Rất nhiều bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào việc điều trị mà không tìm hiểu, áp dụng chế độ dinh dưỡng đúng cách. Thực tế này là một trở ngại đối với quá trình điều trị bệnh. Thậm chí các bác sĩ buộc phải dừng áp dụng các phác đồ điều trị khi bệnh nhân đã “sức tàn lực kiệt”.
Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư rất quan trọng. TRONG ẢNH: Một buổi tư vấn dinh dưỡng cho người nhà và bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Ảnh: P.C |
Cụ bà N.T.T. (88 tuổi, trú tại Quảng Ngãi) nhập khoa Ngoại 2, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng và được các bác sĩ chẩn đoán bị ung thư môi. Tuy nhiên, khi nhìn tấm thân gầy còm, chỉ nặng vẻn vẹn 30kg của cụ, các bác sĩ đều lắc đầu e ngại. Tình trạng sức khỏe của cụ hoàn toàn không đáp ứng được quá trình điều trị khắc nghiệt tại đây.
“Bờ môi sưng to khiến việc ăn uống của cụ rất khó khăn. Ngoài ra, cụ cũng chủ động không dám ăn nhiều vì sợ khối u sẽ phát triển. Cả nhà không biết làm cách nào”, chị Hiền, con gái cụ T. chia sẻ.
Sau khi đánh giá tình trạng dinh dưỡng của cụ T., các bác sĩ tại khoa Dinh dưỡng-Tiết chế, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng nhận định, mỗi ngày cụ phải dung nạp khoảng 1.300 - 1.400 KCal thì cơ thể mới đáp ứng đủ năng lượng. Kế hoạch đặt ống thông mũi xuống dạ dày được thực hiện, giúp cụ loại bỏ được khó khăn do bờ môi sưng tấy. Sau 1 tuần thực hiện chế độ dinh dưỡng do các bác sĩ áp dụng, cụ T. đã tăng… 7kg! Những tháng ngày sau đó là quá trình phẫu thuật, xạ hóa trị giúp cụ chống lại căn bệnh quái ác.
Cuốn sổ nhật ký theo dõi, tư vấn, điều trị chăm sóc dinh dưỡng tại khoa Dinh dưỡng-Tiết chế ghi lại tình trạng, quá trình điều trị, bổ sung dinh dưỡng của hàng ngàn bệnh nhân ung thư đã và chuẩn bị bước vào những giai đoạn khắc nghiệt của bệnh tật. BS Nguyễn Thị Khánh Hoài, Phụ trách khoa Dinh dưỡng-Tiết chế chia sẻ, tình trạng thiếu dinh dưỡng khá phổ biến đối với các bệnh nhân tại đây. Nhiều bệnh nhân do xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nên cơ thể rơi vào tình trạng suy kiệt nhưng đồng thời đó cũng là do quan niệm của một số người khi cho rằng, hạn chế ăn uống cũng là cách để bệnh không phát triển.
“Bệnh nhân ung thư có nguy cơ bị suy kiệt rất cao vì ảnh hưởng về thể chất và tinh thần của cả bệnh và quá trình điều trị gây ra. Sự phát triển của khối u tiết ra một số chất tiền viêm làm tăng tốc độ chuyển hóa bình thường của cơ thể, gây phân hủy mỡ, đạm, làm tăng phân hủy các mô trong cơ thể và do vậy, làm tăng nhu cầu năng lượng”, bác sĩ Hoài cho biết.
Ngoài ra, triệu chứng cơ năng (như đau, nuốt nghẹn nuốt khó, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, tắc nghẽn dạ dày hay tắc ruột…) có thể làm giảm khẩu phần ăn, giảm hấp thu và tăng mất chất dinh dưỡng. Tâm lý người bệnh bị ảnh hưởng khi bị chẩn đoán ung thư sẽ gây ra lo lắng, buồn rầu, trầm cảm, làm giảm cảm giác ngon miệng. Bên cạnh đó, quá trình điều trị ung thư gây ra tác dụng phụ có ảnh hưởng ngược đến biếng ăn và các vấn đề khác như thay đổi vị giác, nuốt khó, nhiễm khuẩn có thể làm ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng.
Dinh dưỡng không bảo đảm sẽ cản trở quá trình điều trị
Những thực tế nêu trên khiến người bệnh từ một người hoàn toàn bình thường bỗng chốc rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, cơ thể bị suy nhược gây cản trở cho quá trình điều trị.
Theo BS Khánh Hoài, nếu không điều trị dinh dưỡng kịp thời và hợp lý, khi đã bị sụt cân hay suy dinh dưỡng, bệnh nhân ung thư sẽ gặp phải một số vấn đề như vết mổ chậm lành, tăng nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật, dễ bị tăng độc tính và biến chứng của hóa trị, xạ trị; thời gian nằm viện sẽ kéo dài, tăng chi phí điều trị; thậm chí, nguy cơ tử vong tăng cao. Hiệu quả điều trị ung thư bị hạn chế ở những bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng do giảm khả năng đáp ứng với thuốc điều trị ung thư hay xạ trị. Người bệnh không chịu nổi liệu pháp điều trị tối ưu nên bác sĩ có thể phải giảm liều hoặc tạm ngưng điều trị để điều trị dinh dưỡng tích cực.
