Mấy hôm nay nghe người ta xôn xao về một cuốn sách đề tài thời chiến được tái bản đến lần thứ 14, bán ra hơn 30.000 bản, tôi cũng lân la tìm hiểu. Cả tựa đề cuốn sách - Quân khu Nam Đồng, lẫn tên tác giả Bình Ca đều xa lạ với tôi. Có gì mà “hot” đến nhường ấy? Đến khi cầm cuốn sách trên tay, hình ảnh những cậu thanh niên mặc quần áo bộ đội gây cho tôi ấn tượng ban đầu với suy nghĩ: “Có lẽ, đây không đơn thuần là cuốn sách về đề tài chiến tranh mà có thể là về một thời hoa niên, thời tuổi trẻ của những đứa trẻ lớn lên ở Nam Đồng, Hà Nội”.
Quả thực, Quân khu Nam Đồng viết về những đứa trẻ ở khu tập thể gia binh Nam Đồng - một trong những khu tập thể lớn nhất ở Hà Nội dành cho con em cán bộ tập kết ra Bắc giai đoạn những năm 1973-1975. Bối cảnh câu chuyện là những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Nhưng, từ đầu đến cuối, cuộc chiến chỉ làm nền cho những câu chuyện giấu trong từng trang sách. Mới đọc đến trang thứ hai, tôi đã không nhịn được cười vì cuộc gặp lại sau 40 năm của “những đứa trẻ năm nào”…
Khi Việt ngơ ngác giữa đám đông. Nó hầu như chẳng nhận ra ai. Một “cô em” rất xinh đến túm lấy Việt nhắc lại kỷ niệm thời “cởi truồng tắm chung” với nhau, Việt chịu, không thể nhớ. “Anh không nhớ. Nhưng… bây giờ mình cùng trở về quá khứ được không em?”.
Đó như lời mở đầu cho giọng văn tếu táo của tác giả Quân khu Nam Đồng. Bắt đầu bằng tình bạn chân thành, những đứa con nhà lính ngày ấy túm tụm với nhau cùng chơi, cùng học… dốt, cùng rủ nhau… yêu! Chuyện tình yêu của chúng tạo tiếng cười xôn xao suốt tác phẩm. Những đứa trẻ mới lớp 8 coi chuyện tuổi này mà chưa có bạn gái là… cù lần. Chúng “tự tiện” phân chia các bạn gái trong lớp như “các đế quốc phân chia thuộc địa”.
Khi Đính và Mình cùng thích Hà, Hòa góp ý: “Không nên vì một tình yêu chưa thành mà ảnh hưởng tới tình anh em, nếu hai đứa chúng mày không thỏa thuận được thì nhường Hà cho thằng Ngọc”. Hòa lý giải việc “phân chia” như vậy vì Ngọc là đứa nhút nhát nhất hội, nếu không giúp, Ngọc khó có bạn gái, xem như đây là… việc nghĩa.
Dẫu đều là những đứa trẻ mới lớn chẳng có chút kinh nghiệm yêu đương, chúng thể hiện tình huynh đệ với nhau bằng cách làm “quân sư tình yêu”, thậm chí “viết thư tình” hộ, rồi từ một bức thư mùi mẫn được sao chép ra hàng chục bức thư khác, chỉ thay tên… người thương. Hòa - vốn văn hay chữ tốt, nhận nhiệm vụ viết thư giúp cả bọn. Khi Hòa hỏi muốn viết cho người ấy nội dung như thế nào, Việt trả lời gọn lỏn: “Tùy mày, viết sao cho nó yêu tao là được”.
Những chuyện vặt vãnh được tác giả kể lại rất có duyên. Sẽ có bạn đọc phải nhíu mày khi đọc đến những đoạn mà lời ăn tiếng nói hằng ngày như được tác giả bê nguyên vào trang sách: “bỏ mẹ”, “chết mẹ”, “bố chúng mày”, “tiên sư bố”… Vì sao như thế? Là vì, suy cho cùng, những đứa con của lính ngày ấy thiếu vắng sự dạy dỗ của bố mẹ.
Nhiều gia đình có bố, đôi khi cả mẹ đi chiến trường biền biệt, vài năm mới về, hay thậm chí là không bao giờ trở về, dù có muốn cũng chẳng có cơ hội dạy con. “Phúc sống trong tuổi thơ không biết tin ba. Mười năm đằng đẵng, mỗi khi thấy bác đưa thư là nó lao ra ngóng”. Bọn trẻ lớn lên theo bản năng, học tất cả cái tốt từ nhà trường, bè bạn và cả không ít những thứ “không tốt” từ đủ các nơi.
Đám trẻ này bày đủ trò để phá, đôi khi chúng hơi “hỗn”, hơi “quá đáng”. Chúng sẵn sàng đánh lại nếu có người bắt nạt. Dẫu vậy, bọn trẻ Nam Đồng cũng nổi tiếng vì nghĩa khí. Khi nghe vợ thầy Toàn dạy Văn ốm mà nhà thầy lại nghèo, con đông, tụi nó đã bàn nhau đến thăm. “Gà nhà tao đang đẻ, tao góp ba quả. Nhà thằng nào có gà đẻ thì về lấy một, hai quả góp vào”, “Để tao xúc mấy bơ gạo, đổi ít bánh cuốn cho bọn trẻ con ăn”, “Tao thấy hình như nhà thầy không có gạo. Bọn trẻ con nói hai hôm nay phải ăn khoai.
Chúng mình về mỗi đứa xúc mấy bơ gạo cho thầy…”. Đặc biệt, những đứa trẻ con nhà lính có ý thức rất cao việc đi nghĩa vụ quân sự khi đến tuổi. Thậm chí còn xung phong đi bộ đội trước tuổi. Có đứa có giấy gọi đi nước ngoài học nhưng không đi, viết đơn bằng máu xin nhập ngũ, và còn viết đến mấy lần. “Nếu thằng nào cũng sợ chết không đi đánh giặc thì làm gì có cái đất nước này, khu tập thể này… Đố thằng nào đến tuổi nghĩa vụ quân sự, trốn đi bộ đội mà sống được ở đây”, Hòa nói.
Tôi đã cười trước những trò nghịch ngợm quậy phá của những đứa con nhà lính ấy. Tôi run rẩy cùng họ lớn lên với những rung động đầu đời. Tôi xót xa khi họ lạc lối vào những trận đánh thừa sống thiếu chết. Tôi cảm thương, xót xa với những dang dở không kết được bằng lời.
Chiến tranh là vậy. Ngày về rợp bóng cờ hoa, cũng là ngày vắng bóng những người đã ngã xuống. Cùng với Mai Hương và Ngọc, nhiều người con khác của khu tập thể Nam Đồng đã không trở về. Tác giả Bình Ca cũng là một người con của khu Nam Đồng đã hòa mình vào hồi ức chung của anh em bạn hữu một thời khu nhà lính như thế.
Xin trích nhận xét của nhà văn Bảo Ninh để kết lại bài viết này: “Tác giả của Quân khu Nam Đồng không phải nhà văn hoặc chí ít không phải nhà văn chuyên nghiệp, bởi chuyên nghiệp viết văn thì không nhìn, không kể, không viết được như vậy”. Có thể nói, cách hành văn mới lạ, cách kể rất riêng của “tự truyện tập thể” này xứng đáng đưa tác phẩm vào hàng hay nhất trong số các tác phẩm viết về Hà Nội những năm trước ngày đất nước hòa bình.
Lan Khuê
(*) Đọc Quân khu Nam Đồng, NXB Trẻ.