nhỏ mà vẫn chịu đựng được là bà sẽ không đi khám. “Đến bệnh viện khám sợ… ra bệnh” có lẽ là tâm lý chung của rất nhiều người.
Tầm soát đúng phương pháp giúp phát hiện bệnh sớm và giảm chi phí
Theo báo cáo của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, số lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng mỗi năm. Nếu năm 2017, số lượt khám bệnh là 77.409 người thì năm 2018, số lượt khám tăng lên 92.788 người. Số lượt người đăng ký khám tầm soát cũng tăng qua những năm gần đây, nhưng số lượng còn khá khiêm tốn với 793 lượt năm 2017 và 1.560 lượt năm 2018.
Bác sĩ (BS) Trần Tứ Quý, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, cho biết, việc tầm soát ung thư hiện nay chưa được người dân chú trọng. “Đa số bệnh nhân khi đến Bệnh viện Ung bướu đều đã ở giai đoạn muộn, gây khó khăn trong điều trị. Cũng vì phần lớn các bất thường của bệnh ung thư không khác với các bệnh lành tính, nhất là các rối loạn chức năng như: nhức đầu, sổ mũi, ù tai, ho, nuốt đau, đau bụng, ăn không tiêu, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, sụt cân, sốt… Nhưng sự khác biệt ở đây là các bất thường này sẽ kéo dài và dai dẳng dù cho có điều trị như bệnh lành tính”, bác sĩ Quý lưu ý.
Nhiều bệnh ung thư có khả năng chữa trị khỏi thông qua phát hiện sớm. Ảnh: Q.T |
Một mặt do thói quen, không phủ nhận thực tế, nhiều người không thể làm hết các xét nghiệm cần thiết do chi phí tầm soát ung thư hiện khá đắt đỏ (ước tính, chi phí cho việc tầm soát ung thư hiện rơi vào khoảng từ 4-10 triệu đồng, có nhiều xét nghiệm giá còn cao hơn) và không được BHYT thanh toán. Các chương trình tầm soát đối với một số bệnh ung thư thường gặp trong cộng đồng hiện ngành y tế vẫn chưa thể đảm đương hết.
Trong tình hình đó, giải pháp hữu hiệu nhất là người dân cần được trang bị những kiến thức và sự phòng bị cơ bản đối với những loại ung thư thường gặp cũng như khả năng điều trị bệnh. Đơn cử đối với hai loại ung thư khá phổ biến như ung thư vú và ung thư cổ tử cung có thể khỏi nếu được phát hiện sớm.
Dù vậy, hiện có khoảng 45.000 phụ nữ đang sống chung với ung thư vú ở nước ta thì có đến hơn một nửa số trường hợp được phát hiện muộn khiến hiệu quả điều trị thấp, chi phí cao. Ở một số quốc gia, tầm soát phát hiện sớm ung thư vú được khuyến cáo cho phụ nữ từ 40 tuổi và có thể phát hiện bằng phương pháp siêu âm.
Tại Việt Nam, tuổi mắc ung thư vú ở phụ nữ đang bị trẻ hóa với những bệnh nhân ung thư vú ở lứa tuổi sinh viên. Vì vậy, theo BS Quý, phụ nữ Việt nên tầm soát ung thư vú từ tuổi 30. Tầm soát là cách tốt nhất để phát hiện khối u ở giai đoạn khu trú, giúp các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và bảo toàn tính thẩm mỹ của cơ thể, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh.
Trong khi đó, theo BS CK2 Nguyễn Hữu Hòa (chuyên gia đầu ngành về ung thư vú và ung thư đầu, mặt, cổ), việc thăm khám, tầm soát ung thư thường xuyên là thói quen rất tốt, nhưng không phải đối tượng nào cũng tầm soát như nhau.
Theo BS Hòa, đứng đầu các danh sách cần thường xuyên đi tầm soát là nhóm đối tượng có những yếu tố nguy cơ hay có nguyên nhân gây ung thư cao như: nghiện rượu, hút thuốc lá, béo phì, làm việc trong môi trường độc hại, nhiễm virus viêm gan B, HPV cổ tử cung. Thứ hai là thuộc nhóm tuổi và giới có những ung thư thường gặp theo ghi nhận ung thư quốc gia thông báo. Thứ ba là những người thuộc dòng họ, gia đình có ung thư di truyền…
Cũng theo BS Hòa, bên cạnh khoanh vùng nhóm đối tượng cần tầm soát thường xuyên, phương pháp tầm soát đặc biệt quan trọng. “Hiện nay, một số nơi chưa dùng đúng phương pháp tầm soát để cho kết quả chính xác, đầy đủ nhất. Một thực tế nữa là, một số cơ sở y tế thường cho các xét nghiệm đi kèm không liên quan làm tăng thêm chi phí. Thứ ba, cần lưu ý việc dùng các phương tiện đắt tiền trong chẩn đoán các bệnh lý như CT scan, MRI, PET/CT để tầm soát ung thư toàn cơ thể, trong khi các phương tiện này chưa đủ tiêu chuẩn về độ an toàn phóng xạ (CT scan chẩn đoán), về khả năng phát hiện hay còn gọi là độ nhạy, về cải thiện tiên lượng sống còn của bệnh (giảm tử vong). Nếu có chương trình tầm soát ung thư cộng đồng thì sẽ nhắm vào nhóm các đối tượng có nguy cơ dễ mắc bệnh và bằng các phương tiện ít tốn kém, cho kết quả chính xác cao và nhất là đem lại lợi ích cải thiện sự sống cho người bệnh, nếu không thì cũng giảm tái phát”, BS Hòa nói.
Bác sĩ CK2 Nguyễn Hữu Hòa: Ung thư hiện được chia 5 giai đoạn, từ giai đoạn 0 đến 4. Sự phân chia giai đoạn này liên quan đến mức độ chữa khỏi và lựa chọn phương pháp điều trị tương ứng. Trong đó, giai đoạn 0 mức độ chữa khỏi có thể đến 100%, khi ung thư chưa di căn, xâm lấn xung quanh. Tuy nhiên, bệnh ung thư ở giai đoạn này không có bất thường nào thể hiện ra ngoài, vì vậy, chỉ được phát hiện qua tầm soát đúng phương pháp. Ung thư các giai đoạn 1, 2 và 3, mức độ chữa khỏi giảm dần và giai đoạn 4, khi ung thư đã di căn chạy xa nơi ban đầu xuất hiện thì hầu như không thể chữa khỏi, trở thành bệnh nan y. ThS, BS Bùi Thị Như Quỳnh (Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng): Ung thư là một trong những căn bệnh nguy hiểm, đang gia tăng nhanh chóng cùng với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, nhiều bệnh ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi. Ví dụ như: bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng… nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực, kịp thời, tỷ lệ chữa khỏi lên tới hơn 90%. |
Quỳnh Trang