Theo các bác sĩ tại khoa Dinh dưỡng-Tiết chế, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, có 6 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết và bắt buộc phải bổ sung đầy đủ cho người bệnh điều trị ung thư.
Thứ nhất là nhóm chất đạm, có trong thịt, cá, trứng, sữa, hạt (hạt điều, hạt dẻ, hạnh nhân, óc chó…). Bệnh nhân nên ăn thịt trắng, đậu đỗ, trứng và sữa thường xuyên. Với thịt đỏ, người bệnh có thể ăn ít hơn 300 gam/tuần và hạn chế ăn dạng khô, mắm hoặc nướng.
Thứ hai là nhóm chất béo có trong các loại dầu, mỡ, bơ… Đặc biệt các loại dầu tốt cho sức khỏe bao gồm chất béo chứa omega-3, dầu ô-liu, dầu cải, dầu phộng hay dầu đậu nành, nhưng bệnh nhân cần hạn chế những thức ăn chứa chất béo có hại từ mỡ hay nội tạng động vật, hạn chế dùng dầu chiên đi chiên lại, cũng như các thức ăn chiên, xào.
Thứ ba là nhóm tinh bột, đường có lợi cho người bệnh ung thư, thành phần có trong gạo, yến mạch, bún, mì, phở, ngô (bắp), củ từ, sắn… Tinh bột và đường là nguồn năng lượng cơ bản cần thiết, giúp duy trì sự sống cho nhiều loại tế bào quan trọng như não, gan, thận, tim, hồng cầu, cơ xương. Nhưng người bệnh không nên ăn quá nhiều loại thực phẩm có chỉ số đường cao tránh gây tăng đường huyết trong quá trình điều trị.
Thứ tư là nhóm chất xơ, rất quan trọng trong việc tăng cường chức năng tiêu hóa, giảm cholesterol máu, giúp kiểm soát đường máu tốt hơn. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị viêm đường ruột do hóa, xạ trị hoặc các bệnh lý tiêu hóa khác thì không nên ăn chất xơ không tan mà chuyển sang dùng các loại chất xơ hòa tan.
Thứ năm là vitamin, chất khoáng. Dù cơ thể cần một lượng rất nhỏ vitamin và khoáng chất, nhưng chúng lại có vai trò rất quan trọng trong tạo máu, chuyển hóa men, miễn dịch, lành sẹo, khoáng xương… Thiếu hụt vitamin và khoáng chất kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn toàn bộ chức năng. Bệnh nhân ung thư trong giai đoạn điều trị hay bệnh nhân suy dinh dưỡng thường thiếu hụt các chất này.
Cuối cùng là cần cung cấp lượng nước đầy đủ cho cơ thể. Tất cả các tế bào trong cơ thể cũng như mọi hoạt động chuyển hóa đều cần nước. Nước còn giúp thải độc (qua đường tiểu). Hóa trị hay xạ trị thường làm cho nước bọt sệt lại khiến người bệnh có cảm giác khô miệng, ăn uống khó khăn hơn, nên cần uống nước nhiều. Nếu không uống đủ nước hay bị mất nước do nôn ói, tiêu chảy, bệnh nhân có thể thiếu nước nặng và nguy hiểm đến thể trạng.
“Sau khi phẫu thuật, người bệnh thường bị đau, mệt mỏi hoặc buồn nôn nên không thể ăn bình thường. Đặc biệt, trong trường hợp cắt thực quản, dạ dày hoặc đại tràng, khả năng ăn uống, tiêu hóa và hấp thu thức ăn bị ảnh hưởng đáng kể. Thời điểm bắt đầu ăn lại cần được bác sĩ chỉ định. Trong trường hợp hóa trị, xạ trị có thể gây buồn nôn, nôn hay đau họng, nuốt đau, khô miệng, chướng bụng hoặc tiêu chảy, người bệnh không nên bỏ bữa mà dùng các thức uống (nước trái cây, trà đường) hay thức ăn dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, sữa; ăn ít và nhiều lần trong ngày (6-8 lần/ngày). Những bệnh nhân bị khô miệng hay viêm loét miệng cần tránh thức ăn nóng, chua, cay, thô ráp, cứng, nhiều gia vị, nên chọn thức ăn mềm, có nước sốt hoặc lỏng, xay nhuyễn, uống sữa phù hợp với bệnh ung thư. Đồng thời, người bệnh cũng cần uống nhiều nước và vệ sinh răng, miệng, họng”, BS Hoài cho biết thêm.
PHAN CHUNG