“Đừng đợi ung thư gõ cửa!” là chiến dịch của Phòng khám đa khoa Pasteur Đà Nẵng từ tháng 6-2018 đến nay với mong muốn phổ biến kiến thức về bệnh ung thư đến cộng đồng, để mọi người “phòng bệnh” trước khi “chữa bệnh” và nếu “chữa bệnh” thì phải được chữa đúng cách.
ThS-BS Nguyễn Thành Trung (thứ hai từ trái sang) trò chuyện với những người tham dự một buổi tư vấn về bệnh ung thư trong chương trình “Đừng đợi ung thư gõ cửa!”. Ảnh: HỒNG VUI |
Đội ngũ của chiến dịch gồm 7 bác sĩ, trong đó có 6 bác sĩ nội trú trẻ và 1 bác sĩ “già” - chuyên gia về ung thư đến từ thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt chuyên về ung thư vú, ung thư đầu mặt cổ. Vị bác sĩ “già” này có mặt ở phòng khám vào 2 ngày cuối tuần với hàng loạt công việc: khám bệnh, tư vấn, tầm soát, chẩn đoán bệnh ung thư; giải đáp thắc mắc cả trực tiếp lẫn trực tuyến cho bệnh nhân; tham gia các ca phẫu thuật cùng các bệnh viện liên kết trên địa bàn Đà Nẵng để điều trị ung thư…
Ngoài việc tư vấn, tầm soát, chẩn đoán bệnh ung thư tại phòng khám, chiến dịch “Đừng đợi ung thư gõ cửa!” còn có những buổi tư vấn, trao đổi miễn phí ở nhiều địa phương như Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Quảng Ngãi…; những buổi tư vấn trực tuyến (livestream) hằng tuần, thu hút rất đông người tham dự hoặc theo dõi.
Đừng để có bệnh rồi mới lo chạy chữa!
Nhiều người đã đặt câu hỏi, thậm chí hoài nghi, cho rằng các bác sĩ “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” khi thực hiện những buổi tư vấn miễn phí như thế. Nhưng con số bệnh nhân ung thư đang gia tăng với 164.000 ca mới được ghi nhận trên cả nước trong năm 2018 và hơn 114.000 ca tử vong, là điều đáng báo động; đứng đầu là ung thư gan với hơn 25.000 ca, chiếm 15,4% trong các loại ung thư. Các bác sĩ trẻ với khát vọng xây dựng môi trường y khoa trong lành, tử tế chỉ muốn làm điều gì đó cho cộng đồng, giúp mọi người hiểu hơn về loại bệnh vẫn thường được cho là “trời kêu ai nấy dạ”.
Thực ra, có 80% nguyên nhân từ môi trường bên ngoài (như chế độ ăn uống, hút thuốc lá, béo phì, rượu bia…) gây ung thư và 20% nguyên nhân nội sinh. Từng bệnh ung thư đều có những yếu tố nguy cơ. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố cốt lõi để cải thiện tiên lượng sống cho bệnh nhân ung thư.
Song, đa phần trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, nghĩa là công tác tầm soát ung thư đã bị bỏ qua hoặc tầm soát không đúng cách.
Khi bệnh ở giai đoạn muộn, vấn đề điều trị được cân nhắc vì khó tiêu diệt được tất cả các tế bào di căn âm thầm, nhất là sự ăn lan quá mức do bướu quá to, hạch quá lớn hay nhiều. Lúc này, mục đích chính chỉ là kiểm soát bệnh, kéo dài cuộc sống. Do đó, chiến dịch muốn gửi thông điệp rằng, vì sức khỏe của chính quý vị và vì những người thân, hãy chịu khó khám sức khỏe định kỳ, hãy lắng nghe cơ thể của mình để phát hiện bệnh sớm, đừng để có bệnh rồi mới lo chạy chữa!
Trong những buổi tư vấn trực tiếp và trực tuyến, các bác sĩ của chiến dịch nhận ra rằng, rất nhiều người quan tâm và muốn tìm hiểu về các loại bệnh ung thư nhưng lại thờ ơ (hoặc không hề biết) về tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Hơn nữa, rất nhiều người có tâm lý ngại “đụng dao kéo” trong chẩn đoán và điều trị ung thư.
Nỗi lo “đụng dao kéo” làm tế bào bướu hay tế bào ung thư lan ra, rơi ra xung quanh, di căn chỗ khác, là tâm lý đương nhiên đối với nhiều bệnh nhân ung thư và người nhà. Nhưng theo lời khuyên của bác sĩ, mọi người cũng đừng lo lắng quá bởi y học đã nghiên cứu vấn đề này và đưa ra những nguyên tắc an toàn, buộc bác sĩ tuân thủ, chẳng hạn: sinh thiết trọn hạch tốt hơn sinh thiết một phần; khi sinh thiết hay mổ, tránh làm vỡ bướu, vỡ hạch và phải cầm máu tốt; khi phẫu thuật hay mổ, phải cắt cách xa bướu và không chạm tay vào bướu, không cắt sát bướu…
Tuy nhiên, không phải lúc nào điều trị ung thư thất bại cũng do đặc điểm bệnh ở giai đoạn muộn. Một bệnh nhân bị đau bụng suốt 6 tháng, khám tại 3 bệnh viện. Khi bệnh nhân yêu cầu được nội soi đại tràng thì mới phát hiện ung thư đại tràng góc gan… Trong trường hợp này, việc chậm phát hiện bệnh do lỗi của bác sĩ.
Xét nghiệm máu đơn thuần không tầm soát ung thư
Nhóm thực hiện chiến dịch đã nhận hàng trăm câu hỏi đại ý rằng, “năm nào em cũng đi xét nghiệm máu để tầm soát ung thư mà sao bây giờ khám tầm soát, chụp nhũ ảnh rồi siêu âm và sinh thiết chọc hút ra ung thư vú”. Một phụ nữ (55 tuổi) 3 tháng trước đi khám sức khỏe tổng quát đã thực hiện xét nghiệm máu tầm soát ung thư đại tràng, nhận được kết quả bình thường. Nhưng bà vẫn biểu hiện mệt mỏi, sụt cân, thường đau vùng hố chậu trái, thỉnh thoảng đau từng cơn và đi ngoài phân nhầy máu. Bệnh nhân này tìm đến Phòng khám đa khoa Pasteur và được tư vấn nội soi đại tràng kèm sinh thiết thì phát hiện khối u đại tràng Sigma biệt hóa tốt, giai đoạn T4 (đã xâm lấn) trên phim chụp cắt lớp.
Một bệnh nhân nam (40 tuổi) có tiền sử hút thuốc nhiều (mỗi ngày 2 gói trong 20 năm) đã tầm soát ung thư cách đây 1 tháng, có cả xét nghiệm máu tầm soát ung thư phổi cũng nhận được kết quả bình thường nhưng vẫn xuất hiện triệu chứng: đau vùng ngực kéo dài, thi thoảng ho khạc ra máu. Giờ đây, bác sĩ phát hiện khối u khá lớn ở vùng rốn phổi phải của anh.
Vậy xét nghiệm máu đơn thuần thực tế có được sử dụng để tầm soát ung thư không? Các xét nghiệm máu (dấu ấn bướu) đang được dùng tầm soát ung thư chủ yếu mang tính tham khảo chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi điều trị. Chỉ có 2 xét nghiệm máu được dùng để tầm soát ung thư: Alphafetoprotein trong tầm soát ung thư gan nhưng phải kết hợp với siêu âm gan, PSA trong tầm soát ung thư tiền liệt tuyến nhưng phải kết hợp với siêu âm tiền liệt tuyến. Đến nay, chưa có xét nghiệm máu đơn thuần nào được dùng để tầm soát ung thư.
Vì vậy, mọi người không thể phó mặc mọi chỉ định tầm soát ung thư cho bác sĩ hay những cơ sở y tế. Bởi lẽ, tầm soát không đúng cách sẽ chỉ gây tốn kém và khiến mất cơ hội phát hiện sớm bệnh.
Thay vì đợi ung thư gõ cửa, mọi người nên chủ động trang bị kiến thức để hiểu ý nghĩa của tầm soát ung thư, nắm bắt các triệu ứng của từng loại ung thư, hiểu các yếu tố nguy cơ và quan trọng hơn cả là phòng ngừa bằng lối sống khỏe mạnh.
ThS, BS NGUYỄN THÀNH TRUNG